Cụ thể, cuối năm 2022, qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát Đội 7 -Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Hồ Chí Minh phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu sản xuất, mua bán các loại thuốc chữa bệnh giả.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nắm thêm, thuốc giả được các đối tượng trực tiếp sản xuất tại nhiều địa điểm, rải từ TP.Hồ Chí Minh xuống một số tỉnh lân cận. Tình hình trên được trinh sát Đội 7 báo cáo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế xin ý kiến Ban giám đốc Công an TP lập chuyên án đấu tranh, triệt phá.
Quách Ngọc Giao - đối tượng cầm đầu
Sau thời gian củng cố hồ sơ, vào lúc 09 giờ 15 phút ngày 11/07/2023, tại một địa điểm trên đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế bắt quả tang Quách Ngọc Giao đang vận chuyển 01 thùng carton (bên trong có chứa 300 hộp thuốc Fugacar) giao cho Tăng Chí Đức (SN 1967, ngụ P.7, Q.11, TP.Hồ Chí Minh).
Thời điểm tổ công tác kiểm tra, đại diện hãng sản xuất thuốc xác nhận toàn bộ số thuốc Fugacar trên là thuốc giả. Sau đó, Đội 7 phối hợp với Đội 9 - Phòng Cảnh sát kinh tế đồng loạt triển khai khám xét 19 điểm sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược giả trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang.
Máy móc các đối tượng dùng để sản xuất tân dược giả
Khám xét nơi ở của Quách Ngọc Giao tại một căn nhà trên đường Điện Biên Phủ, P.11, Q.10, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 45 thùng carton thuốc tân dược giả thành phẩm, bao bì, tem nhãn các loại. Khám xét tại kho chứa hàng của đối tượng Giao tại địa chỉ: 282/5 Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q.Phú Nhuận, phát hiện và thu giữ thêm 65 thùng carton thuốc tân dược giả thành phẩm, bao bì, tem nhãn các loại.
Đối tượng Trần văn Nghĩa
Khám xét nhà không số tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang của đối tượng Trần Văn Nghĩa (SN 1974, ngụ Ấp Mỹ An, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) phát hiện và thu giữ 25 thùng carton thuốc tân dược các loại.
Nghĩa khai tiêu thụ thuốc giả (Tanganil 500 mg, Terneurine H.5000, Becozyme,…) do Giao sản xuất, riêng thuốc Asmacort do Nghĩa tự sản xuất. Để sản xuất thuốc Asmacort, Nghĩa mua vỏ chai, tem nhãn của Giao, mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam, sau đó lột bỏ tem thuốc nội địa, dán tem thuốc ngoại nhập vào để bán với giá thành cao hơn.
Phạm Văn Đin
Tại căn nhà ở Cầu Xéo, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh – địa điểm tổ chức sản xuất tân dược giả của đối tượng Phạm Văn Đin (SN 1978, quê Đồng Nai), lực lượng chức năng thu giữ 40 thùng carton thuốc tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại.
Tại đây, Đin tổ chức sản xuất thuốc tân dược giả các loại như: Enat, Tanganil 500mg. Sau đó, Đin giao toàn bộ thuốc thành phẩm cho Giao tiêu thụ. Để sản xuất mặt hàng Enat, Tanganil 500mg, Đin mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam và thuốc quá hạn sử dụng trôi nổi trên thị trường; vỉ nhựa, bản kẽm khuôn vỏ hộp giấy, tem, in ấn bao bì…được Đin đặt mua và in của một vài công ty ở Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh.
Tân dược giả thu giữ trong chuyên án
Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Tăng Chí Đức (SN 1967, ngụ P.7,Q.11, TP.Hồ Chí Minh) tại địa chỉ: T216 ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, tổ công tác phát hiện và thu giữ 08 thùng carton thuốc tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại. Quá trình lấy lời khai, Đức thừa nhận sản xuất thuốc Terneurine H.5000, Voltaren và tiêu thụ các loại thuốc tân dược khác do Giao cung cấp.
Đối tượng Đào Công Tâm
Tại phòng trọ không số trên đường Nguyễn Thị Tú, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, đối tượng Đào Công Tâm (SN 1968, quê Cần Thơ) tổ chức sản xuất thuốc Becozyme, Laroscorbine thuê cho Giao với giá 3.000 đồng/hộp. Tâm cũng là đầu mối tiêu thụ thuốc tân dược giả do Giao cung cấp. Địa điểm này, tổ ông tác thu giữ 18 thùng carton thuốc tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại.
Ở các địa điểm khác, Phòng cảnh sát Kinh tế tạm giữ thêm các đối tượng Hương, Nghiệp, Nhi…và thu giữ thêm số lượng lớn tem nhãn cùng tân dược giả các loại.
Số lượng lớn thuốc giả bị thu giữ:
Việc khám xét các địa điểm diễn ra đến rạng sáng ngày 12/7 mới kết thúc. Do lượng thuốc giả quá lớn nên đến chiều ngày 12/7, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tiến hành kiểm đếm. Theo ước tính của các công ty dược có sản phẩm bị làm giả, tổng trị giá toàn bộ tang vật thu giữ trong chuyên án lên đến hàng chục tỷ đồng.
Lời khai ban đầu củ các đối tượng thể hiện đường dây tổ chức sản xuất, mua bán tân dược giả Quách Ngọc Giao cầm đầu có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng trong quá trình sản xuất, mua bán: Giao thuê Tâm sản xuất thuốc tân dược giả nhãn hiệu Becozyme, Laroscorbine; Đin sản xuất thuốc tân dược giả nhãn hiệu Enat, Tanganil 500mg; Nghĩa sản xuất thuốc tân dược giả nhãn hiệu Asmacort; Nghiệp sản xuất thuốc tân dược giả nhãn hiệu Fugacar; Đức sản xuất thuốc tân dược giả nhãn hiệu Terneurine H.5000, Voltaren.
Máy móc dùng để sản xuất thuốc giả:
Để làm ra thành phẩm thuốc giả, chúng mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam hoặc thuốc hết hạn sử dụng trên thị trường, sau đó về thay đổi bao bì, tem nhãn thuốc thành thuốc có nguồn gốc nước ngoài sản xuất, bán ra thị trường với giá cao để hưởng chênh lệch về giá. Sau khi sản xuất xong, các đối tượng vận chuyển thuốc tân dược giả thành phẩm các loại về nơi ở và kho chứa hàng của Giao để tiêu thụ trên thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Hiện Phòng Cảnh sát Kinh tế đang tạm giữ 10 đối tượng có liên quan để tiếp tục điều tra, làm rõ.