Thời tiết mùa đông khắc nghiệt, nhiều người chú trọng chuẩn bị quần áo ấm để giữ nhiệt, chống chọi cái lạnh. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hỉnh Mauricio Garcia chia sẻ với Best Life, chuẩn bị quần áo để giữ ấm là chưa đủ. Lựa chọn giày phù hợp rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh.
Theo Garcia, mùa đông nhiệt độ thấp, mặt đường trơn trượt có thể gây ra các vấn đề từ “khó chịu nhẹ đến chấn thương nghiêm trọng” khi đi giày không phù hợp. Để bảo vệ chân đúng cách, có những loại giày hại chân cần tránh.
Giày lười có phần đế mỏng, cách nhiệt kém, không thích hợp dùng trong những ngày đông nhiệt độ thấp, đường trơn trượt. (Ảnh: Istock)
1. Giày lười. Giày lười là lựa chọn vừa thời trang vừa thân thiện trong tiết trời mùa thu. Vậy nhưng, nó không thân thiện với chân vào mùa đông. Garcia giải thích: “Mặc dù phong cách và thoải mái nhưng giày lười có phần đế mỏng, khả năng cách nhiệt kém nên không thích hợp đi vào những ngày lạnh, ẩm ướt”.
2. Giày thể thao đế mỏng. Giày thể thao đế mỏng mang lại cảm giác thoải mái nhưng khả năng giữ ấm không được đánh giá cao. Sử dụng chúng trong những ngày rét đậm, dù đi tất dày chân vẫn có cảm giác băng giá.
Một lý do khác khiến Garcia khuyên không đi giày thể thao đế mỏng vào mùa đông (đặc biệt là mùa đông phương Tây có tuyết) là chúng không có khả năng chống thấm. Đi chúng vào những ngày mưa rét sẽ khiến chân chịu lạnh và nhanh ướt, ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Dép cũ đi trong nhà. Dép giữ ấm đi trong nhà cũng cần quan tâm, không kém phần quan trọng so với giày đi ngoài trời. Bạn nên cân nhắc trước khi tận dụng dép giữ ấm đi trong nhà đã cũ. Thông thường, mọi người sẽ không đi tất khi sử dụng dép giữ nhiệt. Nếu đôi dép quá cũ, nó sẽ tạo điều kiện cho da chết, mồ hôi, vi khuẩn và nấm phát triển bên trong.
4. Dép lê. Nếu thời tiết không quá lạnh, bạn có thể lựa chọn giày hở mũi song không nên tận dụng dép xỏ ngón, dép lê hay xăng đan vào mùa đông. Việc để các ngón chân và tứ chi tiếp xúc với nhiệt độ thấp làm tăng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe bàn chân như chilblains hay tê cóng.
Giày búp bê thiết kế thiếu sự ổn định vòm chân, ít hỗ trợ bàn chân. Phần đế bằng tăng nguy cơ trơn trượt, không thích hợp đi mùa đông. (Ảnh: Istock)
5. Giày búp bê. Giày búp bê dễ thương song không thích hợp đi vào mùa đông. Thiết kế giày búp bê thiếu sự ổn định vòm chân, không hỗ trợ bàn chân. Mặt khác, phần đế bằng của giày búp bê cũng tăng nguy cơ trơn trượt trên bề mặt ẩm ướt hoặc băng giá.
6. Giày cao gót. Giày cao gót là loại giày hại chân, Garcia khuyên không nên mang bất kỳ thời điểm nào trong năm. Theo chuyên gia, yếu tố đáng lo ngại nhất của việc đi giày cao gót mùa đông là chúng có phần lộ da quá nhiều, khả năng giữ nhiệt không cao.
Garcia cũng cảnh báo giày cao gót khiến bàn chân người đi có độ ổn định thấp. Điều này càng trở nên nguy hiểm nếu di chuyển trên bề mặt băng giá. Sự phân bố trọng lượng không đều, bề mặt tiếp xúc nhỏ có thể dẫn đến trượt, té ngã, bong gân mắt cá, thậm chí chấn thương nghiêm trọng.
7. Giày bị mòn đế. Giày dép cũng có thời gian sử dụng nhất định, không nên sử dụng những đôi giày quá cũ, mòn. Những đôi giày này tính thẩm mỹ không cao mà còn không thể cung cấp lực kéo cần thiết để người dùng thăng bằng trên mặt đường đóng băng, trơn trượt.
8. Giày lưới chạy bộ. Giày lưới phù hợp cho những ngày thời tiết ấm áp. Ngược lại, loại giày này không nên đi vào mùa đông nhiệt độ hạ thấp. Nguyên nhân bởi lớp lưới của giày có khả năng giữ nhiệt kém, khiến hơi lạnh và ẩm ướt thâm nhập vào bên trong, tác động đến vùng chân.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phát hiện kho hàng giày dép giả nhái thương hiệu
Nguồn video: Nhandantv