Theo chia sẻ của chị H.N, sinh năm 1971 ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), cách đây 2 tuần, chị nhận thông báo là khách hàng may mắn được nhận quà trong chương trình “tri ân khách hàng” của một siêu thị điện máy. Sau khi gửi thông tin địa chỉ, tải app Telegram để nhận mã nhận quà, ngày hôm sau chị đã nhận được đúng phần quà đã chọn mà không phải thanh toán bất kỳ chi phí nào.
Người dân cần cảnh giác trước chiêu lừa thông qua việc tặng quà tri ân. Ảnh minh họa
Tiếp đó, chị được mời vào một nhóm Telegram để có cơ hội nhận quà miễn phí, có giá trị lớn hơn. Nhóm này có hơn 100 thành viên cùng khoe rất nhiều quà tặng đã được nhận và tiền thưởng. Để nhận được phần quà tiếp theo, người “đại diện Công ty” đề nghị chị và các thành viên trong nhóm chuyển tiền để giúp “Công ty” hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số và số tiền này sẽ được chuyển lại ngay sau 3-5 phút kèm theo lãi suất. Những lệnh chuyển tiền lúc đầu với giá trị thấp, chị được “Công ty” hoàn trả đầy đủ kèm theo lãi suất cao nên khiến nạn nhân thêm phần tin tưởng. Sau đó, khi chuyển tiền có giá trị cao hơn, phía “Công ty” thông báo là chị chuyển sai nội dung ghi trên giao dịch và quá thời gian làm “nhiệm vụ” nên phải thực hiện thêm các lệnh chuyển tiền tiếp theo. Cứ như vậy cho đến khi đã chuyển tổng số tiền hơn 30 triệu đồng trong tài khoản mà vẫn không nhận lại được cả tiền gốc lẫn tiền thưởng, gọi điện thoại không liên lạc được thì chị N.H mới nhận ra là mình đã bị lừa…
Bà N.T.C, sinh năm 1964, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho biết: Cách đây hơn 1 tuần, thấy trên mạng xã hội Facebook quảng cáo nội dung 'YODY thời trang mọi nhà' tặng quà 20/10 cho khách hàng nên bà cũng kích vào link tham gia. Đối tượng hướng dẫn bà thực hiện một số nhiệm vụ để có cơ hội nhận tiền và các phần quà. Sau vài lần thực hiện nhiệm vụ và nhận được quà như cam kết với giá trị nhỏ, bà C đã quyết định chuyển cho các đối tượng 50 triệu đồng để làm nhiệm vụ lớn hơn. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để nhận được phần quà lớn hơn. Tin vào lời dụ dỗ của các đối tượng, bà C quyết định đến ngân hàng rút tiết kiệm để chuyển thêm 40 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Công an phường và nhân viên ngân hàng tại đây thuyết phục, phân tích về thủ đoạn lừa đảo, bà C đã dừng chuyển tiền cho các đối tượng.
Chị N.LP ở Linh Đàm (Hà Nội) cũng nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên của sàn thương mại điện tử Shoopee tặng quà tri ân khách hàng và yêu cầu chị kết bạn Zalo để chọn quà tặng. Sau khi kết bạn Zalo, chị P được yêu cầu cung cấp các thông tin cơ bản như họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ khi nhận quà và được chọn một trong khoảng 20 món đồ như: Bộ nồi, máy lọc không khí, xe đạp trẻ em, nồi nướng, bình đun nước siêu tốc... Sau khi làm xong thủ tục, chị P tiếp tục được yêu cầu tải ứng dụng Telegram để tham gia một nhóm kín trên ứng dụng này. Chị P cũng thử làm vài nhiệm vụ đơn giản như like clip để tăng view, đố vui có thưởng... Mỗi nhiệm vụ chị nhận được 30 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng, tiền được chuyển khoản ngay lập tức. Tuy nhiên, đến các nhiệm vụ sau, khi các đối tượng yêu cầu chị phải chuyển khoản trước với số tiền lớn, cảm thấy nghi ngờ nên không thực hiện nữa. Sau nhiều lần giục giã làm nhiệm vụ, thậm chí một số thành viên trong nhóm còn nhắn tin riêng để dẫn dụ nhưng thấy con mồi vẫn kiên quyết không chuyển tiền, các đối tượng đã có những lời lẽ không hay và cho chị P ra khỏi nhóm…
Theo các chuyên gia, thủ đoạn mạo danh các công ty, siêu thị, website thương mại điện tử tặng quà tri ân khách hàng để lừa đảo tuy không mới nhưng do biết cách biến hóa, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lôi kéo thực hiện các nhiệm vụ online có thưởng đã được chuẩn bị từ trước mà các đối tượng lừa đảo dễ dàng qua mặt nhiều người. Nếu người nhận quà không tinh ý thì rất dễ bị các đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý, đưa vào “tròng”. Ban đầu, nạn nhân có thể thấy mọi thứ diễn ra đúng như các đối tượng hứa và thậm chí có thể nhận được một số phần thưởng có giá trị nhỏ. Nhưng khi nạn nhân đã rơi vào bẫy, kẻ lừa đảo sẽ tăng dần giá trị của các đơn hàng hoặc các yêu cầu. Sau đó, các đối tượng sẽ thông báo về việc ghi nhầm thông tin chuyển khoản hoặc đưa ra nhiều lý do khác yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để khắc phục. Cuối cùng, khi nạn nhân không còn khả năng hoặc điều kiện thực hiện yêu cầu thì kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền đã chuyển và biến mất. Ngoài ra, cũng có trường hợp người tham gia được nhận được tiền và quà miễn phí mà không phải tham gia bất kỳ nhiệm vụ nào. Tuy nhiên, đa số đều không biết mình vô tình trở thành công cụ để cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng, thông qua việc đăng tải video, hình ảnh nhận quà như một hình thức “chim mồi” người chơi khác.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia cho rằng, tội phạm mạng hiện nay đang nhắm tới tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, do tỷ lệ thành công ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, người lao động tự do thường cao hơn các nhóm khác nên tội phạm lừa đảo đang có xu hướng tập trung hơn vào nhóm đối tượng này. Lý do là khả năng cập nhật công nghệ, các phần mềm bảo vệ cũng như các thông tin, thủ đoạn lừa đảo mới của nhóm này đang có những hạn chế nhất định.
Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân nên thận trọng và cảnh giác trước những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc mời tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí bởi đây chỉ là “mồi nhử” để dẫn dụ. Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường link lạ để tránh bị mất tiền, thông tin cá nhân một cách đáng tiếc hoặc vô tình bị dẫn dụ vào các nhóm kinh doanh bất hợp pháp.