Mới đây, Sport5.vn có buổi phỏng vấn độc quyền với anh Trần Sơn, Giám đốc Phát triển Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến ở Việt Nam. Nhân dịp đặc biệt này, anh Sơn đã chia sẻ rất nhiều khía cạnh liên quan đến lộ trình, mục tiêu của Tốc Chiến trong năm 2021.
Quan trọng, anh cũng đưa ra hàng loạt đánh giá về nền Esports nước nhà trong những nằm gần đây.
Tốc Chiến đã ra mắt ở thị trường Việt Nam một thời gian và nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng game thủ. Thừa hưởng gần như các tính năng của LMHT bản PC, đây là lợi thế để tựa game mới dễ dàng tiếp cận với người chơi. Song theo anh Sơn, điều này cũng mang lại nhiều thách thức cho đội ngũ phát triển.
'Tốc chiến thì được đánh giá là khó hơn, thao tác cần nhiều sự chỉn chu hơn, kỹ năng cũng sẽ có nhiều hơn một chiêu so với Liên Quân. Vì vậy, độ tuổi để có thể chơi được sẽ cao hơn. Các bạn tuổi đời còn trẻ chưa đủ chín chắn về tư tưởng chưa chắc đã có thể trải nghiệm Tốc Chiến', anh Sơn chia sẻ.
Về độ tuổi phù hợp chơi game, anh Sơn cũng đề cập đến quyết định chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng 18 tuổi trở lên và có chứng minh thư hoặc thẻ căn cước. Đây không phải là quy định từ phía công ty hay Riot Games mà thuộc về Thông tư của Bộ Văn Hóa Thông Tin.
'Chính phủ Việt Nam yêu cầu phải đủ 18 tuổi mới được sử dụng ứng dụng có chức năng thanh toán. Nếu không thì phải có người giám hộ để đăng ký. Tất cả những ngành giải trí trên nền tảng số thì bắt buộc phải như vậy'.
Điều này tưởng chừng khiến độ phủ sóng của Tốc Chiến không bằng những đối thủ đi trước, nhưng tựa game này đã suôn sẻ ra du nhập thị trường Việt Nam. Nhắc đến 'đối thủ', chắc hẳn 99% người ta sẽ khẳng định rằng để thành công, Tốc Chiến cần vượt qua Liên Quân Mobile trước đã. Nhưng bất ngờ thay, Giám đốc Trần Sơn lại không đồng tình với nhận định trên.
'Trong lộ trình phát triển của Tốc Chiến ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Riot Games hay VNG chưa bao giờ nghĩ sẽ coi Liên Quân là đối thủ. Mọi người cũng không hề có những chính sách hay chiến lược gì để đối đầu với game này', anh Trần Sơn chia sẻ.
'Tâm niệm của anh và VNG chỉ là làm tốt sản phẩm của mình để cung cấp cho người chơi, cộng đồng những trải nghiệm tốt nhất và hoàn hảo nhất. Hay nói rộng hơn, VNG cùng Riot tâm niệm sẽ góp phần giúp nền Esports phát triển thông qua LMHT: Tốc Chiến'.
Thậm chí anh Trần Sơn còn xem những gì Liên Quân gặt hát được suốt chặng đường qua là tấm gương team GS3 (Team phát triển LMHT: Tốc Chiến của VNG) để cố gắng noi theo. Đi kèm với những bài học thu được từ tựa game đi trước, đội ngũ phá triển Tốc Chiến cũng có những kế hoạch mới để tạo dựng vị thế cho riêng mình.
'Phía VNG luôn tâm niệm làm Esports là quá trình lâu dài. Việc đầu tiên team muốn hướng tới chính là xây dựng một cộng đồng, nghĩa là mọi người không chỉ đơn thuần chơi game qua điện thoại mà còn có thể gặp gỡ đàm đạo, tổ chức các hoạt động thi đấu…
Ở đây, anh cũng muốn nói rõ, quan điểm cộng đồng của team là không chỉ bao gồm người chơi. Nó mở rộng ra cả người xem và những người quan tâm đến người chơi. Tức là cách tiếp cận sẽ 'out game' hơn.
Hướng phát triển sẽ không thiên về trò chơi Tốc Chiến đơn thuần, mà chú trọng xây dựng một hệ sinh thái xung quanh nó. Con người trong hệ sinh thái ấy bao gồm VĐV Esports, MC, BLV, hoặc có thể là một bạn nào đó đang chơi trong cộng đồng yêu mến game, muốn truyền cảm hứng cho mọi người'.
Hơn hết, để giúp cồng động game thủ hiểu rõ hơn con đường phát triển Esports của Tốc Chiến, anh Sơn thẳng thắn chia sẻ kế hoạch của VNG.
Trong đó, thông tin đáng được quan tâm nhất là VNG sẽ tổ chức giải đấu theo mô hình 'Franchise'. Đây được xem là mô hình trong mơ của tất cả các môn thể thao trên toàn thế giới.
