Trong cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) diễn ra vào thứ 7 vừa qua, cơ quan quyền lực bậc nhất của thể thao thế giới đã đi đến một quyết định mang tính cách mạng đối với lĩnh vực Esports: Đó là việc đồng ý cân nhắc đưa một số bộ môn thể thao điện tử vào thi đấu tại Olympic.
Quyết định này được đưa ra sau quá trình tham vấn và đóng góp ý kiến của các tổ chức IOC's Esports (ủy ban Esports trực thuộc IOC), Gaming Liaison Group (Hiệp hội truyền thông Esports), và Chủ tịch International Cycling Union (UCI - Liên đoàn Đua xe đạp quốc tế) David Lappartient.
Các bên liên quan đã gửi kiến nghị tới đại diện IOC về việc cân nhắc đưa Esports trở thành một trong số những bộ môn thể thao tranh huy chương tại các kỳ Thế vận hội trong tương lai. Kiến nghị này đã được thông qua bởi IOC, tuy nhiên, điều đáng chú ý là IOC chỉ đưa ra quyết định cân nhắc với những tựa game Esports thuộc thể loại 'mô phỏng thể thao truyền thống'.
Lấy ví dụ một cách dễ hiểu thì những bộ môn Esports 'mô phỏng thể thao truyền thống' này là PES (Pro Evolution Soccer), NBA 2K19, hay có thể là FIFA... Đây là những tựa game khai thác lối chơi dựa trên các bộ môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng rổ,...
PES là một trong những bộ môn Esports từng xuất hiện tại ASIAN Games 2018
Tiêu chí để IOC lựa chọn các bộ môn Esports 'mô phỏng thể thao truyền thống' này dựa trên các yếu tố:
- Các tựa game Esports mô phỏng thể thao truyền thống đang ngày càng mang lại tính cạnh tranh cao, nhờ công nghệ tương tác thực tế ảo, mô phỏng đúng khuôn mẫu của các bộ môn thể thao thực tế.
- IOC khuyến khích phát triển những bộ môn Esports mang tính lợi ích cao, xây dựng lối sống lành mạnh và cần đảm bảo việc xây dựng môi trường thi đấu chuyên nghiệp, đảm bảo những ảnh hưởng tích cực tới đời sống, sức khỏe và tinh thần của các vận động viên.
Nhìn chung, IOC vẫn đang định hướng về việc ngăn chặn không cho phép những bộ môn Esports mang khuynh hướng bạo lực có cơ hội xuất hiện tại một đại hội thể thao lớn như Olympic. Thể thao điện tử vẫn sẽ có cơ hội góp mặt, nhưng phải là những bộ môn mang tính thể thao thuần túy, mà tiện ích và dễ đánh giá nhất thì chỉ có những tựa game mô phỏng thể thao.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những tựa game mang khuynh hướng 'chặt chém' như LMHT, Dota 2 hay CS:GO... sẽ khó có cơ hội xuất hiện tại bất kỳ một đại hội thể thao quốc tế nào. Năm ngoái, chính IOC cũng đưa ra tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận Thể thao điện tử trở thành các bộ môn tranh huy chương, do tính cổ súy và những hình ảnh mô phỏng bạo lực của chúng.