Kinh nghiệm thực chiến, cơ hội giải bài toán thật của doanh nghiệp, giá trị kết nối cùng các anh chị trong ngành, tấm vé ưu tiên vào các tập đoàn lớn và vô vàn những lợi ích lớn nhỏ khác chính là động lực khiến nhiều sinh viên ngày nay, đặc biệt là các bạn thuộc khối ngành kinh tế, lựa chọn tham gia các cuộc thi chuyên môn như một bước đệm vững chắc cho sự nghiệp sau này. Cùng lắng nghe những chia sẻ đến từ bạn Thái Nguyễn Nhật Minh - ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương - về hành trình bén duyên với các cuộc thi giải case từ khi còn học năm hai.
Giải Business Case là một hoạt động phổ biến của cộng đồng sinh viên, chỉ quá trình nghiên cứu các tình huống kinh doanh mà doanh nghiệp đặt ra để từ đó đi tìm phương án giải quyết cho mục tiêu của đề bài. Hiện nay, các cuộc thi giải case đang ngày càng khẳng định được sức nóng của chúng khi được tổ chức với số lượng và tần suất ngày càng tăng, thu hút một lượng đông đảo các sinh viên tham dự và các tập đoàn cố vấn chuyên môn.
Giống như bao bạn sinh viên đồng trang lứa, Thái Nguyễn Nhật Minh sớm đã nuôi dưỡng trong mình niềm đam mê đối với các Business Case, điều này đã thôi thúc bạn bắt tay vào trau dồi kiến thức, kiếm tìm những người bạn đồng hành trên con đường chinh phục các cuộc thi chuyên môn. Sau bao nỗ lực, Nhật Minh cũng đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào tại các cuộc thi giải case như: Quán quân cuộc thi Rocket to Development, Á quân Business Hackathon 2022 và gần đây là giải Quán quân của The A Program: Product Management Challenge mùa 2 - cuộc thi về ngành “Quản lý sản phẩm” được sáng lập bởi AIESEC in Vietnam, tổ chức thanh niên lớn nhất thế giới về kỹ năng lãnh đạo.
Nhân tố tạo nên kỳ tích: kiến thức, đồng đội và một chút may mắn
Thái Nguyễn Nhật Minh sớm ý thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị một nền tảng kiến thức vững vàng trước khi bước vào các cuộc chiến nên bạn và đồng đội đã cùng nhau đăng ký các khóa học giải case để nắm chắc các mô hình phổ biến được sử dụng để giải quyết các tình huống của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhật Minh còn tích cực tự đọc thêm sách báo nước ngoài để tích lũy kiến thức về đa ngành.
Chia sẻ về quá trình trau dồi kiến thức, Nhật Minh chia sẻ bạn và những người đồng đội đã bắt đầu hành trình bằng việc ôn luyện các bài Đánh giá năng lực (Aptitude Test) bởi đây thường là vòng đầu tiên tại hầu hết các cuộc thi giải Business Case.
Hiểu được sự cần thiết của kiến thức nền tảng là vậy nhưng Thái Nguyễn Nhật Minh lại tin rằng yếu tố tiên quyết trước những thành công gần đây của mình nằm ở những người đồng đội. Cậu thừa nhận từng gặp thất bại tại một số cuộc thi chuyên môn trước do chưa tìm được những người đồng hành thực sự phù hợp với nhau. Tuy nhiên, may mắn đã sớm đến với Nhật Minh khi từ kinh nghiệp vấp ngã mà bạn sau này đã bén duyên với những người bạn thực sự ăn ý, những người đã đóng góp một phần không hề nhỏ vào những chiến tích mà Nhật Minh đã gặt hái được sau này.
Rào cản lớn nhất nằm ở động lực
“Trong quá trình tự học thì khó khăn lớn nhất là động lực học tập. Có quá nhiều tài liệu sách báo để học nhưng rất dễ trở nên lười biếng và nản”, Minh chia sẻ. “Đến với những cuộc thi kể trên, mình đã thực sự có “duyên” với những đồng đội của mình, nên dù khó khăn vất vả như thế nào cũng cùng nhau vượt qua.”
Như vậy, thử thách sau cùng không ở khả năng mà nó tồn tại ở giới hạn ý chí của mỗi người, rằng liệu một người có đủ sự nhẫn nại và động lực để vượt qua những nản lòng và toàn tâm toàn ý với mục tiêu ban đầu của mình. Nhưng Thái Nguyễn Nhật Minh lại một lần nữa khẳng định chắc nịch tầm quan trọng của việc có những người đồng đội bên mình bởi chính họ đã giúp cho bạn có động lực và sự quyết tâm để cùng nhau đi đến cùng.
Chiến thắng nhờ bí quyết “Chậm mà chắc”
Khi được hỏi về bí kíp chiến thắng, Nhật Minh chỉ khiêm tốn trả lời: “Có lẽ bí quyết duy nhất của chúng mình là ít mắc lỗi hơn các team khác. Trong khoảng thời gian ngắn cho mỗi vòng như vậy, chúng mình không hướng đến sự hoàn hảo mà cố gắng khiến bài của team ở mức khả thi và ít lỗi nhất có thể.”
