Làm thêm để tự chủ tài chính, giúp đỡ cha mẹ…
Một buổi tối cuối tháng 10/2024, em N.T (sinh viên đang học tại Đà Nẵng) nhắn tin “cầu cứu” người chú với nội dung “cháu đang vay một khoản tiền qua mạng, do có sai sót trong quá trình làm hồ sơ nên cần phải nộp ngay 9 triệu đồng, nếu không thì khoản vay sẽ bị phong tỏa. Cháu không dám nói ba mẹ, nhờ chú giúp cháu với”.
Do đặc thù công việc, người chú không lạ gì phương thức lừa đảo qua mạng của các loại tội phạm nên lập tức điện thoại, yêu cầu T không chuyển bất cứ khoản tiền nào cho đối tượng. Khi người chú đến gặp trực tiếp để hỏi chuyện thì mới biết T đã bị lừa một khoản tiền khi vay trên mạng, đồng thời đang mắc nợ hàng chục triệu đồng do bị lôi kéo vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Ngay cả tiền đóng học phí, tiền xin gia đình học Ielts cũng đã nộp cho công ty đa cấp để mua hàng và làm “nhà phân phối”.
Địa điểm kinh doanh của Vinalink Group tại Đà Nẵng thu hút người trẻ, trong đó có nhiều sinh viên.
Sự việc bắt đầu vào một ngày giữa tháng 6/2024, N.T thấy một tài khoản trên Facebook đăng tin cần tuyển nhân viên tư vấn bán hàng. T nhắn tin liên hệ thì được hướng dẫn đến địa chỉ 72 Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Đây là nơi tọa lạc một ngôi nhà khá bề thế, gắn bảng tên Vinalink Group. Vào bên trong, T được O, người đã nhắn tin trao đổi trước đó dẫn vào bên trong để giới thiệu công việc và sản phẩm.
“Khoảng 3 ngày sau, chị O thuyết phục cháu mua sản phẩm là một hộp kem đánh răng Vsmile với giá 180 ngàn đồng. Cháu trả tiền mặt thì thấy họ đưa một mẫu giấy với tựa đề có dòng chữ ‘Tích lũy’ để cháu ghi tên và số tiền nhưng không ghi đơn hàng cụ thể. Khi cháu điền xong thì họ lấy lại tờ giấy đó. Các chị nói sẽ tạo cơ hội cho cháu vào làm việc với nhiều cơ hội để kiếm được nhiều tiền, hướng đến tự do tài chính về lâu dài, có nguồn thu nhập thụ động khi xây dựng được hệ thống, có điều kiện đầu tư vào việc học tập và giúp đỡ cha mẹ… Sau đó, họ cho biết điều kiện để trở thành nhân viên và làm việc tại công ty là nộp tiền để được cấp mã ID kèm theo nhiều quyền lợi như hưởng hoa hồng khi bán hàng, được trả thù lao khi mời được một người tham gia mạng lưới”- N.T thuật lại.
Khi T nói không có số tiền 15 triệu đồng để được lập tài khoản ID, một số người khác tiếp tục thuyết phục sinh viên này xoay xở bằng việc mượn bạn bè, dùng tiền tiết kiệm, vay qua ví MOMO và được chỉ cho cách lấy tiền từ ba mẹ như xin tiền để nộp học Ielts, mua sách vở, xin tiền khám bệnh... Mỗi khi “xoay” được khoản tiền nào là T chuyển ngay tài khoản cá nhân của M.T.C.L, người được mặc định là người tuyến trên của T. Sau đó, T được ký Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và được cấp mã ID để tham gia vào các hoạt động tư vấn tại chi nhánh công ty ở 72 XVNT.
Chủ quán nhận Chicken Plus phản ánh việc một số người lợi dụng địa chỉ của quán để 'tuyển dụng nhân viên' cho Vinalink Group một cách mập mờ.
Đến ngày 25/6, sau khi nộp đủ 15 triệu đồng, tài khoản ID mức Bạc của T được kích hoạt. T được chính thức làm việc và tham gia những buổi đào tạo có cả trăm người tham gia, trong đó có nhiều sinh viên. “Được mấy ngày sau, cháu lên công ty để học cách bán hàng thì được thuyết phục nộp thêm tiền để nâng cấp mã ID lên mức Vàng thì sẽ được quyền lợi là mở thêm hai mã số ID Bạc để được hưởng hoa hồng bán hàng và thù lao cao hơn khi mời được người vào mạng lưới. Chị O bày cách cho cháu xin tiền ba mẹ nói là học Ielts. Đến ngày 24/7, cháu đã nộp thêm 15 triệu vào tài khoản 110613186668 tại Vietinbank của Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink Group) và được nâng cấp lên ID Vàng”- N.T chia sẻ.
Tiếp đó, N.T tiếp tục bị hối thúc nộp tiền để mở 2 mã ID bạc nhằm được hưởng hoa hồng, thù lao cao hơn. Tuyến trên là M.T.C.L đã cho T số điện thoại để liên hệ nhân viên FE Credit và vay được số tiền gần 28 triệu đồng. Sau khi bị trừ các chi phí, T được giải ngân và thực nhận 26,7 triệu đồng. Số tiền này, N.T rút tiền mặt, đưa hết cho L và cũng lại ghi tờ giấy “Tích lũy”.
