'Trẻ con mà, biết gì', là câu 'thần chú' được nhiều phụ huynh dùng để chống chế mỗi khi thấy trẻ phạm một sai lầm nào đấy. Tuy nhiên, quan niệm 'để con lớn rồi dạy' thực chất không đúng chút nào. Ngay từ nhỏ trẻ đã biết tiếp nhận thông tin và bắt chước hành vi của người lớn, từ đó hình thành thói quen tốt hoặc không tốt.
Giáo dục trẻ cũng giống như trồng cây, cây chỉ có thể cao lớn khi được tỉa cành non khi còn nhỏ, nếu cây mọc cong queo sau khi lớn lên thì bạn sẽ rất khó uốn nắn. Giáo sư Lý Mai Cẩn, một chuyên gia tâm lý trẻ em nổi tiếng Trung Quốc nói: 'Một số bậc cha mẹ dễ dàng bỏ qua khi trẻ có hành vi không đúng đắn, nhưng bắt đầu lo lắng, than vãn, đổ lỗi khi mọi chuyện đã đi quá xa'.
Ví dụ, khi trẻ mắc lỗi nghiêm trọng, cha mẹ rất ngại mắng mỏ, về lâu dài trẻ sẽ nghĩ rằng dù mình có làm gì đi chăng nữa thì cũng sẽ có cha mẹ bảo vệ, trẻ lớn lên trong môi trường này sẽ rất dễ mắc sai lầm.
Trên thực tế, trẻ 3-6 tuổi là giai đoạn quan trọng để phát triển tính cách. Lúc này việc giúp trẻ hình thành những thói quen tốt là vô cùng cần thiết, các quy tắc được hình thành càng sớm thì trẻ càng có khả năng lớn lên tử tế.
Theo giáo sư Lý Mai Cẩn: Khi trẻ có 4 hành vi sau đây, cha mẹ phải có cách xử lý mạnh tay, nếu không khi lớn lên sẽ khó sửa.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, chuyên gia tâm lý trẻ em nổi tiếng Trung Quốc.
1. Trẻ gây áp lực hoặc đe dọa để đạt được mục tiêu
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi trẻ đang trong giai đoạn nổi loạn lúc 2 tuổi, nếu không được hướng dẫn cách kiểm soát cảm xúc thì sau khi lên 3 tuổi, trẻ sẽ đưa ra nhiều nhu cầu vô lý với bố mẹ.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ không nên đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của con, biết cách từ chối phù hợp sẽ khiến trẻ ngoan ngoãn hơn.
Ví dụ khi bạn đưa trẻ đến trung tâm thương mại và trẻ muốn một món đồ chơi lớn, nếu bạn không làm hài lòng trẻ, trẻ sẽ khóc và thậm chí lăn lộn trên đất cho đến khi bạn đồng ý. Đây là hành vi điển hình của việc gây áp lực hoặc đe dọa.
Hãy để trẻ khóc và đợi cho đến khi tâm trạng chúng ổn định. (Ảnh minh họa)
Đối mặt với tình huống này, cha mẹ phải có lập trường của mình, không được mềm mỏng đồng tình, có lần thứ nhất sẽ có lần thứ hai. Nếu trẻ cứ quấy khóc, bạn có thể đưa trẻ đến chỗ vắng. Hãy để trẻ khóc và đợi cho đến khi tâm trạng chúng ổn định.
2. Trẻ thường xuyên nói dối
Thông thường trẻ em nói dối có thể do vô tình, nhưng cũng có khi chúng cố tình nói dối mặc dù trẻ biết nói thế là không đúng, không phải nhưng vẫn cứ nói sai sự thật. Nếu cha mẹ làm ngơ, sẽ rất có hại cho việc hình thành tính cách cũng như cuộc sống sau này của trẻ. Điều này khiến con không có bạn tốt, lớn lên sẽ gặp chướng ngại khắp nơi khi bước vào xã hội, chỉ biết sống dưới sự bảo bọc của gia đình.
