Học sinh nghỉ hè ở nhà nhiều, tiếp cận với môi trường mạng Internet là nỗi lo của các bậc phụ huynh năm nay. Ảnh minh họa: Internet
Đau đầu với kỳ nghỉ hè 'đặc biệt' của con
Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố đã chính thức cho học sinh nghỉ hè sớm hơn so với dự kiến để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tiêu biểu như tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã cho phép học sinh nghỉ hè từ ngày 15/5, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng linh hoạt cho các trường có đủ điều kiện sẽ tổ chức thi học kỳ 2 theo hình thức trực tuyến, những trường còn lại sẽ kiểm tra học sinh khi trở lại trường học. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các nhà trường quán triệt một số nội dung trong thời gian học sinh nghỉ hè.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, dịp hè, các nhà trường cần quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm của các lớp về việc phải phổ biến tới 100% gia đình học sinh yêu cầu duy trì nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của Trung ương, TP Hà Nội và thông điệp '5K' của Bộ Y tế. Dù đang là thời gian nghỉ hè, song tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh quản lý, nhắc nhở con chỉ nên ra khỏi nhà khi có việc thật cần thiết; trong trường hợp phải ra khỏi nhà, học sinh cần đeo khẩu trang đúng quy định.
Đối với các bậc phụ huynh, con nghỉ hè sớm, hạn chế ra ngoài cũng là vấn đề khá nan giải. Phụ huynh Nguyễn Văn Trung (ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 6 cho biết: 'Con nghỉ lễ, nghỉ phòng chống dịch bệnh và nghỉ hè tính đến nay là gần 1 tháng mà gia đình tôi cũng khá loay hoay trong quản lý con trong khi con đã bắt đầu chán khi ở nhà quá nhiều. Con ở nhà bố mẹ đi làm, con ở nhà một mình, cũng lo con nghịch ngợm mất an toàn, bên cạnh đó, con cũng dễ chơi game, xem vieo nhảm nhí, độc hại trên mạng vì trong nhà có nhiều thiết bị kết nối Internet'.
'Mọi năm, nghỉ hè là tôi cho con về quê chơi với ông bà một tháng, sau đó đưa lên để học năng khiếu, thể thao, Tiếng Anh và học hè tại trường. Nhưng năm nay, dịch bệnh phức tạp nên con ở nhà, rất hạn chế việc ra ngoài nên cũng khá đau đầu trong chuyện quản lý con sao cho an toàn ở nhà, con không nghịch ngợm các thiết bị điện, nước. Đặc biệt là không ăn quá nhiều, xem tivi, chơi game, nhất là trên mạng giờ nhiều video dành cho trẻ em nhưng nội dung lại rất độc hại', phụ huynh Phương Anh (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.
Để kỳ nghỉ hè 'tại gia' trở nên bổ ích
Chia sẻ tâm trạng với phụ huynh, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng, đây là kỳ nghỉ hè đặc biệt vừa sớm, lại có thể kéo dài do vẫn còn dịch bệnh phức tạp, học sinh được khuyến cáo không ra khỏi nhà. Bài toán cho học sinh có các hoạt động vui chơi, rèn luyện sức khỏe, duy trì học tập để không sa đà vào game, xem các video độc hại, bị lừa đảo qua mạng xã hội… Do đó, đòi hỏi trách nhiệm của cha mẹ với con cái, cần xây dựng một kế hoạch cụ thể với con cái. Giao nhiệm vụ, kế hoạch cho con cái, đó là công việc nhà, vui chơi, giải trí, vận động tại nhà để các con tham gia.
Cũng theo thầy Nguyễn Quốc Bình, trong dịp nghỉ hè, vai trò của nhà trường, giáo viên cũng rất quan trọng. Ví dụ, ở trường Lương Thế Vinh, giáo viên giao cho học sinh một số dự án, bài tập, hoạt động như sử dụng các vật liệu tái chế, vật dụng trong nhà, sử dụng hiệu quả ứng dụng thông minh để hoàn thành bài tập về âm nhạc, mỹ thuật một cách nhẹ nhàng, để học sinh suy nghĩ, hoàn thành bài tập cuối tuần để nộp lại cho giáo viên. Học sinh tập luyện theo các video thể dục… Dù nghỉ hè, có sự gắn kết giữa gia đình, học sinh và nhà trường. Với những trường chưa thi học kỳ 2, đây là điểm thuận lợi để các thầy cô cũng cần giao các bài tập, dự án, nhiệm vụ học tập để học sinh giữ nhịp học tập.
'Nếu không có các hoạt động lành mạnh thì học sinh sẽ tham gia các hoạt động phản cảm, độc hại trên môi trường mạng Internet. Cho nên, nếu như nhà trường chưa có các hoạt động, kế hoạch học tập trong hè, phụ huynh có thể căn cứ vào điều kiện, mức độ phù hợp để tham khảo các khóa học trực tuyến về văn hóa, khoa học, hoạt động thể dục thể thao, nghệ thuật… Học sinh tham gia cũng rất bổ ích, nhất là các khóa học về kỹ năng sống. Dịp hè, cũng là cơ hội tốt để học sinh có thể trải nghiệm, tiếp thu thêm những kiến thức bổ ích từ đời sống, xã hội dù vẫn đang ở nhà', thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ thêm.
Là một phụ huynh, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay những nội dung không lành mạnh, các clip độc hại có nội dung xuyên tạc, kích động... xuất hiện trên không gian mạng, trẻ em có thể trở thành nạn nhân của những clip đó. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với những nhà cung cấp dịch vụ mạng để ngăn chặn, loại bỏ các clip có nội dung không lành mạnh, tiêu cực. Các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, giáo dục con bằng cách chia sẻ với các con, là người đồng hành của con mình trên không gian mạng, từ đó có thể giáo dục con sử dụng mạng xã hội an toàn, bảo vệ con khỏi các nội dung tiêu cực, không lành mạnh. Đây là cách giáo dục gần gũi đem lại hiệu quả, tránh việc áp đặt, cấm đoán.
Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh bức xúc khi nhiều clip trên kênh (trên YouTube) có những nội dung và hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị và rùng rợn. Đáng chú ý, kênh TIMMY TV có đối tượng chính là trẻ em, với trên 140 triệu lượt người xem và hơn 772.000 lượt theo dõi. Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đã có công văn đề nghị Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) có biện pháp ngăn chặn, xóa, gỡ kênh TIMMY TV và xử lý theo pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.