Đây là thông tin được Thượng tá Đới Ngọc Thắng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM cho biết tại Tọa đàm 'Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng', do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, diễn ra vào sáng 18/12.
Đại tá, PGS.TS Bùi Ngọc Giáp - Trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM và ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (áo trắng), đồng chủ trì toạ đàm
Theo Thượng tá Thắng, thực trạng tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an TP đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền thiệt hại rất lớn, lên đến khoảng 982 tỷ đồng.
Thượng tá Đới Ngọc Thắng cho biết các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến là giả danh cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, thuế, nhân viên bưu điện,…) thông báo liên quan đến các đường dây tội phạm mua bán ma túy, rửa tiền (18 vụ) và thủ đoạn yêu cầu đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thông tin cá nhân sau đó xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản (53 vụ).
Thượng tá Đới Ngọc Thắng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP tham luận tại tọa đàm
Bên cạnh đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối (102 vụ). Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc hack các tài khoản mạng xã hội và giả làm người thân của bị hại thông qua các tài khoản Zalo, Telegram, Whatapp đã bị chiếm quyền quản lý để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định (21 vụ).
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên để làm nhiệm vụ bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, tiki,… để nhận hoa hồng hoặc mời bị hại tham gia tuyển người mẫu ảnh nhí, sau đó hướng dẫn cho bị hại đăng ký mở tài khoản trên app rồi giao nhiệm vụ để thực hiện, khi thực hiện nhiệm vụ sẽ phải chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng chỉ định, hứa hẹn sau khi xong thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10-15% trả lại vào tài khoản nhưng sau đó khi bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp (267 vụ).
Các đại biểu, khách mời tham dự tọa đàm
Thượng tá Đới Ngọc Thắng cho biết các phương thức thủ đoạn lừa đảo làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ trên mạng xảy ra nhiều nhất, chiếm đa số các vụ tiếp nhận. Ngoài ra, thời gian qua cơ quan công an cũng tiếp nhận các vụ giả danh các cơ quan chức năng (Công an, nhân viên thuế, bưu điện...) nhưng bằng phương thức thủ đoạn mới là gửi cho bị hại các đường link yêu cầu đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến, trang khai báo nộp thuế để thay đổi thông tin cá nhân sau đó xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, thiệt hại đối với người dân quá lớn, trung bình 01 vụ nạn nhân bị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. 'Thiệt hại kinh tế lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người bị hại, gây xáo trộn, mâu thuẫn trong gia đình, mất mát tình cảm giữa người thân, bạn bè với nhau, thậm chí dẫn đến xung đột, bạo lực hoặc trường hợp xấu nhất do không chịu nổi áp lực về tiền bạc nên phải tự chấm dứt cuộc sống của mình', Thượng tá Đới Ngọc Thắng chia sẻ.
Trong khi đó, công tác điều tra, khám phá các vụ án này gặp rất nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cơ quan công an đã khởi tố 242 vụ. Nguyên nhân do đối tượng chính thực hiện hành vi phạm tội đứng ra tổ chức, điều hành khả năng là đối tượng nước ngoài câu kết với đối tượng có trình độ công nghệ ở Việt Nam để thiết lập mạng lưới tổ chức hoạt động phạm tội. Chúng xây dựng một hệ thống khá chặt chẽ gồm nhiều nhóm được giao thực hiện những nhiệm vụ khác nhau theo từng giai đoạn thực hiện hành vi để tiếp cận, lôi kéo lừa đảo chiếm đoạt của bị hại nhưng các nhóm này không quen biết nhau, không biết thông tin của nhau.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena phát biểu
Các đối tượng còn phân công một số đối tượng đi thuê người đứng tên dùm tài khoản ngân hàng hoặc làm giả CMND, CCCD để mở tài khoàn ngân hàng. Khi truy xét theo thông tin về lai lịch đối tượng thì hầu hết số ĐTDĐ của đối tượng khi xác minh đều không chính chủ (sim rác), có số ĐTDĐ có đầu số ở nước ngoài. Các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Viber, Telegram, các đường link, trang web qua xác minh đều không có thông tin người sử dụng.
Khó khăn nữa là bị hại và đối tượng đều là những người hoàn toàn không quen biết nhau, do vậy bị hại không thể mô tả đặc điểm điểm nhận dạng, cung cấp thông tin lai lịch đối tượng nghi vấn cho Cơ quan điều tra nên khó truy xét đối tượng theo các biện pháp nghiệp vụ truyền thống.
Để công tác phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đạt hiệu quả cao, Thượng tá Đới Ngọc Thắng cho rằng thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngân hàng với cơ quan công an để phong tỏa, ngăn chặn ngay tài khoản mà bị hại chuyển tiền và tiến hành ngay các biện pháp truy xét. Đồng thời, người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức, tự biết bảo vệ mình, bớt hám lợi để tránh sập bẫy lừa đảo.