Khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, phụ nữ luôn là người hi sinh, chịu nhiều thiệt thòi hơn. Tuy cũng đi làm, lo kinh tế như chồng song họ còn phải gánh thêm 1 trọng trách tề gia, nội trợ vun vén cuộc sống gia đình. Vậy nên hơn hết, bất cứ người vợ nào cũng cần được chồng quan tâm, trân trọng những hi sinh, vất vả của họ.
Nếu không may lấy phải người chồng vô tâm, không biết trân trọng công sức của vợ, phụ nữ sẽ mệt mỏi, thấy áp lực với cuộc sống vô cùng. Giống như tâm sự của một người vợ trong câu chuyện dưới đây.
Cô vợ kể: 'Ngày trước em là con út trong nhà, được bố mẹ anh em chiều chuộng lắm, hầu như chẳng mấy khi phải vào bếp nấu cơm. Từ ngày lấy chồng, đời đúng là rẽ sang một trang khác, đi làm thì thôi, về nhà là cắm cổ lo cơm nước nhà cửa. Có điều trong mắt chồng, em vẫn như thể chỉ ăn chơi.
Bài chia sẻ của cô vợ
Em không dám nói sai, từ ngày cưới lão tới nay tính ra cũng 4 năm 9 tháng mà chưa bao giờ em được chồng rửa giúp cái bát, nấu hộ bữa cơm. Ngày khỏe cũng như ngày yếu, em tự phải vào bếp làm hết. Con cái cũng vậy, 2 đứa mình em chăm, chồng giống như vật trang trí trong nhà. Gọi là tới tháng đưa tiền chi tiêu quy định cho vợ là hết trách nhiệm.
Thời gian gần đây, chồng em còn sinh ra cái tính cấm cảu, hay cằn nhằn. Đi làm về chỉ việc tắm giặt ngồi vào mâm ăn thôi nhưng mười bữa tới 7, 8 bữa chê bai đồ vợ nấu. Mà rõ em cũng thuộc diện chịu khó nghĩ món đổi bữa, 1 tuần 7 ngày, không bao giờ ăn lại món. Nói thật, bản thân mình cũng đi làm ngày 8 tiếng, về nhà còn 1 núi việc nữa chứ nào được nghỉ ngơi. Thành ra nghe chồng càm ràm em cũng bực, bảo anh thích ăn thế nào, chủ động vào bếp đi đỡ vợ. Thế nhưng lão cau mặt quát luôn rằng là đàn ông không bao giờ có chuyện đeo tạp dề đứng bếp.
Chiều qua đi làm về em phải vào viện thăm người ốm nên về muộn. Chồng về sớm cũng không nỡ cơm nước thay, em dựng xe lại vội vào bếp nấu.
8h bưng mâm lên, vừa nhìn thấy đĩa thịt kho, trứng tráng chồng em cau luôn mặt: 'Lại thịt, một tuần mấy bữa thịt không chán hay sao mà cô suốt ngày bắt tôi ăn'.
Nghe chồng nói thật sự là em nản nhưng vẫn nhẹ nhàng giải thích thế mà lão còn lớn giọng tiếp rằng em lý do lý trấu, đã vụng còn lười. Mỗi việc nấu cho chồng bữa cơm thôi mà sao cũng làm không nên hồn'.
Đến đây thì sức nhẫn nhịn của em cán mốc luôn rồi. Không thể chịu đựng được hơn, đặt mâm cơm xuống bán, em bảo chồng em chỉ nấu được thế, anh ăn được thì ăn, không ăn thì thôi. Miệng nói, tay em lấy đồ cho 2 con ăn. Bát chồng để nguyên, em không xới cơm cho như mọi khi. Lão hằn học ngồi phòng khách, em cũng không gọi. Xong bữa em dọn mâm, coi như bữa tối ấy chồng em nhịn.
Sáng hôm sau, lão đói dậy sớm hơn mọi khi, giục vợ đi nấu đồ ắn sáng nhưng em tuyên bố thẳng thừng: 'Từ nay anh ăn ngoài quán cho ngon miệng. Em nấu ăn không ra sao, không phục vụ được khẩu vị của anh'.
Tối về em cũng không nấu nướng gì, đón các con về tắm giặt cho chúng xong em đưa về ngoại ăn. Đến giờ về ngủ, chồng gọi điện nhắn tin bảo về cơm nước em mặc kệ. 1 tuần trời bếp núc lạnh tanh, lão không còn cách nào khác buộc phải ăn ngoài hoặc gọi đồ ăn nhanh về nhà.
Ảnh minh họa
Ăn uống vất vưởng mấy ngày liên tiếp, chồng em không chịu được, chiều nay phải nhắn tin cho vợ: 'Vợ ơi, chiều về sớm nấu cơm cho anh ăn với. Anh biết là anh sai rồi. Em đừng giận anh nữa, cơm vợ nấu là ngon nhất. Từ hôm nay anh sẽ về sớm đỡ vợ việc nhà. Vợ chồng cùng nấu cơm cho vui nhé'.
Em không nhắn lại song nghĩ cũng thương hại nên lại về sớm, đi chợ nấu cơm để vợ chồng con cái quây quần. Chắc lần này lão được bài học nhớ đời rồi'.
Trong cuộc sống hôn nhân, điều phụ nữ mong mỏi nhất chính là sự trân trọng công sức, cũng như những hi sinh của họ vì gia đình. Không được chồng tôn trọng, mọi cố gắng của họ giống như đổ sống đổ bể. Khi sự cam chịu vượt giới hạn, chắc chắn họ sẽ vùng lên. Khi ấy, các anh chồng đừng bao giờ than trách vợ mình không còn hiền thục, nhu mì như trước. Bởi vốn dĩ, phụ nữ nhẹ nhàng hay không đều phụ thuộc vào người đàn ông ở bên cạnh họ đấy cánh mày râu ạ.