Dạy trẻ làm việc nhà
Dạy trẻ làm việc nhà tưởng chừng đó là một việc rất nhỏ nhặt, nhưng ảnh hưởng của nó đến tương lai của một đứa trẻ lại rất lớn.
'Nếu hôm nay con bạn không làm việc nhà, đừng ngạc nhiên nếu sau này chúng gặp khó khăn khi làm việc chung với đồng nghiệp'. Đây là thông điệp của Julie Lythcott-Haims, tác giả cuốn sách: How To Raise An Adult (Tạm dịch: Làm sao để con trưởng thành), đồng thời là cựu sinh viên của Đại học Stanford.
Trong một bài nói chuyện với chương trình TED Talks, Lythcott-Haims nhấn mạnh về sự thay đổi từ một đứa trẻ siêng năng đến một người thành công sau này đều bắt đầu từ làm việc nhà. Khi một đứa trẻ được bố mẹ dạy làm việc nhà, tương lai chúng sẽ trở thành một người biết hợp tác với đồng nghiệp. Khi gặp khó khăn, chúng biết cách giải quyết vấn đề và có xu hướng hoàn thành mọi thứ một cách độc lập.
Dạy con các kỹ năng xã hội
Ảnh minh họa
Nghiên cứu kéo dài 20 năm của ĐH Duke và ĐH bang Pennsylvania chỉ ra đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt thường thành công hơn trong tương lai. 'Những đứa trẻ như vậy có thể hợp tác với người khác mà không cần đến sự nhắc nhở, giúp đỡ, hiểu được cảm xúc của chính mình, tự giải quyết vấn đề. Nhờ đó, họ học hành tốt, kiếm được công việc trước năm 25 tuổi dễ hơn người có kỹ năng xã hội hạn chế', Rachel Gillett và Drake Baer, biên tập viên của Getty Images., viết.
Vậy cha mẹ phải dạy kỹ năng xã hội cho con như thế nào? Hãy cho trẻ sớm được tham gia các môi trường xã hội của mình: nhà trẻ, mẫu giáo... Trẻ sẽ học cách giao tiếp trong một xã hội thu nhỏ của chúng. Cha mẹ cũng ngừng can thiệp quá sâu vào các hành xử của con. Khi thấy con cần giúp đỡ trong một mối quan hệ hoặc một mâu thuẫn, nhiều cha mẹ nhanh chóng 'ra tay xử lý'. Nhưng đó không phải là cách tốt để con bạn học được các kỹ năng giải quyết vấn đề cần thiết của mình.
Dạy trẻ về tinh thần trách nhiệm
Mọi thứ trẻ làm đều phải gắn liền trách nhiệm với bản thân, đây là dấu hiệu của ý thức lớn lên thành một người biết tự lập. Muốn bồi dưỡng cho con tình thần trách nhiệm, trong cuộc sống gia đình, cha mẹ có thể hỏi ý kiến của trẻ về những chuyện diễn ra và hỏi xem trẻ có cách giải quyết gì, nếu cha mẹ lắng nghe những ý kiến của trẻ và áp dụng những ý kiến có giá trị thì trẻ sẽ cảm thấy mình là người có trách nhiệm với gia đình.
Cha mẹ cũng đồng thời không ủng hộ trẻ mách lẻo, cần làm gương và uốn nắn trẻ điều này. Đứa trẻ nào gần như có thói quen 'mách lẻo' với cha mẹ để tìm cách giải quyết. Thay vì đưa ra đáp án ngay, hãy để cho trẻ tự suy nghĩ phương án giải quyết tình huống. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần cân nhắc đến vấn đề an toàn với những ai có hành vi nguy hiểm đối với trẻ.
Dạy trẻ về sự bền bỉ vươn lên
Sự bền bỉ và ý chí vươn lên luôn là phẩm chất cần được nuôi dưỡng vì nó là yếu tố quyết định sự thành công của một con người trong tương lai. Không có cá nhân thành công nào lại không đi lên từ nhiều thất bại. Thất bại chỉ là một trong những bước đệm của thành công.
Để vun đắp điều này, khi trẻ thất bại trong một việc nào đó, cha mẹ nên xem xét kỹ nguyên nhân và khuyến khích, động viên trẻ tiếp tục cố gắng thay vì trách móc hay chê bai.
Cha mẹ nên khơi gợi động lực nội tại của trẻ để chúng hiếu học và vui vẻ học tập. Cho dù học cái gì thì cha mẹ cũng cần khơi gợi hứng thú cho trẻ thì trẻ mới kiên trì được, tuy nhiên nhiều cha mẹ áp đặt nguyện vọng của mình lên trẻ nên làm cho trẻ mất đi hứng thú học tập cũng như sự kiên trì.
Muốn trẻ kiên trì thì bất cứ việc gì cha mẹ cũng phải yêu cầu trẻ làm đến cùng, ví dụ như khi đọc truyện tranh thì trẻ phải đọc hết quyển này mới được sang quyển khác…
Đồng thời cần cho trẻ nếm trải vất vả. Bởi những đứa trẻ lớn lên trong sự bao bọc thì sẽ thiếu nghị lực, do vậy cha mẹ nên để trẻ tự nếm thử vất vả như tự đạp xe đi học hoặc các hoạt động khác trong khả năng và vùng an toàn của trẻ.