Khi phát hiện trẻ có biểu hiện này, cha mẹ cần tìm hiểu tại sao trẻ lại nói như vậy và yêu cầu trẻ sửa sai ngay, không được tiếp tục nói sai sự thật dù là chuyện nhỏ nhất. Cần dạy trẻ luôn phải trung thực trong mọi chuyện và nhất là không được nói dối người lớn bất kỳ chuyện gì. Nghiêm túc với con rằng nếu còn tiếp tục nói sai sự thật, sẽ không ai tin trẻ nữa và mọi người sẽ xa lánh con vì tật hay nói dối. Nên khen ngợi khi trẻ dũng cảm thừa nhận cái sai của mình.
3. Trẻ không tôn trọng người khác
Cha mẹ nên cho trẻ hiểu ngay từ nhỏ rằng chỉ khi bạn tôn trọng người khác thì người khác mới tôn trọng mình.
Ngày nay, nhiều trẻ có thói quen không tôn trọng người lớn tuổi, không chỉ quát mắng mà thậm chí còn đánh cha mẹ, nguyên nhân sâu xa là do được chiều chuộng quá mức. Khi gặp tình huống này cha mẹ phải kịp thời uốn nắn. Nếu không, đứa trẻ chắc chắn sẽ phải chịu thiệt thòi trong tương lai.
Để dạy trẻ tôn trọng người khác, trước tiên bạn cần giữ bình tĩnh, kiểm soát tình hình. (Ảnh minh họa)
Nhiều tình huống trẻ thiếu tôn trọng người khác vì chưa nắm rõ các yêu cầu hoặc chưa được hướng dẫn. Đó là lúc phụ huynh cần dạy bảo con cái nhưng việc giáo dục sẽ không thành công nếu cha mẹ cáu giận, la hét.
Để dạy trẻ tôn trọng người khác, trước tiên bạn cần giữ bình tĩnh, kiểm soát tình hình. Đây cũng là hành động thể hiện bạn đang tôn trọng con. Sau đó, hãy cân nhắc hành vi của con là cố tình hay vô ý và từ đó đưa ra lời bảo ban cụ thể.
Phụ huynh hãy hướng dẫn con tôn trọng người khác bằng cách làm gương. Đầu tiên, bạn nên tôn trọng trẻ, không phải bằng cách xưng hô trang trọng hay cúi chào. Bạn chỉ cần đối xử với con như cách đối xử với những người trưởng thành khác.
4. Trẻ không có quy tắc
Nuôi dạy tích cực là giúp con phát triển tính tự giác, tuân thủ quy tắc, cha mẹ nên hình thành thói quen tuân thủ các quy tắc trước khi trẻ lên 6 tuổi. Ví dụ khi ra ngoài gặp người lớn tuổi phải chào hỏi; được giúp đỡ phải biết cảm ơn; không được ngắt lời người lớn; không nhảy nhót làm ồn khi người khác cần nghỉ ngơi…
Luôn có lý do cho những hành vi không tuân theo quy tắc, kỷ luật của con. Trước khi cáu gắt hoặc xử phạt, phụ huynh hãy để con giải thích hành động đó. Nếu bố mẹ có thể hiểu lý do, con sẽ thấy được đồng cảm. Tuy nhiên, dù chia sẻ và thấu hiểu, phụ huynh vẫn cần nhắc nhở con không tái phạm.
Nuôi dạy tích cực là giúp con phát triển tính tự giác, tuân thủ quy tắc. (Ảnh minh họa)
Trong suốt quá trình này, cha mẹ phải làm gương cho con cái. Duy trì và tuân thủ việc làm gương tương đối khó khăn cho bố mẹ, nhất là khi đối mặt với cuộc sống bận rộn. Nhưng để con tuân thủ quy tắc, bố mẹ cũng cần làm điều tương tự.
Chúng ta thường nói rằng cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Việc đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn giáo dục chúng những năm đầu đời. Đừng xem thường những thói quen xấu của con, thay vào đó quan tâm và dạy con từ nhỏ để tránh những tật hư khó kiểm soát sau này.