'Thể xác ở đây nhưng tâm trí không ít lần… nhảy cầu'
Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đã và đang khiến nhiều người cảm thấy lo ngại. Nhiều vụ bắt nạt bằng vũ lực cũng như lời nói liên tiếp diễn ra, khiến không ít trẻ lựa chọn những quyết định dại dột, để lại những ảnh hưởng không mấy tốt đẹp đến tương lai bản thân, gia đình, xã hội. Những sự việc này, vốn dĩ xuất phát từ những mâu thuẫn, lí do nhỏ nhặt của tuổi đang phát triển.
Trước đó, vụ một học sinh nam đánh bạn dã man tại Trường THCS Rạng Đông khiến dư luận bức xúc. Ảnh cắt từ video
Trao đổi với phóng viên, em M.H. (14 tuổi, ngụ Hải Dương) cho biết, H. nhận thức được bản thân bị bắt nạt cách đây 1 năm. Thời điểm đó, hậu quả để lại là tâm lý của em trở nên tệ hơn, H. thành một cô bé lúc nào cũng tự ti, sợ hãi.
'Tôi không bị đánh đập, nhưng lại bị một nhóm bạn nữ trong lớp dùng lời nói để hành hạ. Các bạn còn ghi xấu trên bàn học, cửa sổ. Mỗi khi đến lớp, nhìn thấy những lời chửi bới viết khắp trên bản khiến tôi bật khóc ngay tại đó. Đó là những ngày tháng sợ hãi nhất đối với tôi. Tôi sợ việc phải đi học, nhìn mặt những người đã bắt nạt mình', H. kể.
Không dừng lại ở đó, cô gái 16 tuổi còn từng bị bạn nhốt trong phòng học khi đang trực nhật, đến lúc mở cửa chạy ùa ra thì tiếp tục bị các bạn đổ nước lên người.
'Các bạn nói chỉ đùa thôi, nhưng tôi lại không thấy vui chút nào. Tôi có nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm nhưng cô không giải quyết, mà còn trách ngược lại vì tôi làm gì đó thì các bạn mới làm như vậy', cô gái bộc bạch.
Từng là lớp trưởng, H. đành xin từ chức, một phần vì mệt mỏi, phần vì khá thất vọng về phản ứng của cô chủ nhiệm khi em bị bắt nạt.
Dù bằng lời nói hay vũ lực, không học sinh đều trải qua ít nhất một lần bị bắt nạt, cô lập. Ảnh minh họa
'Lúc đó đi học về, tôi chỉ biết chạy ùa lên phòng rồi khóc. Sau một thời gian thì tôi và các bạn làm hòa, trở lại bình thường nhưng những ký ức đó làm sao quên được. Lúc nào tôi cũng sợ hãi, cảm nhận câu chuyện mình bị bạo lực học đường sẽ tái diễn', H. nói.
Đồng cảm với M.H., nữ sinh B.H. (18 tuổi, ngụ Hà Nội) chia sẻ rằng khi vừa lên lớp 9, H. phải chuyển trường nên sợ bản thân sẽ khó kết bạn. Vì là người sống hướng nội, ít nói, sợ giao tiếp, sau một thời gian, H. vô tình bị cô lập và tiếp tục nghe có người bàn tán về mình.
'Ban đầu các bạn nói sau lưng nhưng về sau nói trước mặt tôi luôn. Sau khi chuyển trường khoảng 1 tuần, cộng thêm việc nhiều lúc không hiểu làm sai điều gì, cứ bị mẹ la mắng nên tâm lý hơi bất ổn. Tôi có nói chuyện với mẹ cũng như giáo viên chủ nhiệm nhưng lại không có tác dụng gì', H. tâm sự.
Từ đó, H. dần sợ tới trường, tan học cũng không muốn về nhà. 'Cả hai chỗ đó như địa ngục vậy' – H. thốt lên. Khoảng 1 tháng sau, H. bắt đầu bộc phát, trở nên chống đối lại gia đình và bỏ học. Thấy vậy, gia đình H. cho phép em quay lại trường cũ học, nhưng 'bóng ma' tâm lý lại chưa thôi ám ảnh H., khiến em một lần nữa thu mình với những thứ xung quanh, không có bạn bè thân thiết đến cuối năm cấp 3. Hiện tại, H. đã bắt đầu những tháng đầu tiên của cánh cửa đại học, song câu chuyện lúc trước tiếp tục khiến em không thể kết bạn với ai.
Ngoài ra, em H.N. (13 tuổi, ngụ Hải Dương) cũng chung hoàn cảnh của hai trường hợp trên.
'Các bạn tìm được địa chỉ Facebook của tôi, sau đó không ngừng bình luận mỉa mai. Đau khổ nhất là những lần các bạn thả sâu, phá đồ dùng học tập, hất nước, châm chọc ngoại hình. Nhớ có lần tôi bật khóc trong tiết Ngữ Văn, giáo viên cứ vờ như không nhìn thấy gì. Thật sự đã có một thời gian tâm lý tôi rất tồi tệ, chỉ thấy chán nản và từng có ý định tự tử', N. nói.
