Đại dịch COVID-19 liên tục bùng phát trong giai đoạn 2020 - 2021 và chưa có dấu hiệu dừng lại đã gây ra hàng loạt xáo trộn trong cách ngành công nghiệp giải trí vận hành. Các lĩnh vực giải trí online ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trò chơi điện tử.
Bên cạnh việc trực tiếp chơi game thì xem livestream cũng đang là xu hướng hiện nay. Lượng người chơi, khán giả cũng như các nhà sáng tạo nội dung tăng trưởng mạnh mẽ đã khiến hệ sinh thái Game - Creator (Trò chơi điện tử - nhà sáng tạo nội dung) ngày một phát triển và liên kết một cách chặt chẽ với nhau hơn.
Sự bùng nổ của 'làn sóng' Game streaming và các nền tảng mạng xã hội
Có thể nói, livestream và cụ thể là game streaming đang ở giai đoạn cực thịnh. Theo báo cáo của Appota, có đến 80% cộng đồng nhận thấy rằng, họ đã dành nhiều gian hơn để xem các Gaming Creator trong khi dịch bùng phát. Trung bình khán giả dành 3 giờ/ngày chơi và xem các trò chơi eSports, đứng thứ hai chỉ sau thể thao truyền thống (3,4 giờ). 45% khán giả eSport là những fan hâm mộ cuồng nhiệt, tương đương khoảng 9,1 triệu người. Họ tiếp xúc và coi eSports là một hình thức giải trí hàng ngày.
Thị trường Game Streaming tại Việt Nam có thể được xét trên 3 yếu tố cốt lõi chủ đạo bao gồm: Gaming Creator đóng vai trò là những người sáng tạo nội dung gaming, các KOLs dẫn dắt thị trường. Nền tảng livestream đóng vai trò là đơn vị phân phối, truyền tải nội dung từ các Creator đến với khán giả. Cộng đồng Gamers: bao gồm cả những khán giả và người chơi các trò chơi game nói chung và eSports, đóng vai trò người xem stream, đối tượng mục tiêu của Creator và nền tảng livestream.
Nền tảng livestream cho người dùng khả năng phát sóng trực tiếp luồng stream và cho phép khán giả có khả năng tương tác (bình luận, thích, chia sẻ). Những người phát sóng còn được gọi là Creator sẽ phát các nội dung phù hợp với chiến lược của từng nền tảng nhằm mục tiêu thu hút nhiều người xem và lượng tương tác nhất có thể. Độ tuổi các khán giả của các Creator hướng đến chủ yếu là nhóm giới trẻ. Theo khảo sát của Appota, nhóm tuổi chiếm phần lớn là nhóm 18 - 22 tuổi (40,8%), theo sau đó là nhóm 13 - 17 tuổi (35%).
Các nền tảng được ưa chuộng nhất hiện nay được chia làm 2 mảng, stream gaming với các ứng dụng nổi bật như: Facebook Gaming; YouTube Gaming; Nimo TV; Booyah…, non-gaming với các ứng dụng như: Facebook; instagram; tiktok…
Creator tạo ra nguồn thu nhập 'khủng' như thế nào?
Creator được đồn đoán có nguồn thu nhập 'khủng' mỗi tháng liệu có phải sự thật và kiếm tiền bằng cách nào? Theo Emagazine 'Tổng quan Creator Việt Nam' do Appota phát hành, các Creator khi livestream trên các nền tảng ngoài việc nhận được lương stream cố định, có thể nhận được phần doanh thu chia sẻ từ các quảng cáo ad-break chạy trên livestream.
Có đến 40% Creator trả lời rằng, họ đã nhận được doanh thu cộng hưởng từ công việc và danh tiếng từ việc làm Creator. Nguồn doanh thu đó có thể đến từ các hợp đồng quảng cáo, tham gia sự kiện hoặc nguồn thu từ các nhà tài trợ. Điều này cũng thể hiện sự hiệu quả cũng như thể hiện xu thế quảng cáo thông qua các Gaming Creator đang cho thấy hiệu quả cao và được các nhãn hàng ưa thích sử dụng.
Nguồn thu khác có thể kể đến như: Tham dự giải đấu Esport; Merchandise - kinh doanh và đến từ Fan Donate. Ngoài việc chú tâm vào nội dung stream việc xây dựng cộng đồng fan trung thành cũng vô cùng quan trọng. Thông qua việc tương tác và thực hiện các nội dung theo mong muốn của người xem, streamer cũng nhận được những donate từ khán giả như một nguồn thu nhập biến động.
Những rào cản cho ngành Gaming Creator tại Việt Nam
Tuy đã được phổ biến nhưng nghề Gaming Creator mới chỉ thực sự được nhìn nhận đúng đắn trong giới trẻ và những người làm việc trong ngành Gaming và Esports. Một phần do những định kiến chung của xã hội về ngành game nói chung vẫn chưa hoàn toàn tích cực.
Tiếp đến là môi trường cạnh tranh và chi phí đầu tư ban đầu. Sự bùng nổ và phát triển của Internet và Gaming/Esports tại Việt Nam nói chung đã khiến cho sự cạnh tranh trong ngành Gaming Creator ngày một cao hơn, ngày càng có nhiều creator hơn nhưng để tồn tại được trong nghề không hề dễ. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cũng là 1 thách thức lớn khi 1 creator phải bỏ ít nhất 30 - 40 triệu để đầu tư tiền thiết bị, các chi phí sẽ còn phát sinh thêm ở các khoản đầu tư hình ảnh, quảng cáo và marketing cá nhân, đào tạo….
Cuối cùng, vì là một nghề mới phát triển nên tại Việt Nam chưa thực sự có những quy chuẩn về đào tạo và dạy nghề mà các studio, streaming agency phát triển các Creator của mình bằng cách vừa làm vừa học. Để một Creator hiện đạt được sự thành công thì yếu tố khác biệt trong phong cách stream của mỗi Creators và sự sáng tạo trong nội dung đang là yếu tố được đặt nặng hơn cả. Do đó, gần như không có một quy chuẩn nào để làm thước đo phục vụ cho việc đào tạo và định hướng các Creator trẻ.
Tuy vậy, hiện nay cũng có rất nhiều chương trình tuyển dụng và đào tạo trẻ như OTA Plus (thuộc OTA Network), tuyển dụng streamer từ Box Studio, Nimo TV… thế nhưng cách đào tạo giữa các agency chưa thống nhất và phụ thuộc vào nội tại của từng tổ chức, vì vậy nhu cầu tạo ra một quy chuẩn chung về dạy và đào tạo nghề Creator vẫn sẽ là một bài toán cần đặt ra trong tương lai.