Sau khi nộp số tiền này, N.T được hướng dẫn điền thông tin mở một tài khoản ID Bạc đứng tên mẹ, tương ứng số tiền phải nộp về công ty là 15 triệu đồng. Còn lại 11,7 triệu đồng, N.T dùng để mở mã ID Bạc đứng tên em gái. Nhưng do còn thiếu 3,3 triệu mới đủ hạn mức quy định nên mã ID này chưa được chính thức kích hoạt.
Tất cả các hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp cũng như các tờ giấy “Tích lũy” ghi nhận việc nộp tiền, tuyến trên đều giữ và đưa cho quản lý chi nhánh công ty, N.T không được giữ bản nào. ‘Khi mới vào công ty, cháu được giới thiệu những mặt tốt đẹp của việc bán hàng đa cấp và dặn dò là không được tìm hiểu về công ty trên mạng, do có nhưng người nói xấu công ty, nếu xem mình sẽ bị tác động. Cũng không được kể việc tham gia bán hàng đa cấp với gia đình, vì nhiều phụ huynh không hiểu đúng về bán hàng đa cấp sẽ cấm cản…” N.T kể lại.
Và thay vì tỉnh táo nhận ra những dấu hiệu mập mờ và không minh bạch như trên để tránh bị lôi kéo, N.T như bị thao túng tâm lý, nhất nhất làm theo chỉ vẽ của tuyến trên. Việc sinh viên vay mượn tiền để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và mở các tài khoản nói trên, gia đình em không hề hay biết, một phần là do cha công tác ít về nhà, mẹ là công nhân làm việc khá vất vả, ít có thời gian sâu sát với con cái…
“Bay” mất học phí, mang nợ và bị lừa
Từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2024, N.T đã sử dụng tiền học phí, tiền học Ielts, tiền tiết kiệm, tiền vay Momo, vay FE Credit, và mượn bạn bè nộp xấp xỉ 57 triệu đồng để mở các tài khoản và mua các sản phẩm của Vinalink như cà phê gói, nước uống Hydrogen Quantum, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng …với tổng số tiền gần 38 triệu đồng, còn lại khoản 19 triệu đồng đã nộp vào công ty nhưng chưa lấy hàng.
Sau nhiều tháng tham gia mạng lưới đa cấp, N.T chỉ bán được cho bạn bè một lượng hàng nhỏ. Em mang một phần sản phẩm đã nhận về nhà cất ở phòng riêng và sử dụng thì bị mẹ phát hiện, truy hỏi nguồn gốc. T nói dối là được công ty cung cấp để “trải nghiệm”. Chị H, mẹ của N.T chỉ cho con thấy nhiều trường hợp tán gia bại sản, ở trong xóm vì tham gia vào mạng lưới đa cấp biến tướng, đồng thời mang các sản phẩm này vứt bỏ. Vì vậy, đợt thứ 2 và thứ 3 nhận hàng từ công ty, N.T gửi hầu hết cho 2 nhà phân phối khác cất giữ…
Sau khi vay mượn để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, N.T không có tiền để trả các khoản vay theo định kỳ và phải nợ khoản học phí đại học. N.T hỏi cách lấy lại số tiền mua hàng còn thừa thì tuyến trên bảo không được vì tiền đã được chuyển về công ty. Giấc mơ “kiếm tiền thụ động” một cách dễ dàng như tuyến trên vẽ ra chỉ là hoang tưởng. Đã không kiếm được tiền từ bán hàng đa cấp, N.T mang một khoản nợ khá lớn so với hoàn cảnh, điều kiện của gia đình và không có tiền đóng học phí nên căng thẳng, lo lắng mất ăn mất ngủ.
Số hàng em N.T mua sau khi tham gia vào mạng lưới đa cấp nhưng phải gửi 2 nhà phân phối khác giữ vì không bán được, cũng không dám mang về nhà.
Đến ngày 19/10, do hạn cuối để đóng học phí đã cận kề nên N.T lên mạng hỏi vay tiền thì bị lừa phải đóng 2 lần với tổng số liền 6,5 triệu đồng để “khắc phục lỗi” khi thực hiện thủ tục giải ngân. T mượn bạn bè để chuyển số tiền này thì đối tượng lại bảo thông tin chuyển tiền “bị lỗi cú pháp” và buộc N.T phải nộp tiếp 9 triệu đồng để khắc phục, “nếu nộp đủ thì bên vay sẽ giải ngân khoản vay và toàn bộ số tiền đã nộp trong vòng 25 phút”. Do không còn chỗ để mượn tiền, N.T mới tìm đến người chú để mượn thì được chú ngăn cản. Từ đây, việc T vay mượn tiền với ảo mộng kiếm tiền phụ giúp cha mẹ qua kinh doanh đa cấp và những hệ lụy bị phát hiện. Sau khi nghe người nhà phân tích, cho đọc một số bài báo liên quan đến các vụ sai phạm liên quan đến bán hàng đa cấp, N.T đã nhận ra mình quá khờ khạo, cả tin.
