Bùi Thành Việt (sinh năm 2001), hiện là sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao. Thành Việt hiện sở hữu 8.5 IELTS, trong đó kỹ năng Đọc đạt điểm tuyệt đối. Từ kinh nghiệm của bản thân và trong quá trình tham gia giảng dạy IELTS, Việt chỉ ra một số sai lầm thường thấy nhiều người dễ mắc phải.
Ở kỹ năng Nghe – Đọc, theo Việt, việc luyện đề khá quan trọng giúp thí sinh nắm rõ cấu trúc bài thi, luyện áp lực tâm lý và kỹ năng quản lý thời gian. Tuy nhiên, với những bạn chưa nắm rõ các kỹ năng và chiến lược làm bài thì không nên “cày đề” ngay, bởi khi thiếu hụt chiến thuật và kỹ năng làm bài, dù luyện bao nhiêu đề cũng không thể “nâng trình”.
Bùi Thành Việt (sinh năm 2001), hiện là sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao. Thành Việt sở hữu 8.5 IELTS.
Vì thế, cần phải luyện kỹ năng Nghe hiểu – Đọc hiểu trước khi luyện đề. Kỹ năng Nghe hiểu có thể luyện thông qua việc nghe một đoạn ngắn (khoảng 1 phút) và ghi lại từng chữ mà nhân vật nói.
Việc chỉ nghe Youtube hay nghe nhạc US-UK thường xuyên, theo Việt, sẽ không tự nhiên làm tăng điểm IELTS.
“Nếu xem phim hay nghe nhạc, có một câu hát/câu thoại nghe không hiểu, nhưng cứ thế nhắm mắt cho qua thì cũng không cải thiện được tiếng Anh. Điều quan trọng là phải nghe đến khi hiểu thì thôi, như vậy mới có thể tăng được điểm”, Việt nói.
Với kỹ năng Đọc hiểu, 10X cho rằng, cần chủ động đọc mọi lúc, mọi nơi, thông qua một đoạn báo nhỏ hoặc một cuốn sách có cốt truyện dễ đọc.
Tất nhiên, để cải thiện Nghe hiểu hay Đọc hiểu đều cần phải có từ vựng. Vì vậy, khi có bất kỳ từ vựng nào mới, cần ghi lại và ôn tập thường xuyên theo phương pháp Spaced repetition (học lặp lại ngắt quãng).
Trong kỹ năng Nói, theo Việt, nhiều bạn thường cố gắng nói hay về mặt nội dung nhưng không quan tâm đến yếu tố ngôn ngữ. Điều này hoàn toàn sai lầm.
“Kể cả câu chuyện của bạn có chạm trái tim đến đâu, nhưng cách truyền tải tệ (không đa dạng từ vựng, sai ngữ pháp) thì cũng không được đánh giá cao.
Giống như Mat Clark – tác giả cuốn sách IELTS Speaking từng viết, kể cả bạn nói bạn lên Mặt trăng với người bạn cùng lớp ngày hôm qua – vốn siêu hoang đường, thì vẫn được điểm cao nếu trả lời đúng yêu cầu của bài thi. Cho nên, IELTS là bài thi ngôn ngữ, không phải bài thi kiến thức”.
Mặt khác, theo Việt, không phải cứ giọng nói nghe “Tây”, dùng nhiều thành ngữ và nói dài sẽ được điểm cao. Thực tế, trong phần IELTS Speaking không có tiêu chí đánh giá về chất giọng. Điều quan trọng phải dùng từ đúng ngữ cảnh, chuẩn ngữ pháp và phát âm, khiến giám khảo chấm thi dễ dàng tiếp nhận thông điệp.
Tương tự với kỹ năng Viết, suy nghĩ càng dùng từ cao siêu càng gây ấn tượng là sai lầm. Thay vào đó, theo Việt, nên viết cụ thể, tránh vòng vo, tập trung vào sự “sắc bén” trong lập luận. Mỗi câu viết ra cần phải có mục đích, giúp đỡ phát triển luận điểm của câu trước hoặc câu sau.
