Trong hôn nhân, vợ và chồng đều có trách nhiệm của riêng mình. 'Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm', đó là câu nói để chỉ ra rằng đàn ông nên là người làm ra tiền, chịu trách nhiệm chính trong việc kinh tế. Phụ nữ sẽ đứng ở đằng sau giúp đỡ và quán xuyến hết việc nhà để chồng vững vàng với sự nghiệp.
Thế nhưng trong cuộc sống chẳng phải cuộc hôn nhân nào cũng được vận hành một cách trơn tru đúng ý như thế. Điều đáng sợ nhất có lẽ không phải thiếu tiền bạc trong hôn nhân mà là sự không cố gắng, không biết vươn lên và đặc biệt không hề cảm thấy sự kém cỏi của bản thân mình từ người chồng - người trụ cột trong nhà.
Mới đây, trong một group, người vợ đăng tải bài viết chia sẻ về màn tranh cãi về tiền nong giữa hai vợ chồng.
'Đây là đoạn hội thoại của vợ chồng em, em muốn anh tìm công việc khác vì kinh tế quá eo hẹp mà chồng thì nghĩ rằng đủ sống là được. Trong khi con nhỏ chưa tốn tiền học mà khoản tã, sữa cũng đuối rồi. Không có chí cầu tiến thì em nên nói sao ạ'.
Câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội.
Đính kèm với đó chính là những dòng tin nhắn của hai vợ chồng. Khi nghe thấy vợ than thở chuyện tiền bạc không đủ tiêu, không nên an phận thì người chồng tỏ ra vô cùng bức xúc, 'vặc lại' vợ mình.
'Tư tưởng em khác anh nhỉ, lúc nào cũng nghĩ phải làm có dư. Mỗi người mỗi ý, xa vời quá. Có động lực là được hả em, vậy em nghĩ người ăn xin họ có ước mơ có nghĩ như em không. Người lụm ve chai, bán vé số, có ai muốn vậy không?'.
Người chồng rất cố chấp với mức thu nhập của mình.
Rõ ràng, người chồng vô cùng an phận với mức thu nhập của mình. Anh ta còn cho rằng chuyện làm tháng 5 triệu đủ sống, an nhàn là ổn rồi, phải tùy theo hoàn cảnh. Người chồng lấy cả ví dụ về người lụm ve chai, bán vé số để "làm bình phong", cho rằng họ cũng ước ao nhiều tiền hơn nhưng đâu có làm được.
Cuối cùng, người chồng còn cho rằng vợ mình đòi hỏi, chỉ biết nghĩ đến chuyện tiền nong, chỉ biết nói mình kiếm thêm tiền cho có dư mà không cần biết gì thêm nữa cả.
Đọc xong cuộc hội thoại rất nhiều người thể hiện thái độ ngao ngán bất bình với tư tưởng của người chồng này. Bình thường, những anh chồng luôn tìm cách để vợ con được sống thoải mái, sung sướng, đủ đầy hơn. Anh chồng này thì chỉ muốn an nhàn với mức thu nhập khiêm tốn.
Anh cho rằng vợ mình đòi hỏi mà chẳng cần biết điều gì nữa cả.
Mức thu nhập đó so với gia đình là chưa ổn, cô vợ đã than vãn rằng nó chi cho tiền bỉm, sữa của con cũng đã hơi 'đuối'. Chỉ cần nghĩ xa xôi hơn thì sau này con đi học, nhiều khoản chi hơn, số tiền ấy kham làm sao nổi.
Người vợ góp ý cũng chỉ muốn chồng nghĩ thoáng hơn, cố gắng tìm kiếm công việc khác, có động lực hơn cho cuộc sống của mình nhưng anh lại cố tình bóp méo nó đi cho rằng vợ đòi hỏi.
Có rất nhiều vấn đề xảy đến trong hôn nhân bắt nguồn từ chuyện tiền nong không đủ tiêu, làm được ít tiêu thì nhiều. Biết được như thế, các cặp vợ chồng nên cố gắng nhiều hơn cho cuộc sống chứ không phải phó mặc nó, được chăng hay chớ.
Tư duy như anh chồng trong câu chuyện là không ổn, chắc chắn nó vẫn là một bước mào đầu cho hàng loạt những xích mích về sau của hai vợ chồng. Bây giờ sự việc nó vẫn thật nhỏ, trao đổi qua lại giữa hai bên nhưng một khi hai hệ tư tưởng ấy va chạm trực tiếp với nhau thì các cuộc cãi vã có thể không dừng lại ở việc tranh luận như thế nữa.
Và đương nhiên, cách nghĩ của người chồng chẳng thể nào thỏa mãn được cô vợ nhất là khi cô đã nhìn thấy các nguy cơ của việc thiếu tiền trong cuộc sống gia đình.
Người vợ trong câu chuyện này nên tiếp tục nói chuyện trực tiếp với chồng. Hàng tháng chi tiêu nên vạch ra cho anh ta xem các khoản như thế nào thật kỹ càng để chồng được biết 5 triệu không thể đủ cho hôn nhân. Nền tảng của một cuộc hôn nhân là tình yêu và kinh tế, thiếu vắng đi điều gì thì cũng thật khó để nó tồn tại hạnh phúc được!