Franchise: Hình thức nhượng quyền thương mại được hiểu là nhượng quyền kinh doanh. Đây là mô hình cho phép cá nhân, tổ chức chính thức được cung cấp hàng hóa hay dịch vụ của họ tại một khu vực (giải đấu) cụ thể.
'Suy cho cùng, thể thao truyền thống hay thể thao điện tử đều mang tính chất giải trí và cần mang lại sự ổn định về thu nhập, tài chính cho tất cả tổ chức. Đó là lý do tại sao mô hình này được áp dụng ở một số môn điển hình tại Mỹ như bóng rổ hay bóng chày, có cả bóng bầu dục. Nó sẽ giúp cho các tổ chức có thể ổn định về mặt hình ảnh lâu dài.
Nói rộng ra, một cuộc chơi cuối cùng phải mang lại lợi ích kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho tất cả ở hiện tại và tương lai. Dù ai thắng ai thua thì chúng ta đều có tiền. Chúng ta không có người thắng không có người thất bại, tức là chúng ta chỉ thất bại trong trận đấu nhưng ở ngoài, chúng ta cùng thắng'.
Ngoàn franchising, anh Sơn nhấn mạnh phía VNG sẽ có con đường riêng để quảng bá cho mảng Esports của LMHT: Tốc Chiến. Công ty hướng đến sự ổn định, lâu dài, đảm bảo tài chính cho những người tham gia trong cộng đồng Tốc Chiến.
'VNG sẽ truyền thông khác, cách tiếp cận khác với những game đã phát hành. Anh không muốn nhắc nhiều đến thành tích. Khi bước vào giải, các bạn phải xác định tư tưởng rõ ràng. Nếu các bạn muốn kiếm tiền thì chúng ta cùng kiếm tiền. Nếu bạn muốn chiến thắng thì bạn phải cố gắng và nỗ lực. Còn nếu bạn xác định là bạn không thể vô địch thì bạn phải làm cái gì đó để tạo ra tiền, mang lại nguồn lợi cho cá nhân, đội và cả giải đấu. Các bạn phải phấn đấu tìm vị trí của bạn trong đội, trong giải để xây dựng nền tảng lâu dài', anh Trần Sơn khẳng định.
Là người gắn bó lâu với Esports, từng làm ở nhiều vị trí, anh Sơn cũng đưa ra nhận định sâu sắc về nền thể thao điện tử nước nhà. Giám đốc của VNG cho rằng mọi người đang quá đặt nặng vấn đề thành tích mà quên đi yếu tố lâu dài.
'Với nền thể thao điện tử ở Việt Nam, mọi người vẫn nghĩ thành tích là một cái gì đó rất cao. Anh không phủ nhận chuyện đó nhưng trong chúng ta chỉ có một đội thắng. Ví dụ 8 đội thì 7 đội thua à? Vậy 7 đội thua thì đội thắng là thắng ai? Họ thắng những cái tên vô danh à?
Họ cũng mong thành tích của đội khác mạnh. Giải đấu cũng mong những đội đẳng cấp ngang nhau để thu hút người xem, truyền thông tốt hơn, có sức ảnh hưởng hơn. Qua đó, mang về lợi nhuận cho giải, mọi người trong giải đều được hưởng. Các bạn hay nói cứ thi đấu tốt đi, những thứ khác không quan trọng. Đúng, thi đấu tốt là được nhưng sau đó, thi đấu tốt thì sao, không tốt thì sao? Mọi người có dự phòng được phương án nào cho thực tế như vậy không? Câu trả lời là không', anh Sơn giải thích cặn kẽ.
Theo anh Sơn, cũng vì quá chú trọng vào thành tích, giải thưởng, các đội chỉ chăm chăm tập luyện mà quên mất một việc vô cùng quan trọng, thứ có thể giúp các tổ chức Esports sống khỏe, bất chấp thành tích.
'Các đội có khuynh hướng dành hết thời gian tập luyện. Nhưng đôi lúc chưa chắc tập luyện đã thành công. Đến khi kết quả không như mong muốn thì dẫn đến mâu thuẫn, tự trách. Các game thủ thường sẽ xin lỗi khán giả, theo kiểu: Chúng tôi chưa cố gắng hết sức, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện trong tương lai.
Nhưng bạn xin lỗi một lần thì mọi người chấp nhận. Bạn xin lỗi 10 lần thì còn ai muốn xem? Từ đó, quay lại câu chuyện, những người làm truyền thông chưa thật sự hiểu họ phải làm gì ở những trường hợp như vậy. Theo anh, các đội, các tổ chức đều biết nhưng họ lại không quá coi trọng vấn đề này'.
Điều cần được quan tâm nhất ở đây, là các tổ chức phải biết làm truyền thông, hình ảnh cho chính các tuyển thủ của họ. Như trường hợp của Team SoloMid, thành tích trong nhiều năm gần đây của họ không tốt nhưng vẫn luôn dẫn đầu trong danh sách các tổ chức kiếm được nhiều tiền nhất từ Esports.
Tiền Team SoloMid kiếm được đến từ những hợp đồng tài trợ (Logitech, Lenovo,…), đến từ doanh thu bán sản phẩm của đội và hợp đồng stream béo bở của Twitch.
