Chiều 30-10, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh), Sở Y tế TP. HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 - đợt dịch lần thứ 4.
Tới dự có ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM; Đại tá Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP. HCM; GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM; PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM; cùng đại diện đến từ các viện, trường, bệnh viện và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu dành 1 phút tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19
Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành 1 phút tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Sở Y tế TP. HCM đã đánh giá kết quả công tác phòng chống dịch của ngành trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm từ các hoạt động thực tiễn trong công tác điều hành, quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh; bên cạnh đó các đại biểu cũng được lắng nghe đại biểu đến từ trạm y tế cơ sở, tổ y tế lưu động… báo cáo, chia sẻ tham luận về công tác phòng chống dịch và tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho người mắc Covid-19.
Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Tăng Chí Thượng nhận định, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, TP. HCM đã trải qua thời khắc cam go, khốc liệt nhất trong lịch sử.
'Hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch bệnh, trong đó gần 55.000 là nhân viên y tế các đơn vị trực thuộc, khối y tế tư nhân và gần 25.000 cán bộ y tế trên cả nước. Tất cả đã cùng trải qua thời gian khốc liệt cùng những mất mát rất lớn', PGS.TS. BS Tăng Chí Thượng cho hay và khẳng định đây là sự huy động lớn nhất, chưa từng có đối với đội ngũ thầy thuốc của ngành y.
Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Tăng Chí Thượng phát biểu tại Hội nghị
Chia sẻ về tình hình dịch bệnh hiện nay, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM khẳng định, TP. HCM đã vượt qua đỉnh dịch. Ông phân tích, dịch bệnh bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng tích cực kể từ ngày 1-10; số trường hợp tử vong giảm dần từ 3 con số xuống 2 con số (đỉnh điểm ngày 23-8 có tới 340 trường hợp tử vong). Tương ứng số ca tử vong, số ca mắc mới, nhất là số ca nặng phải thở oxy hay thở máy đều giảm mạnh; số ca xuất viện cao hơn số ca nhập viện. Hiện còn khoảng 38.000 F0 đang được quản lý và điều trị, trong đó số người bệnh của bệnh viện tầng 2, 3 chiếm 30%, cách ly điều trị tại nhà gần 60% và 10% tại các cơ sở cách ly tập trung.
Nhìn lại thời gian chống dịch vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Tăng Chí Thượng cho rằng, những kinh nghiệm cũng như sự giúp sức từ Trung ương giúp công tác phòng chống dịch của thành phố đi đúng hướng. Đó là từ Bệnh viện dã chiến số 1, thành phố thành lập thêm 16 bệnh viện dã chiến. Từ số giường oxy chỉ khoảng 2.000, hiện toàn thành phố có 13.000 giường oxy điều trị Covid-19. Hàng loạt trang thiết bị y tế cũng được tăng cường. Đặc biệt, thành phố nhận được sự chi viện chưa từng có, với gần 25.000 cán bộ, nhân viên y tế.
'Hiện nay, dịch bệnh ở TP. HCM tương đối ổn, đây là thời điểm thành phố gửi lời tri ân sâu sắc đến toàn thể người dân cả nước', PGS. TS.BS Tăng Chí Thượng bày tỏ.
Giám đốc Sở Y tế TP. HCM tặng hoa tri ân các chuyên gia, bác sĩ đã góp sức giúp thành phố phòng chống dịch Covid-19
Bộc lộ nhiều hạn chế
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, ca bệnh đầu tiên mở đầu đợt bùng phát lần 4 ở thành phố là bệnh nhân liên quan ca F0 ở Hà Nam. Từ giữa tháng 5, thành phố phát hiện thêm 2 ca F0 nhiễm biến chủng Delta, ở quận 7 và TP Thủ Đức. Sau đó, dịch tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh chóng từ ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (Gò Vấp) và đỉnh dịch tại TP. HCM bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9.
Từ ngày 1-1 đến 28-10, toàn TP. HCM có 429.488 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố; có 95 bệnh viện điều trị Covid-19 (chuyển đổi công năng 54 bệnh viện, thành lập thêm 36 bệnh viện dã chiến) và 201 cơ sở cách ly F0. Thời điểm cao nhất của đợt dịch thứ 4, thành phố có 104.000 giường ở cả 3 tầng trong đó 4.600 giường ICU và có 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng, 1.500 kỹ thuật viên và hộ lý tham gia chăm sóc F0.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, để ứng phó và kiểm soát đợt dịch vừa qua, thành phố đã áp dụng hàng loạt giải pháp, từ xét nghiệm phát hiện, bóc tách F0; tiêm vaccine; điều trị F0; triển khai mô hình bệnh viện tháp 3 tầng; tổ chức cách ly tại nhà; cấp cứu và vận chuyển cấp cứu… đã đem lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cũng nhìn nhận, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người, ngành y tế thành phố đã bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác ứng phó với dịch bệnh.
Đầu tiên là công tác dự báo chưa theo kịp diễn biến của dịch bệnh. Biến chủng Delta đã được cảnh báo từ sớm nhưng việc dự báo chưa theo kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp.
Tiếp đó là công tác xét nghiệm, BS Châu phân tích: 'Đầu đỉnh dịch, kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR là phương pháp xác định F0 chủ yếu. Nhưng kỹ thuật này cần thời gian, năng lực xét nghiệm cũng chưa tương xứng với tốc độ lây lan quá nhanh của biến chủng Delta. Tốc độ lây nhiễm càng cao, dịch lan sâu vào trong cộng đồng. Có thời điểm thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ. Điều này làm mất đi ý nghĩa của việc bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
Thứ 3, việc triển khai tiêm chủng trong thời gian ngắn, huy động đội ngũ từ nhiều nơi nhưng không đồng đều trong khả năng của đội tiêm. Công tác nhập số liệu chưa đảm bảo, tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.
Thứ 4, việc cách ly tập trung toàn bộ F0 cùng một úc và lúc F0 lên tới hàng chục ngàn ca, trong khi cơ sở vật chất, đội ngũ y tế của các điểm cách ly tập trung chưa đáp ứng đã gây quá tải. Số lượng F0 quá nhiều thì khả năng chăm sóc của nhân viên y tế cũng quá tải. Từ đó mới có tình trạng nhiều F0 không được chăm sóc toàn diện, chuyển viện kịp thời và tử vong. Đồng thời số F0 được cách ly, điều trị tại nhà cũng bộc lộ những hạn chế từ năng lực y tế cơ sở. Nhiều F0 tại nhà cũng không được chăm sóc đầy đủ.
Lãnh đạo ngành y tế nhìn nhận hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức khiến F0 quá tải và tăng nguy cơ tử vong. Cuối cùng là việc ứng dụng CNTT chưa hiệu quả, từ phần mềm khai báo y tế, tiêm vaccine... gặp nhiều trục trặc.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhìn nhận, những điểm yếu này xuất phát từ thực tế đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra nên chưa ứng xử kịp thời. Bên cạnh đó, dân số thành phố đông khiến dịch lây nhanh nhanh trong thời gian ngắn. Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông trong công tác phòng, chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và đồng bộ.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Chuẩn bị tiêm mũi 3 cho người có nguy cơ cao
Trong 2 tháng cuối năm 2021, TP. HCM có kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ triển khai tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi. Riêng cuối tháng 11, thành phố tiêm mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi.
Năm 2022, kế hoạch của thành phố là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Ngoài ra, người đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế cũng có thể tiêm mũi 3, mũi 4.
Sở Y tế TP. HCM tri ân các chuyên gia