Tuần qua, một tin tức gây chấn động với cộng đồng Axie Infinity trên khắp thế giới là việc Philippines có ý định đánh thuế vào người chơi ở quốc đảo này. Theo dữ liệu mới nhất, Axie Infinity ghi nhận doanh thu khoảng 485 triệu USD kể từ tháng 7 đến nay, chủ yếu là nhờ cơn sốt bùng nổ ở Philippines nơi chiếm tới 40% lượng người chơi.
Một game thủ 22 tuổi đến từ Phillipines.
Căn cứ để Philippines đưa ra ý định thu thuế Axie Infinity nói chung và các game blockchain nói riêng là nước này coi tiền ảo hay tiền mã hóa như một dạng tài sản có thu nhập. Và những người có tổng thu nhập hàng năm vượt quá 250.000 peso (hơn 5.000 USD) phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo Đạo luật Cộng hòa 10963.
Ngoài ra, tổng doanh thu trong một năm từ hàng hóa hoặc dịch vụ vượt quá 3 triệu peso (148.000 USD) cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây là những cơ sở để Philippines đánh thuế người chơi hoặc nhà thầu cung cấp dịch vụ chơi hộ (cho thuê thú cưng Axie).
Muốn thu thuế phải sửa luật
Hiện tại, tuy lượng người chơi Axie Infinity đã vượt mốc 1 triệu người, nhưng nguồn cung tiền ảo cũng tăng lên và do đó thu nhập của người chơi đã bị giảm đi.
Thu nhập này bắt nguồn từ vật phẩm ảo trong trò chơi có tên gọi là Love Potion, mà có thể dễ dàng cày cuốc và quy đổi ra đồng tiền ảo Smooth Love Potion (SLP) để bán ra thị trường. Tuy vậy, trữ lượng SLP là không giới hạn và với giá trị 0,13 USD ở thời điểm hiện tại, người chơi chỉ còn kiếm được khoảng dưới 600 USD/tháng nếu người đó tự bỏ tiền đầu tư mua thú cưng.
Con số này là giảm khá mạnh so với thời điểm SLP lập đỉnh 0,3 USD hồi đầu tháng 5 và giữa tháng 7, mà khi đó người chơi có thể kiếm tới 1.600 USD/tháng.
Dựa trên giá trị của SLP ở thời điểm hiện tại, người chơi Axie Infinity đã không còn kiếm được số tiền khủng như thời điểm trước, dù vẫn đã là khá cao so với mức lương tối thiểu ở Philippines.
Thực tế, giá của đồng SLP cũng chỉ tăng vọt từ cuối tháng 4 cũng như Axie Infinity mới chỉ tạo cơn sốt từ khoảng giữa tháng 6. Khoảng thời gian hơn nửa năm là khá khó để game thủ Philippines có thể kiếm trên 5.000 USD/năm, để đạt đến ngưỡng nộp thuế.
Đó là chưa kể, người chơi Axie Infinity muốn kiếm tiền từ game này phải đầu tư mua ít nhất ba thú cưng có giá trị phụ thuộc vào giá của đồng Ethereum với khoảng 2.000 USD bỏ vào tính theo giá trị của Ethereum ở thời điểm này.
Ngoài ra, khi có được SLP, người chơi hoàn toàn có thể bán ra và mua vào các loại tiền ảo khác chứ chưa chắc đã rút ra tiền thật. Căn cứ để thu thuế người chơi Axie Infinity như vậy là chưa rõ ràng mà cần phải sửa luật. Bản thân Philippines cũng đang tranh luận giữa việc coi các loại tiền ảo trong game như Axie Infinity là tiền tệ hay chứng khoán để đánh thuế.
Dù vậy, một số ít nhà thầu có thể phải đóng thuế VAT nhờ nguồn thu khủng có được do cho thuê lại thú cưng để người khác cày cuốc hộ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, người chơi Axie Infinity càng đông, càng dễ để thị trường bị pha loãng và một nhà thầu kiếm được hơn 3 triệu peso/năm là không nhiều, trừ phi Philippines có ý định sửa luật như gỡ bỏ hoặc hạ thấp mức sàn thu nhập chịu thuế xuống.
Thu thuế từ nhà phát triển
Trên thực tế, không phải bây giờ mà đã từ rất lâu, người chơi đã có thể kiếm tiền từ game online thông qua thị trường buôn bán vật phẩm ảo với giá trị do cộng đồng trong game đó tự quy định với nhau.
Axie Infinity có khoảng 1,4 triệu người chơi trên mọi nền tảng, trong đó chiếm 40% là game thủ Philippines.
Các game nổi tiếng nhất thế giới như World of Warcraft, Dota 2 hay CS:GO có những vật phẩm ảo trị giá hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD được trao đổi qua lại xuyên biên giới và thanh toán bằng tiền thật, trước cả khi có Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác.
Vì thế, giải pháp dễ thấy nhất ở nhiều nước là thu thuế từ nhà phát triển hoặc nhà phát hành. Doanh thu từ vật phẩm ảo được bán ra là một phần cơ sở để tính các loại thuế liên quan đến doanh nghiệp, dựa trên các quy định hiện hành.
Như trong trường hợp này, Axie Infinity có đội ngũ phát triển ở Việt Nam nhưng đặt trụ sở ở Singapore, sẽ phải tuân thủ các quy định về thuế ở nước sở tại Singapore.