Nhà mốt Christian Dior được khai sinh vào tháng 12 năm 1946, với tôn chỉ duy nhất và tối cao: khiến phụ nữ tự tin và làm cho họ đẹp hơn bất kỳ thứ diệu kỳ, lấp lánh nào trên cuộc đời này. Hình mẫu nữ giới mà ngài Dior hướng tới thuận theo mọi quy chuẩn của xã hội về cái đẹp hiện đại, bảo thủ và sang trọng tuyệt đối.
Nhưng chắc chắn nhà tạo mốt không thể ngờ rằng, đúng 4 thập kỷ sau khi ông mất, những tên tuổi sừng sỏ trong làng mốt đồng loạt nhìn thấy sự hao mòn của Dior khi đánh mất tính tiên phong trong sáng tạo. Cái tên John Galliano. được réo gọi, với hi vọng sẽ cứu vớt Dior y như cái cách Tom Ford hồi sinh đế chế Gucci.
''Họ cần anh ấy''
Cố NTK Karl Lagerfeld từng nói: ''Cấu trúc của Dior cần được duy trì nhưng họ phải 'thay máu'. Tôi nghĩ rằng họ cần anh ấy. Anh ta mang đến thứ gì đó mới mẻ và hoang dã''.
John Galliano được coi là kẻ điên mang quốc tịnh Anh. Một kẻ điên rồ trong đời sống nhưng tỉnh táo trên bước đường nghệ thuật. Trước khi cầm trượng sáng tạo Dior, John là một cậu bé nhập cư nghèo người Tây Ban Nha. Xuất thân có phần thấp kém trong xã hội không ngăn John bộc lộ tài năng và sở thích ngay từ khi còn ít tuổi: sáng tạo một chút, phá phách một chút, biến mọi món đồ từ đồng phục cho tới quần áo mặc ở nhà trở nên khác thường.
Và ông đã đem quái tính của mình vào công cuộc thanh lọc lại toàn bộ nhà mốt nước Pháp. Năm 1996, John bắt đầu tạo nên những chuyến du hành trong tâm trí dựa nên chất nữ tính và sang trọng, đẩy Dior tới tận cùng của đột phá. Thay vì giữ nguyên lối thiết kế bảo thủ và có chút o ép cơ thể nữ giới trong những silhoutte cổ điển, nhà tạo mốt người Anh liên tục đưa ra ý tưởng cấp tiến, giải phóng cơ thể con người bằng những trang phục tưởng như không đi theo quy tắc nào trong thiết kế thời trang.
Đó có thể là hình bóng những cô gái bán hoa xinh đẹp nhưng dày dặn sương gió, là gương mặt nàng công chúa tang thương giữa những thung lũng ngập tuyết lạnh lùng, hay là một nền văn minh được sống lại dưới bàn tay của John - theo cách của riêng John... ngần ấy chủ đề từ độc lạ, quái đản cho tới kỳ dị, đều có cơ hội xuất hiện trong các bộ sưu tập của Dior.
Trong khi nền thời trang dần bị bão hoà bởi thương mại hoá, thì John Galliano lại tạo nên những sân khấu hoành tráng kết tinh từ sự thăng hoa của Haute Couture và sức ảnh hưởng của nhạc Pop. Ở đó, ta không chỉ có cơ hội nhìn thấy bóng hình Victoria của nhóm Spice Girls hay thậm chí là Britney Spears. Cảm hứng Á Đông bắt nguồn từ Trung Hoa và Nhật Bản cũng là chất liệu được John đưa vào bộ sưu tập.
Nhưng kỳ công và đáng nhớ nhất lại là hai bộ sưu tập Couture bao gồm: Xuân 1998 và Thu - Đông 1999 (hay còn được gọi là The Matrix). Nếu những tuyệt tác dành cho mùa xuân năm 1998 là những sáng tạo tuyệt vời lấy cảm hứng từ Ballet Russes và Marchesa Casati, thì một năm sau, John Galliano sáng chế ra "chiếc váy tà ác" nhưng rất đỗi lãng mạn cho bộ sưu tập The Matrix.
Xuân 1998
Qua đôi tay của gã trai lập dị và bất cần đời, nhà mốt nước Pháp mang hình hài méo mó một cách duyên dáng, phi thường và cổ quái. Dior dần mang hơi thở man dại tới nỗi người ta có thể bĩu môi dè bỉu, nhưng đồng thời lén nhìn và ngưỡng mộ, thầm mong được một lần nếm trải hương vị ngàn năm có một ấy.