Qua câu trả lời của Nhật Minh, thời gian chính là một trong những áp lực mà cậu và đồng đội đã phải đối mặt khi tham dự các cuộc thi chuyên môn. Ở cuộc thi đầu tiên Rocket to Business Development, thời gian gấp rút khiến cho cậu phải vừa đi thi vừa mày mò để tự nạp một lượng kiến thức mới tương đối lớn trước mỗi vòng. Sang cuộc thi thứ hai là Business Case Hackathon, do tính chất cuộc thi là giải case trong 48 giờ nên Minh và đồng đội không kịp chuẩn bị quá nhiều.
Đến với The A Program, tuy cơ cấu có điểm khác biệt so với các cuộc thi giải case khác dành cho sinh viên do các vòng thi của Product Management Challenge chỉ tập trung giải quyết một đề bài duy nhất, thế nhưng Nhật Minh và đồng đội đã không ít lần gặp khó khăn trong vấn đề làm việc nhóm dẫn đến chậm tiến độ.
“Một kỷ niệm đáng nhớ của cuộc thi có lẽ là ngày cuối cùng trước khi chúng em nộp đề án Vòng 2. Chúng em vì nhiều lý do khác nên phối hợp không được ăn ý trong những ngày đầu, dẫn đến chậm tiến độ. Nhưng vào ngày cuối cùng, chúng em đã cố gắng làm việc cùng nhau đến 12h đêm để có thể nộp bài đúng hạn. Cảm giác lúc ấy như trút được một gánh nặng sau khi làm việc dồn dập trong thời gian ngắn như vậy”, cậu bạn bộc bạch.
Nhật Minh chia sẻ về quá trình dự thi: “Thử thách của BTC đưa ra cho chúng mình đó là phân tích và đề xuất giải pháp cho tính năng “Mua vé xem phim” để giúp MoMo đạt 1 triệu người dùng hàng tháng. Ở vòng 1: Nghiên cứu tổng quan, chúng mình đã hết sức cố gắng đi “Chậm mà chắc”, đọc và nghiên cứu thật nhiều về đề bài để đưa ra những con số chính xác cũng như tìm ra “điểm đau” của người dùng để có thể đưa ra giải pháp phù hợp tại vòng 2: Đề xuất giải pháp. Tại vòng này, chúng mình đã đưa ra bộ tính năng giúp giải quyết vấn đề bao gồm “Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng”, “Cơ chế xem phim theo hội nhóm” và “Cơ chế đặt cọc vé xem phim”. Tất cả những tính năng chúng em đưa ra đều dựa trên nghiên cứu về người dùng và cố gắng giải quyết “điểm đau” của họ.”
Nếu có cơ hội hãy cứ thử sức
Trên thực tế, nhiều bạn sinh viên ngày nay vẫn còn khá tự ti khi nhắc đến các cuộc thi giải case. Nguyên nhân sâu xa không phải do các bạn chưa đủ kiến thức để đi thi mà đôi khi nó nằm trong chính việc các bạn đặt nặng vào yếu tố cuộc thi (tức việc đạt giải) mà quên đi giá trị thực sự nằm ở khối lượng kiến thức mới mà bạn có thể học được từ các cuộc thi đó.
Chiến thắng tại The A Program: Product Management Challenge 2022 chính là một kỳ tích bất ngờ đối với cả Nhật Minh và đồng đội bởi ngay từ đầu, cơ duyên của các bạn với cuộc thi chỉ đến từ suy nghĩ vu vơ mà thôi. Như vậy, ngay từ khởi điểm, các bạn không hề đặt nặng vào chuyện đạt giải mà chỉ coi cuộc thi như một cơ hội thử sức với ngành Quản lý sản phẩm.
Việc tham gia các cuộc thi chuyên môn đem lại cho thí sinh ba giá trị: giá trị kiến thức, giá trị sự nghiệp và giá trị kết nối. Trước hết, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội tiếp xúc bài toán kinh doanh đến từ một tập đoàn lớn để từ đó học hỏi thêm về các mô hình, bộ máy vận hành thường được sử dụng để giải case cũng như các kiến thức chuyên sâu về ngành hàng xuất hiện trong đề bài.
Bên cạnh đó, nếu xét về giá trị sự nghiệp, tham gia các cuộc thi giải case, các bạn sinh viên sẽ nhận được tấm vé ưu tiên vào làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược của cuộc thi; hay đơn giản, việc đưa thành tích tại cuộc thi vào trong hồ sơ xin việc sau này đã đủ để khiến bạn lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Không những thế, các cuộc thi chuyên môn còn là cơ hội hiếm có để kết nối cùng các đàn anh đàn chị đi trước trong ngành - những người có thể đồng hành cùng bạn trong suốt quá trình xây dựng sự nghiệp, đóng vai trò như một người thầy, người cố vấn hay người giới thiệu các bạn vào các vị trí tiềm năng.
Từ trải nghiệm của chính mình, Nhật Minh muốn nhắn nhủ một thông điệp tích cực đến với những bạn sinh viên còn chần chừ trước các cuộc thi chuyên môn, “Nếu có cơ hội hãy cứ thử sức, hãy cứ vấp ngã, bạn sẽ học được rất nhiều. Mình đảm bảo những cuộc thi như thế này sẽ làm cuộc sống đại học của các bạn thêm màu sắc đó.”