Lên sóng vào tối 4/12, chương trình tọa đàm Giải pháp an toàn vệ sinh trường học đã mang đến những giải pháp thiết thực cho bài toán thiếu nhà vệ sinh, điều kiện vệ sinh kém tại nhiều trường học hiện nay. Chương trình có sự tham gia của ông Maharanjan Muthu - Trưởng chương trình vì Sự sống còn và phát triển trẻ em và môi trường, UNICEF Việt Nam, ông Đỗ Mạnh Cường - Chuyên gia Cục Quản lý môi trường y tế, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội, bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Quan hệ Đối ngoại Unilever Việt Nam.
Nỗi ám ảnh của con trẻ từ những nhà vệ sinh trong trường học
Theo báo cáo Vệ sinh học đường của Quỹ Unilever Việt Nam, có đến 97% trẻ em xác nhận tình trạng nhà vệ sinh bẩn trong học đường, 71% bị ảnh hưởng về tâm lý hoặc thể chất. 71% trong số các em không chia sẻ với bố mẹ về vấn đề này mà âm thầm chịu đựng.
Theo số liệu của Cục cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020 cả nước có hơn 180.000 nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, có 57,3% nhà vệ sinh đạt chuẩn, nghĩa là đang còn hơn 103.000 nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Ước tính của UNICEF cho thấy có khoảng 7,7 triệu học sinh chưa có đủ nước và xà phòng ở trường học. Không phải ngẫu nhiên khi có người gọi đó là nỗi ám ảnh mang tên nhà vệ sinh.
Vào năm 2013, ngày 19/11 đã được Liên Hiệp Quốc lựa chọn Ngày Toilet Thế giới. Đây là ngày kêu gọi hỗ trợ và vận động toàn cầu về nhu cầu giải quyết khủng hoảng vệ sinh, đặc biệt đối với các quốc gia có nhà vệ sinh kém, hoặc cơ sở vệ sinh bị ô nhiễm và môi trường phòng vệ sinh không sạch sẽ và an toàn để tuân thủ vệ sinh lành mạnh. Tất cả điều đó nói lên tầm quan trọng của nhà vệ sinh và điều kiện vệ sinh, cải thiện sức khỏe của trẻ em và con người ở khắp nơi trên thế giới.
'Thực ra, vấn đề về vệ sinh và đặc biệt là nhà vệ sinh là điều khó nói nhưng rất nhức nhối ở các trường học, thậm chí tại các thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Những phản ánh từ các em học sinh và chứng kiến điều kiện nhà vệ sinh không được tốt như mùi, rác thải, ngập hoặc tắc, thiếu phương tiện, thiết bị vệ sinh…', bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và quan hệ đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ.
'Thực trạng nhà vệ sinh không đảm bảo thì ở trường chúng tôi không có. Nhưng học sinh của trường chúng tôi có đi học ở trường khác, như các bạn học cấp 2 sẽ chuyển tới trường cấp 3 khác, rồi từ 3 đến đại học cũng được tới nhiều trường khác trên các cả nước. Các con có chia sẻ nhà vệ sinh rất tồi tệ. Từ khóa chúng tôi nhận được từ các con về nhà vệ sinh nơi này nơi kia là ám ảnh, sợ hãi', thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cho biết.
'Có ba lý do để các em không chia sẻ về điều này với phụ huynh. Thứ nhất là việc này vốn dĩ khó nói, vì là chuyện vệ sinh cá nhân. Thứ 2 là điều đó bị coi là bình thường hóa, là điều tất yếu. Thứ 3 là có nói với cha mẹ, thầy cô chăng nữa thì cũng không giải quyết được', thầy Nguyễn Xuân Khang nói tiếp.