“Tôi không còn là Naomi Campbell trên sàn runway của John. Tôi là bất cứ ai mà ông ấy muốn tôi trở thành. Chúng tôi phải mang nhân vật đó, bộ váy đó sống dậy trên sàn diễn'' - trích lời siêu mẫu Naomi Campbell
Nicole Kidman trong thiết kế mang cảm hứng Á Đông của Dior
Diva Celine Dion trong bộ suit xoay ngược độc dị do John Gallinao thiết kế
Các siêu mẫu, ngôi sao hạng A không thể phớt lờ sức hấp dẫn dị biệt này
Năm 2021, người ta thấy Rihanna ra đường với chiếc áo khoác vintage thuộc BST Thu - Đông 2000 của Dior. Những sáng tạo của John Galliano quả thực vượt thời gian!
Và rồi, họ chẳng cần John nữa!
Thứ làm nên tài năng của John Galliano là những dòng suy nghĩ cuồn cuộn như xoáy nước, nhưng cũng chính nó đẩy ông tới vực thẳm vạn lần. Để thúc đẩy dòng chảy của chất xám, nhà tạo mốt liên tục lạm dụng rượu, ma tuý, thuốc ngủ, thuốc giảm đau. Giữ vị trí giám đốc sáng tạo cho cả Dior và thương hiệu cùng tên, John ngồi trên hai ngai vàng cùng một lúc, đồng thời gánh vác tới hai trọng tránh nặng như núi tảng.
Năm 2011, đoạn clip ghi lại cảnh ông xúc phạm cặp vợ chồng Do Thái tại quán bar trong tình trạng không tỉnh táo, đã đánh sập thành luỹ kiên cố được ông xây bằng danh vọng. John bị sa thải khỏi Dior và thương hiệu mang tên ông cũng gần như chẳng còn tồn tại. Cũng có thông tin bên lề cho rằng, cách chi tiêu cho mỗi bộ sưu tập cũng như đường lối thiết kế của ông đã tạo nên những bất đồng không thể xoa dịu với nhà đầu tư. Sự vụ ở quán bar nọ, chỉ là cái cớ để họ "hất cẳng" John.
Làng mốt nổ ra những tranh cãi gay gắt sau sự ra đi của "gã điên". Những kẻ thù ghét hả hê khi vị vua ngã ngựa, còn người yêu thời trang e ngại rằng Dior sẽ chết dần như thời điểm trước khi John Galliano xuất hiện. Năm 2012, Raf Simons nhập cuộc chơi và bắt tay vào công cuộc tái thiết lập chuẩn mực thanh lịch thông qua kho lưu trữ của Christian Dior. Năm 2017, Maria Grazia Chiuri trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm trượng thiết kế của Dior, gây dựng thiết thực và thoải mái trong mỗi thiết kế.
Không có John, những thiết kế của Dior của Raf Simons trở nên thanh lịch hơn, sự cuồng loạn cũng hoàn toàn biến mất
Maria Grazia Chiuri đã tái tạo lại chiếc túi saddle - một di sản cho John Galliano để lại. Nhưng giới mộ điệu công tâm cho rằng, hào quang từ thiết kế tái bản này chẳng còn sáng rõ như bản gốc của chính nó
Mơ mộng, bồng bềnh lơ lửng trong cuộc dạo chơi của những giấc mơ nhưng rồi lại gào thét như hiện thực tàn khốc, các thiết kế dưới thời John Galliano tạo nên dấu mốc vàng son mà không một cái bóng giám đốc sáng tạo nào có thể che phủ
John Galliano đã "sống lại" cùng với thương hiệu mang tên mình. Ông đồng thời nhận vị trí giám đốc sáng tạo của Maison Martin Margiela - một thương hiệu cao cấp được người đời trọng vọng. Với kỹ thuật cắt may, xếp lớp tài tình cùng từng câu chuyện sâu sắc ẩn sau lớp vải, John đã một lần nữa đứng dậy sau vấp ngã. Ông cho công chúng nhận được cơ hội thở phào nhẹ nhõm bởi sau những cuộc "bể dâu", vị vua cuối cùng đã tìm được ngai vàng cho riêng mình.
Ảnh: Dior, Elle, Vogue