Một giờ học của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Phenikaa.
Từ hào hứng, thích thú đến lo lắng
Những ngày qua, cư dân mạng phát sốt với ChatGPT. Công cụ này cũng trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trải nghiệm ChatGPT, nhiều giáo viên bất ngờ khi ChatGPT chỉ mất 6 phút để soạn một giáo án dài tới gần chục trang với chất lượng khá. Trong khi đó, để có một kết quả tượng tự, giáo viên phải mất 1-2 buổi tư duy và vài giờ làm việc.
Tất nhiên, các bạn trẻ cũng khá hứng thú với sản phẩm trí tuệ nhân tạo này. Tính tiện ích của ChatGPT là trả lời các câu hỏi, thắc mắc của người dùng một cách nhanh chóng và chính xác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ tò mò, thử nghiệm đến kinh ngạc, thích thú, hào hứng là những cảm xúc lần lượt khi các bạn trẻ sử dụng ChatGPT.
Hơn 1 tuần nay, em Trần Kiều Nga - sinh viên Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội ít tương tác với giảng viên hơn, số lần Nga đặt câu hỏi về vấn đề chưa hiểu với giảng viên cũng giảm. Thay vào đó, Nga tăng thời gian tự học cùng ChatGPT. Điều khiến Nga thích thú khi sử dụng ChatGPT là chỉ vài giây, ứng dụng này đã giải đáp thắc mắc mà bản thân chưa hiểu, đưa ra đáp án ở nhiều môn học với kết quả chính xác.
Không chỉ giải được phương trình, ChatGPT còn biết làm thơ, làm văn. Dù có câu hỏi ChatGPT đưa ra kết quả không chính xác nhưng Nga đánh giá: “Ứng dụng này rất thông minh. Xem ChatGPT như người bạn, em có thể hỏi bất kỳ chuyện gì, bất kể thời gian nào. Có những câu trả lời ngô nghê, hài hước khiến em cảm thấy vui và thú vị”.
Về cơ bản, ChatGPT là sản phẩm của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, được xây dựng trên hệ hỏi - đáp. Quá trình phát triển của công nghệ này đã diễn ra vài chục năm nay nhưng sự xuất hiện của ChatGPT tạo ra được nhiều bước đột phá mới. Rõ ràng với những lợi thế như vậy, ChatGPT đang đặt ra nhiều thách thức với nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Riêng đối với giáo dục, gian lận trong học tập, nghiên cứu; sự phụ thuộc quá mức vào trí tuệ nhân tạo; thay thế công việc của người thầy… và nhiều hệ quả khác là những gì ngành giáo dục phải suy ngẫm.
Dù cho rằng ChatGPT có thể là trợ thủ đắc lực của cả giáo viên và học sinh nếu tận dụng đúng cách, đúng mục đích nhưng thầy Ngô Minh Tâm - chuyên gia giáo dục, Chủ nhiệm chương trình quốc tế Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cảnh báo về nguy cơ gian lận, thiếu liêm chính trong học thuật, sự ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên. Đây là mối lo ngại lớn của nhiều nhà giáo dục và các tổ chức giáo dục.
Thay đổi nhận thức, tận dụng công nghệ
Về ChatGPT, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá: “Đây là một cơ hội rất lớn mà chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời. Trước hết là cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại hay hoảng sợ. Cách tốt nhất để hiểu nó chính là dùng nó”.
Nói như Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, vấn đề cần phải bàn là việc sử dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo này trong trường học như thế nào để vừa tận dụng được những lợi thế vừa giảm thiểu những tác động tiêu cực của công nghệ mang lại.
PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nêu quan điểm, việc một số trường, giáo viên cấm sinh viên dùng ChatGPT là bảo thủ. Chuyên gia này dẫn chứng, nhiều sinh viên kỹ năng viết bài luận cuối môn học rất kém, thậm chí nếu để các em tự viết và chấm thẳng tay, khó đạt điểm 5 - mức trung bình. Dù có kiến thức nền nhưng mức độ diễn đạt thành bài luận hoàn chỉnh rất kém.
Tuy nhiên, nếu biết cách sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT thì sinh vên có thể cải thiện bài luận, nội dung phong phú hơn, sáng tạo hơn để đạt được 7 điểm trở lên. 'Kiến thức hoàn toàn của các em, ChatGPT chỉ đóng vai trò diễn đạt, phong phú câu văn, nội dung bài luận. ChatGPT tốt hay xấu là do cách và mục đích sử dụng của người học. Chúng ta nên kỳ vọng đây là công cụ để sinh viên học tốt hơn, làm nền cho sự tiến bộ' - PGS.TS Tạ Hải Tùng cho hay.
Còn PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, cách giải quyết thông minh không phải là tuyệt giao với công nghệ, trở lại với các bài luận viết tay và kiểm tra vấn đáp mà hãy tận dụng sức mạnh của AI cũng như cách mà vài chục năm trước đây chúng ta cho phép học sinh sử dụng máy tính cầm tay vào phòng thi toán hoặc sử dụng Google để tìm thông tin cho các bài luận của họ.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, sống trong kỷ nguyên công nghệ với sự ra đời của các công cụ hỗ trợ AI là một xu thế không thể đảo ngược. Người học cần xác định được chúng ta phải học không vì mục đích điểm số và đối phó với các bài kiểm tra của giáo viên, mà chúng ta phải học để trở thành 'con người hạng nhất, chứ không phải robot hạng hai'. Và giáo viên có thể giúp cho học sinh hiểu hơn về các công cụ AI như ChatGPT để sử dụng nó một cách hiệu quả hơn.
Để giảm thiểu nguy cơ từ ChatGPT, theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), trước mắt chúng ta cần phải có là kỹ năng sử dụng công nghệ. Trong đó, giáo viên và nhà quản lý giáo dục cần phải học cách sử dụng các công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo và ChatGPT, để tận dụng được lợi ích của chúng trong giảng dạy và học tập. Còn học sinh, sinh viên cần được nâng cao tư duy phản biện để có thể phân tích và xác định nguồn thông tin chính xác và hữu ích từ trí tuệ nhân tạo và ChatGPT.
Mặt khác, phía các nhà quản lý giáo dục cần xây dựng mô hình học tập tích hợp. Ngoài ra, việc chuẩn bị các chính sách và quy định cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ tương tự. Điều này sẽ giúp hạn chế các rủi ro về bảo mật thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.