Theo báo cáo mới từ WHO, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) tiếp tục là những thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu và gây ra 2,5 triệu ca tử vong mỗi năm.
Dữ liệu mới cũng cảnh báo STI đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là giang mai.
WHO cảnh báo các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang có sự gia tăng ở nhiều khu vực - Ảnh minh họa: iSTOCK
Năm 2022, các quốc gia thành viên của WHO đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là giảm số ca nhiễm giang mai ở người trưởng thành hằng năm xuống còn 1/10 vào năm 2030 (từ 7,1 triệu xuống còn 0,71 triệu người).
Tuy nhiên, trong cùng năm đó, số ca mắc bệnh giang mai mới ở người từ 15-49 tuổi đã tăng hơn 1 triệu (8 triệu người). Mức tăng cao nhất xảy ra ở khu vực dịch tễ châu Mỹ và châu Phi.
Kết hợp với mức giảm chưa như kỳ vọng đối với số ca nhiễm HIV mới và viêm gan siêu vi mới, báo cáo đánh dấu những mối đe dọa đối với việc đạt được các mục tiêu liên quan của Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tỉ lệ mắc giang mai ngày càng tăng đang là một trong những mối lo ngại lớn, dù may mắn là nhân loại đã có những tiến bộ lớn trong việc chẩn đoán, điều trị, tiếp cận.
Chỉ riêng 4 bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất là: giang mai (gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum), lậu (Neisseria gonorrhoeae), chlamydia (Chlamydia trachomatis) và trichomonas (Trichomonas vagis) đã gây ra hơn 1 triệu ca nhiễm trùng mỗi ngày.
Báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng bệnh giang mai ở người lớn và bà mẹ (1,1 triệu ca) cùng bệnh giang mai bẩm sinh liên quan (523 trường hợp trên 100.000 ca sinh sống mỗi năm) trong đại dịch COVID-19. Năm 2022, có 230.000 ca tử vong liên quan đến bệnh giang mai.
Dữ liệu mới cũng cho thấy sự gia tăng bệnh lậu đa kháng thuốc.
Tính đến năm 2023, trong số 87 quốc gia tăng cường giám sát tình trạng kháng kháng sinh của bệnh lậu, 9 quốc gia đã báo cáo mức độ kháng thuốc cao (5%-40%) với ceftriaxone - phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh lậu.
WHO đang theo dõi tình hình và đã cập nhật phương pháp điều trị được khuyến nghị để giảm sự lây lan của chủng lậu đa kháng thuốc này.
Cũng trong năm 2022, khoảng 1,2 triệu ca viêm gan siêu vi B mới và gần 1 triệu ca viêm gan siêu vi C mới được ghi nhận.
Số ca tử vong ước tính do viêm gan siêu vi đã tăng từ 1,1 triệu vào năm 2019 lên 1,3 triệu vào năm 2022 mặc dù có các công cụ phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Số ca nhiễm HIV mới chỉ giảm từ 1,5 triệu vào năm 2020 xuống còn 1,3 triệu vào năm 2022. Tử vong liên quan đến HIV tiếp tục ở mức cao, ví dụ năm 2022 là 630.000 ca, 13% trong số đó là trẻ em dưới 15 tuổi.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã đạt được thành tựu nhất định trong cuộc chiến này, bao gồm một số nước loại trừ được sự lây truyền HIV/giang mai từ mẹ sang con, nâng cao tỉ lệ điều trị HIV, mở rộng phạm vi chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi B/C...
WHO cũng khuyến nghị các quốc gia tăng cường biện pháp chống lại STI, bao gồm đầu tư xuyên suốt cho các kế hoạch bền vững cấp quốc gia, củng cố và điều chỉnh các hướng dẫn, kế hoạch và biện pháp hỗ trợ; mở rộng khả năng tiếp cận điều trị, chống lại kỳ thị, phân biệt đối xử bằng công cụ pháp luật...