Với hàng trăm triệu lượt xem, lượt chơi, hàng ngàn bản hợp đồng được ký cùng các nhãn hàng lớn như Gucci, BMW, Coca Cola và những lần sánh ngang cùng với thể thao truyền thống ở SEA Games Commonwealth Games, có thể khẳng định rằng 2022 là một năm thành công với Esports.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu bộ môn thể thao mới mẻ này có tiếp tục bùng nổ trong 2023?
Đối với những người chưa biết, Esports là tập hợp của nhiều bộ môn thể thao điện tử khác nhau trên toàn thế giới. Những sự kiện lớn, giải đấu thường được tổ chức ở các sân vận động, tường thuật trực tiếp và phủ sóng trên đa dạng nền tảng, bao gồm cả online lẫn truyền hình. Mọi thứ bắt đầu từ khoảng 10 năm trước, đến bây giờ, nền công nghiệp Esports được định giá lên đến gần 2 tỷ USD trong 2025.
Tuy nhiên nhiều khả năng con số trên sẽ trở thành mục tiêu không thể đạt tới trong bối cảnh kinh tế đi xuống hậu Covid-19.
Sau những bước chuyển mình mạnh mẽ, Esports sẽ chững lại
Hầu như mọi tổ chức, tập đoàn lớn trên toàn thế giới đang bước vào thời kỳ “đại cắt giảm”, Esports không phải ngoại lệ. Ở Anh, nhiều cái tên lớn như X7 Esports, Rix đã “bay màu” trong tháng 1/2023. Guild Esports của David Beckham báo lỗ kỷ lục, sa thải quá nửa nhân sự nhưng vẫn đang rất khó khăn.
Nợ lương đang trở thành vấn nạn. Các tổ chức không thể chi trả những khoản phí khổng lồ để vận hành và duy trì. Hàng loạt tuyển thủ, người sáng tạo nội dung lên mạng tố tổ chức chủ quản, BTC giải đấu quỵt tiền thưởng.
Tình cảnh này dự kiến sẽ tiếp tục, trong “thời đại đen tối” của Esports mà nhiều chuyên gia kinh tế nhận định. Họ giải thích rằng các tổ chức đã chi tiêu quá nhiều tiền, hoặc chưa tạo ra được mô hình doanh nghiệp sinh ra lợi nhuận hợp lý. Nhưng trên tất cả, sự đổ vỡ này phần lớn đến từ thực tế, dòng tiền đổ vào Esports đang ngày càng ít đi. Các nhãn hàng đã nhận ra một sự thật tương đối phũ phàng rằng lợi nhuận thu về từ tệp game thủ không cao, bất chấp giá thành để tiếp cận khá rẻ. Và khi kinh doanh không tốt, những khoản đầu tư vào Esports bị cắt giảm là hệ quả tất yếu.
Còn bao nhiêu tổ chức muốn đổ tiền vào Esports khi 'canh bạc' này không béo bở như đã tưởng?
“Esports bây giờ là một ngành công nghiệp toàn cầu chứ không phải một giấc mơ của trẻ em. Các nhà đầu tư quan tâm đến lợi nhuận”, ông Jason Chung, Giáo sư của trường Đại học New York chia sẻ. “Esports như một bản nháp mà họ sẵn sàng từ bỏ, chưa bao giờ nó nhận được sự quan tâm thật sự”.
Đầu năm 2023, BMW tuyên bố họ sẽ không đầu tư vào thể thao điện tử nữa. Đây là một ví dụ điển hình cho khẳng định tệp game thủ không sinh ra lợi nhuận, hoặc lợi nhuận không xứng, bất kể những ấn phẩm họ bắt tay cùng T1, Fnatic tạo ra gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới.
Một ví dụ gần gũi hơn đối với cộng đồng Việt là giải đấu VCS. Trong 2 năm trở lại đây, sân chơi cao nhất bộ môn LMHT này không được các nhãn hàng lớn tài trợ. Điều này khiến trải nghiệm của người xem tụt dốc thê thảm.
Nhiều tổ chức nước ngoài không “gồng gánh” được chi phí quá lớn đã lần lượt rút chân khỏi thị trường, như EVOS Esports. Tổ chức thuần Việt cố lắm cũng chỉ được khoảng một đến hai mùa giải trước khi sang nhượng quyền thi đấu cho đơn vị khác. Buffalo, cái tên gắn liền với quãng thời gian hoàng kim của LMHT Việt Nam nay cũng không còn (mới được một tổ chức Hàn Quốc mua lại).
Thế mới thấy, 2023 sẽ là một năm khó khăn với Esports. Nhiều thay đổi lớn chuẩn bị diễn ra, khi các tổ chức buộc phải thay đổi để tồn tại.
Chúng ta cũng nên ngừng việc coi thể thao điện tử là một ngành công nghiệp mới vì nó đã có 10 năm phát triển. Tất cả cần nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng một hệ thống tài chính ổn định hơn để Esports đáp ứng được những kỳ vọng trong tương lai.