“Khi viết xong, hãy tự phản biện lại chính mình, xem chỗ nào lập luận chưa chặt chẽ. Việc liên tục đặt câu hỏi 'tại sao' cũng sẽ giúp phát triển các ý sâu sắc hơn”.
Thành Việt cho biết, để nâng điểm IELTS Writing từ 6.0 lên 8.5 sau 4 năm, cậu đã phải viết hơn 500 bài luận khác nhau. Khi áp dụng tư duy phản biện vào bài, điểm số đã được cải thiện vượt bậc.
Kỹ năng làm bài trong phòng thi
Khi đã chuẩn bị vững kiến thức và kỹ năng để “chinh chiến”, theo ThS Lương Ngọc, giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội, chiến thuật làm bài trong phòng thi cũng rất quan trọng, và có nhiều sai lầm thí sinh hay mắc phải.
Cụ thể, ở phần Nghe (kéo dài 40 phút), thí sinh chỉ được nghe một lần duy nhất. Nhiều thí sinh không đọc trước đề thi nên không chủ động xác định được thông tin cần nghe. Do đó, để đạt được tối đa điểm, thí sinh nên tận dụng quãng nghỉ giữa các bài nghe để đọc trước nội dung câu hỏi.
Ngoài ra, việc không gạch chân từ khóa hoặc chỉ nghe từ khóa cũng là sai lầm phổ biến khiến thí sinh bỏ lỡ những nội dung quan trọng.
ThS Lương Ngọc hiện đang là giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội, đạt IELTS 8.5.
Phần thi Đọc (kéo dài 60 phút) vốn được coi là kỹ năng 'gỡ điểm' cho các thí sinh do câu trả lời nằm ngay trong đề thi. Tuy nhiên, ThS Ngọc cho rằng, các thí sinh vẫn mắc sai lầm khi không phân bổ thời gian hợp lý.
Cụ thể, kỹ năng Đọc gồm ba bài đọc dài với độ khó tăng dần, do đó thí sinh không nên chia đều thời gian cho các bài đọc mà nên ưu tiên hơn cho bài đọc cuối cùng và ít thời gian hơn cho bài đọc đầu tiên, có thể với mốc thời gian 15 – 20 – 25 phút tương ứng với ba bài đọc.
Việc đọc kỹ nội dung bài đọc là việc không nên làm do trong khoảng thời gian 60 phút, thí sinh phải trả lời 40 câu hỏi với độ khó cao. Do vậy, thí sinh nên chủ động đọc câu hỏi trước, sau đó tìm nội dung có chứa câu trả lời ở bài đọc.
Các dạng bài trong phần Đọc có độ khó - dễ khác nhau, do đó thí sinh cũng nên ưu tiên làm các dạng bài dễ trước và các bài khó sau thay vì làm lần lượt các câu hỏi để đẩy nhanh được tốc độ làm bài.
Ở phần thi Viết – vốn đòi hỏi lượng kiến thức lớn cùng khả năng viết câu, nắm vững kiến thức ngữ pháp, thí sinh thường dành quá nhiều thời gian cho bài viết số 1 - chỉ chiếm 1/3 tổng điểm bài viết. Với phần thi này, theo ThS Ngọc, thí sinh không nên dành quá 20 phút.
Phần thi Nói thường diễn ra tương đối ngắn, trong khoảng 11 – 15 phút, nhưng giám khảo cần các thí sinh trả lời đủ dài để có thể đánh giá được trình độ của thí sinh.
Nếu thí sinh trả lời quá ngắn, giám khảo sẽ hiểu rằng thí sinh không có khả năng sử dụng ngôn ngữ. Ngược lại, trong một số trường hợp thí sinh có xu hướng nói lan man, dẫn tới không đúng trọng tâm câu hỏi.
Học thuộc câu trả lời, theo ThS Ngọc, cũng là điều tối kỵ và có thể kéo điểm thi của thí sinh xuống thấp. Thực tế, các giám khảo đều là những người có kinh nghiệm, dễ dàng phát hiện khi nào thi sính 'học thuộc', do đó việc thí sinh cần làm là chuẩn bị các ý tưởng thay vì học thuộc các bài mẫu.