“Tôi cũng không tin công ty phát hàng miễn phí để cung cấp trải nghiệm, nhưng nghĩ rằng con mình không có tiền để mua nhiều. Ngờ đâu, nó lại đi vay mượn ném tiền vào đa cấp số tiền bằng cả năm tiền lương của tôi’- Chị H, mẹ của T chia sẻ. Chị H hoàn toàn bất ngờ khi hay tin đứa con thường ngày ngoan hiền, có phần nhút nhát lại “cả gan” vay mượn, nộp hàng chục triệu đồng để mua hàng đa cấp rồi còn bị lừa qua mạng. Tuy nhiên, chị cũng cảm thấy may mắn khi sự việc được phát hiện kịp thời, qua đó giúp N.T không trượt sâu vào bẫy đa cấp và vay tiền trực tuyến với những hậu quả khó lường như nhiều trường hợp đã xảy ra...
Nhân viên kho hàng điểm kinh doanh Vinalink Group tại 72 XVNT kiểm đếm số hàng thu mua lại từ em N.T.
Sau khi tiếp nhận phản ánh về trường hợp của N.T qua Báo CAND, Vinalink Group đã chuyển trả hơn 19 triệu đồng tiền thừa mà sinh viên này đã nộp. Tiếp đó, công ty đã thu mua lại số hàng mà T đang gửi ở hai nhà phân phối với mức giá bằng 90% giá xuất bán và hoàn trả thêm 19 triệu đồng. Đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh đây là “ngoại lệ” vì đã có quy định chỉ thu lại hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm xuất bán.
Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện pháp lý của doanh nghiệp cho rằng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp, nếu có sai sót liên quan đến nhà phân phối, đơn vị sẽ kiểm tra, chấn chỉnh. Theo chúng tôi, cho dù là vậy, các hoạt động thu hút khách hàng, đào tạo nhà phân phối trong vụ việc này đều diễn ra tại địa điểm kinh doanh của Vinalink Group tại 72 XVNT, thì doanh nghiệp này không thể chối bỏ trách nhiệm.
Trước đây, đã có một số nhà phân phối của Vinalink Group tại Đà Nẵng đăng tin mập mờ về tuyển nhân viên bán hàng, đồng thời không công khai địa chỉ văn phòng tại 72 XVNT mà cho hẹn đến địa chỉ 70 XVNT (là một quán nhậu). Anh Trần Lành, chủ quán cho biết đã nhiều lần nhắn với quản lý của Vinalink nhưng họ vẫn phớt lờ nên anh đã từng đăng lên fanpage của quán để “cảnh báo”. Tháng 5/2023, cũng có cơ quan báo chí đã vào cuộc “giải cứu” 2 sinh viên ở TP Hồ Chí Minh bị dụ dỗ, lôi kéo bán hàng đa cấp tại Vinalink. Đến tháng 11/2023, Vinalink Group tiếp tục bị Bộ Công thương xử phạt hành chính 185 triệu đồng vì nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo Sở Công thương TP Đà Nẵng, ngày 14/10 vừa qua, đơn vị nhận được Phiếu chuyển của Cổng Góp ý của thành phố về việc một trường hợp khác phản ánh người nhà là sinh viên đang học tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng bị lôi kéo tham gia bán hàng đa cấp tại 72 XVNT. Tại đây, sinh viên này được giới thiệu mua gói sản phẩm trị giá 15 triệu đồng để bán lại cho khách hàng. Không có tiền, em này về nói dối cha mẹ xin tiền nộp học phí để mua hàng của công ty. Tiếp đó em đòi bỏ học để tham gia lớp đào tạo kinh doanh của công ty khiến cha mẹ vô cùng lo lắng nhưng khuyên giải không được. “Có rất nhiều sinh viên như cháu tôi vào công ty và mua hàng của họ. Tôi rất mong cơ quan chức năng tư vấn hoạt động của công ty trên là đúng hay trái quy định của pháp luật, có lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không”- phụ huynh này bức xúc.
N.T chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản Cty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam để được 'nâng hạng' lên ID Vàng.
Sở Công thương cho biết Vinalink Group có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại TP Đà Nẵng và hiện đang phân phối, kinh doanh các sản phẩm của Công ty Y dược IMC. “Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức định kỳ kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp đã được cấp phép trên địa bàn, đồng thời phối hợp thông tin tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là sinh viên để cảnh báo về các hoạt động đa cấp biến tướng, trái phép (nếu có).
Sở Công thương TP Đà Nẵng đề nghị, trường hợp công dân cung cấp thông tin khi phát hiện và có thông tin, hình ảnh cụ thể về các hoạt động đa cấp, biến tướng như không ký hợp đồng với người kinh doanh bán hàng đa cấp, yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, yêu cầu phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người giới thiệu đó…Qua làm việc về trường hợp của em N.T, Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết sẽ phối hợp với Cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, làm rõ.