Để tồn tại, các tổ chức Esports ở Việt Nam nên có kế hoạch làm truyền thông, hình ảnh hiệu quả như thế chứ không nên dựa vào tiền thưởng giải đấu. Đáng tiếc là vào thời điểm hiện tại, ít tổ chức có thể tự tin khẳng định rằng họ có nền kinh tế vững vàng như Team SoloMid.
Chưa dừng lại ở đó, anh Sơn còn chỉ ra những mặt thiếu sót của nền thể thao điện tử nước nhà. Anh cho rằng thành tích các giải đấu, lực lượng người chơi của nước nhà tốt nhưng cách xây dựng từ team đến tổ chức lại thiếu sự bài bản.
'Anh nghĩ một trong những điều mà nền thể thao điện tử nước ta đang rất yếu là về mặt hậu cần. Đúng hơn là chúng ta chưa thể xây dựng được một tổ chức Esports chuyên nghiệp.
Không phải lúc nào 5 người hay thì sẽ thành 1 team hay. Ngoài chuyên môn, chúng ta cần phải xem trọng vấn đề hình ảnh, sức khỏe, truyền thông. Thi đấu quan trọng nhưng về lâu dài tổ chức vẫn cần thu nhập để ổn định cuộc sống. Bạn không thể bước vào giải, thắng thì có tiền, thua thì giải tán team rồi làm lại. Thử hỏi bao nhiêu người có thể như thế?', anh Sơn chia sẻ.
Bên cạnh một nền thể thao điện tử tồn tại nhiều vấn đề, Giám đốc Trần Sơn còn đưa ra nhận xét về tinh thần của các game thủ. Theo anh, khi tham gia thi đấu chuyên nghiệp, họ thường quan điểm đi thi đấu để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, thiếu sự cạnh tranh. Điều này thật sự rất sai lầm.
'Các bạn đã xác định tư tưởng là như vậy rồi thì rất là khó. Anh không cổ xúy việc các bạn ảo tưởng sức mạnh, cho rằng bản thân sẽ vô địch mọi giải đấu. Nhưng khi đụng độ bất kỳ ai, các bạn cũng phải có suy nghĩ tỷ lệ thắng giữa đôi bên là 50/50, cùng lắm là 49/51.
Esports rất khác những môn thể thao truyền thống khác, không cần cơ bắp, thể lực sung mãn. Ở đó, người chơi dùng kỹ năng, bộ não để chiến thắng. Và rõ ràng, không ai có thể 100% ra chiêu chuẩn xác, không mắc sai lầm. Vì vậy, trong một trận chiến căng thẳng, người thắng là người biết tận dụng sai lầm của đối phương'.
Một thói quen xấu mà theo anh Sơn, số đông các tuyển thủ Việt Nam mắc phải, là hành động 'tự liếm vết thương' sau mỗi thất bại.
'Anh thấy rằng các bạn thường hay 'liếm vết thương'. Họ sẽ đổ thừa do đối thủ mạnh. Nếu vậy thì sao không đầu hàng ngay từ đầu nhỉ? Các bạn dùng những điều này để cảm thấy thất bại của mình dễ chấp nhận mà thôi'.
Khép lại buổi phỏng vấn, anh Trần Sơn chốt lại 2 vấn đề của nền thể thao điện tử nước nhà. Đồng thời, anh cũng gửi gắm niềm hy vọng đến cộng đồng game thủ sẽ góp phần giúp Tốc Chiến cũng như Esports nước nhà phát triển.
'Thứ nhất, so với 20 năm trước, nền thể thao điện tử Việt Nam đã phát triển hơn rất nhiều. Đặc biệt, người chơi ngày càng trẻ hơn, suy nghĩ thoáng hơn và nhìn nhận giới Esports cởi mở hơn. Đó là điều kiện để giúp Tốc Chiến dễ dàng tiếp cận cũng như xây dựng vị thế trong tương lai', Giám đốc VNG cho biết lợi thế của Esports Việt Nam.
Tất cả đều có 2 mặt, những bất cập có thể kể đến: 'Tư tưởng của nhiều bạn bị giới hạn ở việc chỉ đến với Esports cho vui, không muốn gắn bó lâu dài. Rõ ràng, VNG nói riêng hay các tổ chức, team khác nói chung chẳng thể phát triển mạnh nền thể thao điện tử nếu không có cộng đồng thật sự nghiêm túc. Nhiều người họ chỉ muốn chơi chứ không muốn đóng góp, chung tay cùng xây dựng.
Chưa kể, một số người làm Esports lại có tư tưởng 'thượng đẳng', là họ không muốn truyền thụ lại cho lớp trẻ, để những người đó tự tìm hiểu.
Về phía anh, anh lại hy vọng lớp kế cận sẽ thay đổi nhiều hơn, học được nhiều hơn để đưa nền thể thao điện tử ngày càng phát triển. Esports hiện đang đi lên, anh mong sẽ tiếp tục như vậy thay vì nhanh chóng thoái trào'.