Giải pháp và lợi ích của việc đảm bảo vệ sinh ở trường học
Tại điều 2 khoản 1 trong Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT, vệ sinh trong trường học được định nghĩa là các điều kiện để đảm bảo môi trường, cơ sở trang thiết bị dạy học và sinh hoạt cho các em học sinh trong trường. Tất cả các khu vệ sinh đối với học sinh mầm non, tiểu học, THCS và THPT đều có tiêu chuẩn cụ thể về thiết kế và có một lưu ý là trường học phải có chỗ rửa tay với nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
'Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc – quyền cơ bản nhất của trẻ em là được tiếp cận những công trình trẻ em đạt chuẩn. Theo nhiều nghiên cứu trên toàn cầu đã chỉ ra, thiếu điều kiện vệ sinh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ, không đảm bảo nhu cầu vệ sinh, trẻ có thể nghỉ học, từ đó dẫn đến hạ thấp dân trí ở khu vực đó. Hậu quả thứ 2 là ảnh hưởng đến trẻ em gái, đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt ở tuổi dậy thì, những ngày đến chu kỳ các em gặp phải vấn đề về tâm lý trong việc sử dụng nhà vệ sinh và dễ bỏ học khi đến tháng chỉ vì nhà vệ sinh không đảm bảo. Các trẻ em trai chịu ảnh hưởng về thể chất, không đạt chuẩn về chiều cao. Tất cả những hậu quả này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe toàn diện trong tương lai của các thế hệ học sinh Việt Nam', ông Maharanjan Muthu - Trưởng chương trình vì Sự sống còn và phát triển trẻ em và môi trường, UNICEF Việt Nam cho biết.
Ông Maharanjan Muthu - Trưởng chương trình vì Sự sống còn và phát triển trẻ em và môi trường, UNICEF Việt Nam (trái) chia sẻ trong chương trình
'Chúng tôi đề xuất 3 giải pháp. Một là rà soát, lập bản đồ tổng thể hiện trạng các công trình trường học, đặc biệt là điểm trường lẻ để đầu tư một cách phù hợp và hiệu quả. Thứ hai là cần có hướng tiếp cận và can thiệp đa chiều, bao gồm tạo môi trường thuận lợi về chính sách, xây dựng năng lực, lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giám sát chặt chẽ và can thiệp bằng truyền thông thay đổi hành vi. Thứ 3 là về thay đổi hành vi, cần xây dựng chương trình vừa học vừa chơi để vấn đề vệ sinh không còn là chủ đề khô cứng, giúp trẻ dễ tiếp thu, đồng thời kỹ năng của trẻ cũng được nâng cao', ông Maharanjan Muthu phân tích tiếp.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, giải pháp giải quyết vấn đề vệ sinh trong trường học, điều đầu tiên quan tâm là sự đầu tư. 'Vận hành nhà vệ sinh phải có 4 việc thường xuyên, đó là kiểm tra, giám sát thường xuyên, lực lượng làm vệ sinh thường xuyên, phương tiện và vật tư thường xuyên, kinh phí thường xuyên. Tiêu chí nhà vệ sinh trường học dứt khoát phải sáng. Các vị nói nhiều đến trẻ em gái. Đúng thế! Nếu chỗ vệ sinh tối thì bé gái sợ lắm. Sạch, tốt nữa là phải đẹp, hơn chút nữa là phải thơm', thầy Nguyễn Xuân Khang nói.
'Chúng ta phân phối nguồn lực làm sao để ưu tiên đầu tư công trình nhà vệ sinh cho các cháu ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là trường nội trú, con em dân tộc. Điều thứ 2 tôi quan tâm là dù xây dựng mà không có sử dụng, bảo quản tốt hoặc không duy trì được thì nhà vệ sinh vẫn nhanh xuống cấp. Điều đó có liên quan đến truyền thông, truyền thông cho người đứng đầu chính quyền và nhà trường, làm thế nào xây dựng chương trình giáo dục sức khỏe cho các em học sinh, cho thầy cô giáo sử dụng bảo quản nhà vệ sinh đảm bảo…', ông Đỗ Mạnh Cường - Chuyên gia Cục Quản lý môi trường y tế chia sẻ quan điểm.
Từ những ảnh hưởng và hệ lụy như vậy, nhiều dự án xây mới hay cải tạo nhà vệ sinh trên cả nước đã diễn ra. Đó là những cố gắng nhằm cải thiện trường học xanh - sạch - khỏe cho học sinh trên cả nước. Khu vệ sinh sạch đẹp, học sinh vui vẻ thoải mái với nhà vệ sinh mới, từ đó cũng có kiến thức bảo vệ sức khỏe hơn khi có khu rửa tay tốt, giúp các em có thói quen rửa tay nhiều hơn, đảm bảo sức khỏe và tránh bệnh truyền nhiễm.
Không chỉ là câu chuyện của một trường cụ thể, khi các em học sinh có ý thức bảo vệ những khu vực được cải tạo, ý thức bảo vệ lâu dài cũng được rèn luyện. Đây là đức tính tốt không chỉ áp dụng trong nhà trường mà cả ý thức khi các em tham gia nhà vệ sinh công cộng.