Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ siết chặt quản lý về các kho ứng dụng, nền tảng phát hành game xuyên biên giới.
Đây là một bước đi quan trọng để các cơ quan chức năng có thể quản lý những kho ứng dụng/game khổng lồ đang có mặt tại Việt Nam như App Store, Play Store hay Steam. Điều này cũng góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến doanh thu thị trường game Việt cũng như đóng góp các giải pháp quản lý.
Thực tế cho thấy, trong bài trả lời phỏng vấn ICTNews thì một NPH có tên tuổi cho biết doanh thu của họ đã sụt giảm nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm 2020, nguyên nhân chính là bởi tác động từ game lậu.
NPH này còn đề xuất chặn dải IP máy chủ game lậu, chặn các cổng game lậu trực tuyến Steam, Play Store, App Store, Epic, Origin... nếu không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Nhưng một thực tế nhãn tiền, việc game được cấp phép bị ảnh hưởng doanh thu chắc chắn không chỉ vì game lậu.
Game thiếu đặc tính eSports
Những năm gần đây chứng kiến sự phát triển khủng khiếp của eSports (hay còn gọi là thể thao điện tử) về cả lượng người xem và doanh thu. Với những tựa game thu hút hàng triệu người chơi như Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, PUBG Mobile,... Chúng đều là những game thể thao điện tử được cấp phép ở thị trường VN nhung cũng đang phải đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng được phát hành xuyên biên giới. (Đơn cử như PUBG, King of Glory, Fortnite, Clash Royale, Clash of Clan...)
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của eSports trên nhiều phương diện qua qua các năm.
Chỉ tính riêng trong năm ngoái, ước tính tại Việt Nam có khoảng 26 triệu người chơi thể thao điện tử. Rõ ràng, những tựa game nói chung và game mobile nói riêng thiếu đi đặc tính eSports sẽ là thiếu hụt lớn trong việc tạo ra một tập khách hàng ổn định, lâu dài. Đó là chưa kể, các game eSports đã và đang nhận được vô số hỗ trợ từ các nền tảng cho phép livestream như Youtube, Facebook,...
Dưới góc độ trải nghiệm của người dùng, những sản phẩm thu phí theo giờ chơi hay bán item để gia tăng sức mạnh, tác động quyết định tới thắng - bại đã và đang dần mất đi cảm tình của số đông vốn đang theo xu hướng 'Play to Win' thay vì 'Pay to Win'.
Giá trị của Influencers mà một tựa game tạo ra
Thực tế cho thấy, đa phần các tựa game được cấp phép hoạt động ở VN nhưng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn trước khi phải dừng bước đều không có tác động cộng đồng lớn. Giá trị của Influencers mà những tựa game này tạo ra gần như là con số 0.
Điều này tương phản hoàn toàn với các tựa game đã và đang sở hữu dàn Influencers không ngừng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Với những nhân vật có tầm ảnh hưởng thì bản thân họ cũng trực tiếp trở thành đối tượng rất có giá trị đối với các thương hiệu, ngay cả khi họ không liên quan đến chơi game.
Tyler 'Ninja' Blevins - streamer người Mỹ có được những thành công vang dội cả về tài sản lẫn danh tiếng nhờ tựa game Fortnite, bản thân từng chia sẻ kiếm được gần 10 triệu USD chỉ trong 1 năm.
Ở Việt Nam, khi nhắc đến stream game, nhiều người sẽ nghĩ đến những nhân vật đình đám như: Dũng CT, ViruSs, Optimus,... Rất nhiều những game thủ nổi tiếng trên toàn cầu đã lựa chọn gắn bó với các tựa game trên Steam, Origin, Uplay hay Epic Games Store và tạo dựng danh tiếng nhờ nó, dù ai cũng hiểu đó là những game không hợp pháp ở nước ta. Rõ ràng, tác động qua lại giữa Influencers và lựa game mà họ lựa chọn cũng là cách để 2 bên cùng thắng.
Có thể nói, quan điểm cho rằng một tựa game 'hợp pháp' chịu cảnh đi xuống nhiều mặt (doanh thu, ảnh hưởng) do... game lậu là ý kiến chủ quan, phiến diện. Nếu một sản phẩm game được điều hành tốt, đánh trúng tâm lý và nhu cầu trải nghiệm thực tế của cộng đồng thì chắc chắn sẽ duy trì được sự ổn định trong thời gian dài.