Biến phế thải ô tô thành quần áo
Công ty tái chế xe ô tô Nishikawa Shokai thu gom các bộ phận xe ô tô đã qua sử dụng từ khoảng 10.000 xe cũ mỗi năm. 99% phụ tùng ô tô đều có thể được tái chế, ngoại trừ những chiếc túi khí. Chúng được đưa vào các nhà máy xử lý rác thải và dùng làm chất xúc tác cho quá trình đốt cháy rác.
Túi khí là thiết bị an toàn được tạo ra để hạn chế chấn thương khi xe khi xảy ra va chạm (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Ba năm trước, Nishikawa Shokai đã tìm đến Ryohei Kawanishi - nhà thiết kế Nhật Bản tốt nghiệp trường nghệ thuật Central Saint Martins tại London. Công ty muốn anh đem lại cho những miếng vải nylon trắng này một vòng đời mới bằng cách biến chúng thành những món đồ thời trang.
pKawanishi cho biết thách thức lớn nhất của dự án nằm ở chỗ một túi khí thu được rất ít vải, do đó mất khoảng 10 túi khí mới có thể sản xuất được một chiếc áo khoác. Nhà thiết kế đã mất hơn một năm mới tìm được một công ty may chuyên nghiệp có thể hoàn thành quy trình cắt túi khí rồi khâu chúng lại thành những miếng vải lớn.
Các số sê-ri được đóng dấu trên vải được giữ lại như một phần của các trang phục mới, cùng với đó là các đường khâu dễ thấy và thiết kế chắp vá, làm tăng thêm cảm giác cá tính cho người mặc. Kawanishi dự định tạo ra những mẫu quần áo cơ bản hơn, có thể mặc hàng ngày. Anh cũng có kế hoạch thử nhuộm chất liệu này để giúp bộ sưu tập của minh trở nên phong phú hơn.
Quần áo được thiết kế từ túi khí ô tô phế thải của Ryohei Kawanishi (Ảnh: Nguồn quốc tế).
Trang phục của Kawanishi không được thiết kế cho bất kỳ giới tính hoặc nhóm tuổi cụ thể nào, nhưng dòng sản phẩm này đã trở nên phổ biến đối với thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20. Một chiếc áo khoác từ túi khí ô tô tái chế có giá từ 200 USD, thấp hơn nhiều so với các bộ sưu tập trước đây của nhà thiết kế. Điều này giúp nhiều người có thể tiếp cận sản phẩm hơn.
Kawanishi hy vọng rằng việc mặc trên người một bộ phận xe hơi tái chế sẽ khuyến khích công chúng Nhật Bản thực sự quan đến thời trang bền vững. 'Ngày nay, từ 'bền vững' thường được sử dụng như một phương thức tiếp thị trong ngành thời trang nói riêng và ở Nhật Bản nói chung. Tôi muốn thúc đẩy tính bền vững theo cách cụ thể, chứ không phải một thương hiệu chỉ nói rằng họ sử dụng bông hữu cơ hoặc những thứ tương tự', Kawanishi nói.
Ngành công nghiệp thời trang bền vững tại Nhật Bản
Thời trang bền vững là các sản phẩm thời trang, may mặc sử dụng chất liệu an toàn, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng, không tạo ra các tác động gây hại đến môi trường. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang bền vững xuất hiện tại Nhật Bản. Người trẻ tại đây cũng tích cực hưởng ứng xu hướng này.
Re:nne (có nghĩa là sự tái sinh), ra mắt vào tháng 3/2021, là một thương hiệu thời trang bền vững chuyên sản xuất ví da 100% hữu cơ có nguồn gốc từ cây xương rồng. Sản phẩm có thể phân hủy sinh học và không gây hại cho môi trường.
Một chiếc ví từ thương hiệu Re: nne (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Một thương hiệu thời trang bền vững nổi tiếng khác là Maito Design Works. Quần áo và phụ kiện thời trang tại cửa hàng đều được được sản xuất bằng chất liệu và thuốc nhuộm có nguồn gốc thực vật tự nhiên, không chứa chất hóa học.
'Nhiều người quan tâm đến các mặt hàng có nguồn gốc đặc biệt, chẳng hạn như quần áo làm từ chai nhựa tái chế. Mọi người tò mò về cách một bộ quần áo có thể tạo ra từ một chai nước uống và điều đó có thể khiến họ cảm thấy hài lòng rằng mình đang góp phần vào việc tái sử dụng nhựa', Misha Janette, một nhà phê bình thời trang người Mỹ làm việc tại Tokyo cho biết.
Song không phải ai cũng lạc quan về tương lai của ngành thời trang bền vững. Taku Hatakeyama, Giám đốc của Kuon - một thương hiệu cung cấp thời trang bền vững bằng cách cải tiến các món đồ cũ, cho biết: 'Văn hóa mua quần áo cũ đã phổ biến ở Nhật Bản trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, nó đã trở thành một trào lưu trong giới trẻ'.
Trang phục trong bộ sưu tập xuân hè 2022 của thương hiệu Kuon (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Tuy nhiên, theo Hatakeyama, ngành công nghiệp thời trang bền vững đã bắt đầu đạt đỉnh. Một trong những nguyên nhân chính là không phải thương hiệu nào cũng thực sự thân thiện với môi trường, phần lớn họ chỉ đang muốn dựa vào mác 'hữu cơ' để thu hút sự chú ý. Nhiều khách hàng đã nhận ra điều đó và bắt đầu tẩy chay các cửa hàng 'xanh'.
Giám đốc của Kuon cho biết: 'Nếu những người kinh doanh thời trang không nhận ra bản chất của vấn đề và thay đổi hành động, thời trang bền vững sẽ chỉ là một xu hướng đang dần trôi qua'.