Nỗ lực thích nghi để dạy học trong lòng dịch bệnh. (Nguồn: VTC)
Thông tin thầy A nhiễm Covid-19, cô B bị dính F0 (đó là không thể tính thầy cô là F1 dù mỗi ngày tiếp xúc gần với hàng chục F0 ở lớp) phải ở nhà điều trị vẫn luôn diễn ra vào mỗi buổi đến trường.
Số lượng học sinh bị F0, F1 cứ tăng mỗi ngày. Bé này chưa khỏi, bé khác lại tiếp tục nhiễm và kéo theo dăm bạn đi cùng. Có hôm lớp học chỉ còn hơn chục em. Dù chỉ còn một vài em thì việc duy trì dạy học trực tiếp vẫn được tiến hành.
Một vài thầy cô giáo bị F0 thì đồng nghiệp trong tổ chuyên môn gồng gánh phần việc giúp các thầy cô giáo ấy. Tuy thế, số lượng giáo viên bị nhiễm F0 mỗi ngày tăng dần, buộc nhà trường phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp phối hợp giáo dục, để việc dạy học luôn được duy trì một cách ổn định.
Học sinh bị F ở nhà vẫn có quyền được học. Tuy nhiên, giáo viên bị F0 vẫn phải gắng gượng để dạy online vì đồng nghiệp của mình ở trường đã không thể gánh nổi.
Để không bỏ rơi các em bị F, để học sinh đến trường được học không phải ngồi chơi thì nhà trường, thầy cô giáo đã phải nỗ lực gấp nhiều lần.
Bộn bề với trăm công nghìn việc
Có giáo viên mỗi ngày dạy đến 10 tiết, nói không ra hơi nhưng vẫn phải gắng gượng vì không thể để lớp học thiếu vắng thầy cô.
Buổi sáng rời nhà lúc 6h, tan trường 11h20, nhà gần thì về đến nhà 11h30. Người xa trường hơn cũng gần 12h00. Nếu có người nấu ăn cho, ăn xong cũng đã đến giờ đi với những tiết học buổi chiều bắt đầu từ lúc 12h45 phút và trở về nhà gần 18h00 mỗi ngày.
Nào đâu mỗi việc dạy? Tối về, giáo viên còn phải ôm cả đống hồ sơ sổ sách. Hôm thì chấm bài tập, bài kiểm tra, vào điểm, nhận xét, liên hệ với phụ huynh, lập kế hoạch dạy học, kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ngoài ra, phải thống kê hoàn thành báo cáo này nọ. Rồi học thay sách, tìm hiểu chương trình mới, góp ý thông tư, nghị định, làm khảo sát, viết giải pháp hữu ích, sáng kiến kinh nghiệm.
Đâu phải chỉ mỗi việc dạy? Nào là theo dõi sức khỏe của học sinh để thống kê báo cáo từng ngày. Rồi quét dọn sân trường, xịt khuẩn, lau dọn phòng học, đồ dùng học tập của học sinh mỗi khi xuất hiện F0.
'Không được phép bệnh'
Mệt 'bở hơi tai' nhưng thầy cô vẫn luôn đùa vui nói 'không được phép bệnh' trong giai đoạn này. Một vài đồng nghiệp bệnh còn đỡ, nhiều đồng nghiệp nghỉ bệnh thì mỗi thầy cô còn lại phải dạy học, làm việc gấp hai, ba lần bình thường.
Giáo viên vừa dạy đủ tiêu chuẩn của mình, dạy phần việc do thiếu giáo viên lại phải đảm nhận luôn công việc của đồng nghiệp bị F0.
Có những thầy cô ngày dạy trên trường, tối về còn phải dạy online cho một số học sinh khác. Với những em có tinh thần tự học cao còn đỡ, những học sinh có lực học yếu lại lười học thì việc dạy các em mùa dịch quả thật nan giải.
Dịch bệnh đến là điều không ai mong muốn. Mong dịch bệnh qua mau cũng là niềm mong mỏi của tất cả mọi người. Tuy nhiên, không thể cứ ngồi một chỗ để tránh dịch, để ước mong, cách tốt nhất là phải biết sống thích nghi với dịch bệnh nhưng vẫn bảo vệ được bản thân mình.
Nếu như thời gian đầu, ngành giáo dục có phần thụ động đối phó với dịch bệnh thì hiện nay đã nhanh chóng thích ứng với nó bằng nhiều cách. Học sinh vẫn được đến trường học tập vui chơi, những học sinh bị F vẫn được quan tâm việc học đúng mực để các em không có tâm trạng bị nhà trường, bị chính thầy cô của mình bỏ rơi. Từ đó, các em có thêm động lực cố gắng, phấn đấu trong học tập để đạt kết quả tốt nhất.
*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.