Những vấn đề giữa các mối quan hệ trong hôn nhân, gia đình không phải lúc nào cũng dễ sẻ chia. Có những thứ nghe thì rất nhỏ nhặt nhưng đó lại là nguyên nhân âm ỉ gây rạn nứt 1 cuộc hôn nhân.
Mới đây, 1 cô vợ lên diễn đàn mạng chia sẻ câu chuyện cũng như cách mình đã đối mặt, tưởng không hay mà lại hay không tưởng.
Câu chuyện như sau: 'Có 1 nhân vật gây nhức nhối không kém mẹ chồng đó là em gái chồng các chị ạ. Em vừa có pha 'tức nước vỡ bờ' ai ngờ lật ngược được cục diện. Em không ích kỉ đến mức cấm chồng qua lại hay giúp đỡ em gái, vì nhà cũng chỉ có 2 anh em thôi. Song cái gì cũng phải hợp lý. Anh em kiến giả nhất phận, làm gì có chuyện lập gia đình rồi cái gì cũng anh, mua sắm, công to việc lớn không nhờ chồng mà nhờ anh.
Ảnh minh họa
Đỉnh điểm là hôm trước em chồng đi con xe mới cứng sang nhà em chơi, rủ vợ chồng em đi ăn 'rửa xe'. Ăn xong cô ấy say, chồng em lại trả tiền. Nhưng thôi cái đó em không so đo. Vấn đề là cái xe đó có nằm mơ em cũng không tin nổi chính là tiền thưởng của chồng em. Thế mà về nói dối vợ là dịch bệnh cắt giảm nhân sự, doanh thu cũng giảm kéo theo nhiều thứ. Ai ngờ quá đáng thật!
Hôm ấy em về nói rõ ngọn ngành với chồng, nhắc nhở anh là mình cũng chưa giàu có gì, còn nhiều chuyện phải lo. Cứ tình trạng này chả tiết kiệm được đồng nào rồi lấy tiền đâu mà sinh đẻ. Chồng em ậm ừ cho qua rồi vẫn chứng nào tật đấy. Em kêu khổ tí là chuyển khoản cho luôn.
Cuối tháng, lĩnh lương xong em tuyên bố: 'Em có bầu được 5 tuần rồi. Từ giờ tiền lương của anh sẽ để chi tiêu mọi thứ trong nhà còn lương em để ra cho con sau này. Em lập sổ tiết kiệm góp từng tháng rồi nên mỗi tháng ngân hàng họ sẽ tự trừ 10 triệu. Mình phải quyết tâm mới tiết kiệm được anh ạ, có đứa trẻ con là tốn kém lắm'.
Chồng em mừng lắm vì cưới 2 năm rồi em mới có bầu. Thế nên giờ nói gì anh ấy cũng đồng ý. Lương chồng em khoảng 15 triệu/ tháng, trả tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt rồi cafe, nhậu nhẹt của anh ấy cũng chẳng còn bao nhiêu. Nhưng em kệ, cứ tự giác đưa em 5 triệu để em mua bán cho dễ, còn lại 10 triệu anh đi chợ bữa rồi, nộp tiền nhà, điện, nước, mạng, giỏi co thì còn mà không cũng ráng chịu.
Ảnh minh họa
Cứ mỗi lúc chồng chuẩn bị than thở em lại lơ đi xoa bụng giả vờ nựng con: 'Tháng này bố kiếm được cho cu Bi cái cũi rồi nhá, Bi thích màu gì nói với mẹ nào'. Em chồng kể nghèo kể khổ em cũng nói thẳng luôn: 'Anh chị dạo này nhiều việc phải lo quá. Giá kể có chị cũng cho cô đấy. Mà cô xem bớt mấy chai nước hoa, mấy bộ váy tiền triệu là đỡ túng ngay ấy mà'.
Lúc em chồng về em nhấn mạnh cho chồng hiểu: 'Anh thừa tiền thì đi mà làm từ thiện, đừng có dung túng cho em anh ăn tiêu hoang. Tiền toàn vung ra cửa sổ ấy, chồng con bao giờ mới được nhờ'. Chồng em chẳng dám nói lại nhưng trong đầu thừa hiểu. Đấy, cứ phải mạnh mẽ lên các chị ạ'.
Ai cũng tán thành với cách giải quyết của cô vợ trên. Thực tế có rất nhiều câu chuyện tương tự. Thế nhưng các bà vợ thường quanh quẩn với sự bực tức mà không biết giải quyết thế nào. Chúng ta không ích kỉ, không cấm đoán chồng nhưng mọi thứ đều phải được cân bằng 1 cách hợp lý.
Hãy thẳng thắn trò chuyện với nhau, phân tích để anh ấy biết mình cũng là 1 nàng dâu biết điều với nhà chồng nhưng ai cũng phải vun vén cho gia đình mình trước tiên. Còn nếu trong trường hợp chồng không hiểu ra, vẫn chứng nào tật ấy thì phụ nữ cũng nên suy xét kĩ. Bởi tình trạng đó kéo dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Và quan trọng nhất là hình thành thói xấu lẫn tính ỷ lại của cô em chồng vào anh trai mình. Dần dần các cô ấy sẽ coi thường chị dâu và chi phối được cả những vấn đề trước đây thuộc phạm vi riêng của gia đình bạn.