Mới đây, YouTube Gaming đã thống kê những chỉ số vô cùng ấn tượng trên nền tảng của mình. Qua đó, trong năm 2020, dù cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, song ngành công nghiệp game nói chung cũng như YouTube Gaming đã có thành quả 'không thể tin nổi'. Cụ thể, có tận 100 tỷ giờ xem về các nội dung game được xem trên YouTube. Trong số này, tất nhiên sẽ phải có những tựa game đứng đầu top người xem trên YouTube.
Đứng đầu là Minecraft có 201 tỷ lượt xem. Đứng thứ hai là Roblox 75 tỷ lượt xem. Tiếp theo và cũng bất ngờ lớn là Garena Free Fire có 72 tỷ lượt xem, nhiều hơn cả người đứng thứ tư là GTA V 70 tỷ lượt xem. Ở vị trí thứ năm là Fortnite: 67 tỷ lượt xem.
Có thể, nói đây là một năm thành công của Minecraft trên YouTube. Thành tích này tăng gấp đôi hoàn toàn so với con số mà Minecraft đã đạt được với tổng số 100 tỷ lượt xem vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là Minecraft đã tăng gấp đôi thành tích của chính mình và chỉ mất một năm.
Free Fire, dù phải nhận nhiều gạch đá từ cộng đồng game thủ Việt, song không thể phủ nhận được năm 2020 là một năm thành công của tựa game này. Đánh bại cả PUBG Mobile, Liên Quân và Call of Duty Mobile, Free Fire xuất sắc đạt giải Esports Mobile của năm trong sự kiện Esports Awards 2020. Và bây giờ thì YouTube cũng đã thống kê số lượt xem 'kinh khủng' của Free Fire khi thậm chí vượt qua cả tượng đài GTA V.
Cho những ai chưa biết thì Garena Free Fire được phát hành cho Android và iOS vào tháng 12 năm 2017 bởi Garena Studios và được phát triển bởi 111dots Studio (Việt Nam). Game tương tự với các tựa game Battle Royale mobile khác như PUBG Mobile và Clash Royale tuy nhiên lại phù hợp với các smartphone cấu hình thấp. Mỗi trận đấu chỉ bao gồm 50 người chơi và thường kéo dài chỉ 10 phút, nhanh hơn rất nhiều so với PUBG Mobile, điều này khiến Garena Free Fire tiếp cận được với rất nhiều người chơi trên toàn thế giới.
Vào cuối năm 2019, Free Fire cũng đã chính thức vượt qua cột mốc tổng doanh thu 1 tỷ đô la. Tuy hiện tại, Free Fire đã thuộc Garena, song không thể bỏ qua được nguồn gốc của sản phẩm này vẫn đến từ bàn tay của chính người Việt Nam.