Cần sự quan tâm, giúp đỡ
Khảo sát 30 giáo viên (GV), 189 HS tại các trường THPT ngoài công lập ở TP.HCM từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2022, theo SV Lê Hoàng Phúc (Trường ĐH Sư phạm TP. HCM), về các yếu tố chủ quan trong giải quyết vấn đề khi bị bắt nạt học đường, thì 'Lạc quan về các vấn đề bản thân gặp phải trong cuộc sống' và 'Thường xuyên chia sẻ với cha mẹ và người thân' có điểm trung bình thấp nhất (lần lượt là 2.35/4 và 1.76/4).
Ngoài tự trang bị kiến thức giáo dục, kỹ năng sống, các em cũng cần sự đồng hành, sẻ chia từ gia đình, nhà trường. Ảnh minh họa
Nghiên cứu cho thấy rằng, ít học sinh xây dựng được những cảm xúc tích cực trong quá trình đương đầu với vấn đề , cùng với sự khó khăn trong việc chia sẻ, giao tiếp với gia đình, người thân để hỗ trợ các em giải quyết các vấn đề nạn bạo lực tinh thần trên mạng xã hội.
Ở yếu tố khách quan, cụ thể là yếu tố gia đình và nhà trường, 'Gia đình luôn cảm thông với các vấn đề gặp phải' và 'Nhà trường thường tổ chức hướng dẫn các kỹ năng giải quyết vấn đề' là hai biểu hiện có ĐTB cao nhất lần lượt là 1.85/4 và 2.33/4. Đồng thời, 'Cha mẹ thường đánh / la mắng khi làm điều sai' và 'Kịp thời khai báo với nhà trường khi bị bạo lực tinh thần trên mạng xã hội'có ĐTB thấp nhất lần lượt là 1.64/4 và 1.7/4.
Điều này đã cho thấy yếu tố gia đình là yếu tố ít có sự tác động đến biện pháp ứng phó của học sinh trung học phổ thông khi bị bạo lực tinh thần trên mạng xã hội, gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên thái độ-nhận thức và suy nghĩ của các em học sinh, tuy nhiên, đứng trước những biến động về bạo lực tinh thần trên mạng xã hội thì yếu tố gia đình vẫn chưa thể đồng hành, hỗ trợ và tác động đến các em.
Từ số liệu trên, ta có thể thấy, sự kết nối giữa các em học sinh và gia đình (nói chung), và phụ huynh (cha - mẹ, nói riêng) đã không còn đạt ở mức độ kết nối tốt. Trong bài khảo sát, một số học sinh còn cho rằng cha mẹ chẳng những không thể giúp đỡ con cái mà còn làm tăng thêm những biến động, tổn thương về mặt tâm lý cho các em trong quá trình đương đầu với những khó khăn bằng những hành vi như (la mắng, làm quá vấn đề, đổ lỗi cho con cái,…). Nhà trường là yếu tố khách quan có ảnh hưởng nhưng nằm ở mức 'lưỡng lự'.
Từ đó cho thấy, sự tác động của nhà trường thông qua các bài giảng về kỹ năng sống, kỹ năng đương đầu, ứng phó với tình huống cuộc sống đã có sự ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ, hành vi của các em học sinh, song mức độ ảnh hưởng vẫn chưa đạt ở mức tốt, còn nhiều những vấn đề cần nhà trường thay đổi và cải tiến để có thể ảnh hưởng được những điều tích cực nhiều hơn cho các em khi đưa ra biện pháp ứng phó khi bị bạo lực tinh thần trên mạng xã hội.
'Để phòng tránh việc bị bạo lực học đường, học sinh cần xây dựng những nguyên tắc bảo mật riêng cho chính bản thân mình khi tham gia vào các trang mạng xã hội. Việc trau dồi các kỹ năng đương đầu với khó khăn hay những tình huống bất như ý luôn là một trong những kiến thức quan trọng hàng đầu mà các em học sinh cần phải nắm rõ và nâng cao. Ngoài ra, cần chủ động trong việc kêu gọi sự hỗ trợ, trợ giúp từ phía ngoại lực như: chia sẻ những khó khăn với chuyên gia, chia sẻ những khó khăn với gia đình, hay nói với nhà trường bị bạo lực tinh thần trên mạng xã hội', nhóm sinh viên khuyến nghị.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đề xuất thêm rằng phụ huynh có thể tham gia các buổi Workshop về tâm lý trẻ, đọc các loại sách nâng cao, thấu hiểu tâm lý trẻ, đồng thời học cách lắng nghe mà không lên án hay phán xét con cái, học cách quản lý cảm xúc của mình bằng những phương pháp cân bằng như thiền, hít thở sâu, yoga,… Việc cha mẹ lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông cho con sẽ tạo ra cơ hội giúp con cái có thể mở lòng, chia sẻ về những khó khăn con đang gặp phải cũng như cùng con chọn lựa được biện pháp ứng phó phù hợp nhất.
Đồng thời, nhà trường tăng cường các tiết dạy ngoài giờ lên lớp về những kỹ năng phòng chống bạo lực, giảng dạy và cho học sinh thực hành về các kỹ năng đương đầu với khó khăn, tình huống, tổ chức các chuyến đi ngắn hạn thực tế giúp các em nhớ lâu hơn, đồng thời nhà trường luôn luôn phải có các đội ngũ thuộc chuyên viên tham/tư vấn dành cho học sinh nhằm giúp các em có thể bộc lộ ra những khó khăn và tìm ra hướng đi phù hợp cho mình.