PV: Được biết Thượng tá, TS là người đã có nhiều năm công tác trong lực lượng điều tra trọng án, với kinh nghiệm nghề nghiệp, ông có nhận định gì về vụ án tại Bình Dương đang gây xôn xao dư luận?
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Có thể đánh giá tình huống điều tra của vụ giết người giấu xác tại Bình Dương là vô cùng khó khăn.
Trong nghề, chúng tôi gọi đây là “điều tra chay “, vì ngoài một số bộ phận trên thi thể nạn nhân và chiếc túi xách, thì theo tôi được biết, đến nay vẫn chưa thu được thêm những dấu vết, vật chứng hay tài liệu gì có ý nghĩa trong hoạt động điều tra.
Danh tính nạn nhân cũng chưa được làm rõ dù lực lượng phá án đã làm nhiều việc để truy tìm tung tích.
Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu
Trong khi đây chính là mấu chốt để mở toang những bí ẩn đằng sau vụ án này. Bởi vì có dựng được lai lịch, nhân thân của người bị hại, mới có thể lần ra được các mối quan hệ, công việc, đặc biệt là các mâu thuẫn có thể là nguyên nhân dẫn đến tội ác trong vụ án.
Về tính chất vụ án, tôi nhận định rất có thể đây là vụ giết người do nguyên nhân xã hội. Nghĩa là thủ phạm gây án do có mâu thuẫn, thù tức, bức xúc tâm lý đối với nạn nhân.
Sau khi gây án, để xóa dấu vết tội phạm nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, hung thủ đã “phân kim” thi thể nạn nhân, đốt cháy và tẩu tán các bộ phận trên thi thể ở nhiều nơi.
Thủ đoạn này cũng đã xảy ra khá nhiều ở Việt Nam, điển hình như vụ Nguyễn Đức Nghĩa, hay vụ Hàng Thị Hồng Diễm giết chồng ở Bình Dương năm 2017.
Động cơ thúc đẩy hung thủ có hành vi man rợ này là để che giấu tội phạm. Điều này đi ra từ nỗi sợ bị trừng phạt cùng bản năng tự vệ của động vật, muốn triệt tiêu nguy cơ tội ác của mình bị phát hiện và xử lý. Dám làm nhưng không dám chịu là nét tâm lý phổ biến ở nhiều tên tội phạm.
PV: Thượng tá đánh giá như thế nào về hoạt động truy xét của Công an tỉnh Bình Dương?
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực, cố gắng của cơ quan điều tra và các đơn vị nghiệp vụ, địa phương thuộc Công an tỉnh Bình Dương.
Theo tôi biết là họ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, tập trung tối đa quân lực, phương tiện vào hoạt động điều tra, truy xét theo hướng truy tìm con người và tang vật, dấu vết.
Hướng truy xét với nhiều giả thuyết về tính chất vụ án, tính chất đối tượng gây án, diện nạn nhân…được đặt ra là điều rất cần thiết. Lúc này chưa thể đi vào “điểm”, mà cần phải làm theo diện để bộc lộ thông tin.
Hiện trường phát hiện một phần thi thể nạn nhân
Cho đến nay, các biện pháp rà soát trên diện rộng đã được triển khai, với sự vào cuộc hỗ trợ của lãnh đạo Cục CSHS, Bộ Công an và phòng Trọng án thuộc đơn vị này. Các Cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an cũng đã chi viện, trợ giúp địa phương trong việc giải quyết các yêu cầu nghiệp vụ.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây là một tình huống điều tra rất khó khăn, không có bất kỳ một manh mối nào khả dĩ dẫn đến thủ phạm, nên quá trình truy xét dù đã rất nỗ lực nhưng đến nay chưa thu được kết quả.
Là người làm nghề truy xét trọng án trong nhiều năm, tôi thấy trong làm án, yếu tố “may mắn” cũng rất quan trọng.
Tôi thực tâm mong anh em làm án gặp được những tình huống, cơ hội ngẫu nhiên nào đó, để có thể cởi các nút thắt bí hiểm trong vụ án này.
PV: Theo dõi tài khoản mạng xã hội của Thượng tá, thấy ông rất quan tâm đến vụ án này và đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng mạng vào cuộc cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Xin ông giải thích về điều này?
Thượng tá Đào Trung Hiếu: Theo tôi được biết, hiện ở nước ta có hơn 62 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 98 triệu dân.
Đó là một lực lượng vô cùng hùng hậu, nếu biết tận dụng sức mạnh của cộng đồng mạng vào việc cung cấp thông tin vụ án sẽ tạo ra những bước đột phá trong hoạt động điều tra.
Bản thân tôi đã được kiểm chứng sức mạnh của cư dân mạng khi họ nhiệt tình giúp cơ quan điều tra phá án. Điển hình như lần cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội truy xét thủ phạm vụ giết người, cướp xe ôm tại Hà Nội.
May mắn trong vụ này là trước khi chở khách, linh cảm có chuyện chẳng lành, người lái xe đã chụp lén 2 người thanh niên đón xe và gửi ảnh đó cho bạn của mình.
Ban chuyên án truy xét vụ án này đều là bạn cũ của tôi ở đội điều tra trọng án, tôi khuyên họ nên đưa ảnh thủ phạm lên mạng xã hội kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng. Bản thân tôi cũng đưa tấm hình này lên trang cá nhân. Ngay đêm đó, một học trò của tôi nhận ra một trong hai kẻ thủ ác là người cùng làng ở xã Thanh Lương, TX Nghĩa Lộ, Yên Bái. Tôi đã cấp báo cho các bạn ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang để tổ chức lực lượng hành quân lên Yên Bái bắt giữ hung thủ. Kết quả đến chiều hôm đó, cả 2 đối tượng gây án đã bị bắt giữ.
Tôi cho rằng tai mắt nhân dân hiện nay nằm cả trên mạng, biết dựa vào nhân dân thì việc khó cũng thành dễ.
Trong các vụ án, vai trò của cộng đồng mạng là phát hiện, cung cấp thông tin có ý nghĩa cho hoạt động điều tra như thông tin về người mất tích, thông tin về đối tượng nghi vấn, dấu vết, vật chứng nghi có liên quan đến vụ án cùng các thông tin khác có liên quan.
Trong vụ án tại Bình Dương, tôi kêu gọi bầu bạn sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, lan tỏa rộng rãi trên không gian mạng nội dung thông báo truy tìm tung tích nạn nhân của cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Bình Dương. Đồng thời, cung cấp thông tin về trường hợp người mất tích trong gia đình, tại nơi cư trú, làm việc…của mình. Các gia đình có thân nhân đi làm ăn xa nhưng gần đây bị mất liên lạc cần chủ động trình báo với Công an xã, phường nơi cư trú.
Bên cạnh đó, thông tin về những người xung quanh có bất minh về hành vi, tâm lý, kinh tế, người có hoạt động liên quan đến hiện trường trước, trong và sau khi vụ án xảy ra…đều có thể có ý nghĩa cho hoạt động điều tra, rất cần người sử dụng mạng xã hội hợp tác, cung cấp.
PV: Xin cám ơn Thượng tá!