Và đáng nói, tình trạng điểm chuẩn “ảo” lại tái diễn khi một số trường địa phương có đào tạo ngành sư phạm đẩy điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh.
Thí sinh trúng tuyển nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM
Quy định điểm sàn không rõ ràng
Năm nay là năm thứ hai Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho khối ngành sư phạm và năm đầu tiên với khối ngành sức khỏe. Tuy nhiên, quy định về điểm sàn chưa rõ ràng nên nhiều thí sinh không hiểu vì sao bị rớt.
Bà T.T.T.T, ngụ 63 Trần Nguyên Hãn, phường An Mỹ, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) có con trai là Đ.V.T. thi môn Ngữ văn đạt 5,5 điểm và nguyện vọng (NV)1 đăng ký vào ngành Sư phạm Âm nhạc (tổ hợp N01) Trường ĐH Sài Gòn với kết quả thi 2 môn năng khiếu, mỗi môn đều 8 điểm. Tổng cộng 3 môn em đạt 21,5 điểm. Điểm chuẩn Trường ĐH Sài Gòn công bố ngành này chỉ có 18 điểm, nhưng T. không có tên trong danh sách trúng tuyển.
Sau đó, phụ huynh này liên hệ nhà trường và được giải thích ngành Sư phạm Âm nhạc đang bị lỗi kỹ thuật nên hẹn tra cứu lại. Ngày 10-8, chuyên viên phòng đào tạo nhà trường trả lời: cháu thiếu điểm môn Ngữ văn theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn ngành Sư phạm hệ ĐH là 18 điểm). Đó là môn Ngữ văn theo quy định trong phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT là Văn + 1/3 điểm ưu tiên (nếu có) = 6 điểm.
Phụ huynh và trường cũng khẳng định, công thức này chưa hề công bố cho thí sinh và trường biết. Nếu Bộ GD-ĐT quy định rõ điều này ngay từ khi công bố điểm thì thí sinh đã chuyển hướng chứ không bị kết quả rớt đáng tiếc như vậy.
Phản ứng của phụ huynh em T. là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, điểm sàn mà Bộ GD-ĐT quy định 18 điểm cho mỗi tổ hợp xét tuyển 3 môn thi (không có môn nào bị 1 điểm trở xuống - điểm liệt), chứ bộ không hề quy định mỗi môn thi phải 6 điểm.
Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cũng không nói rõ những ngành Sư phạm có kết hợp điểm thi THPT quốc gia và các môn năng khiếu thì điểm thi THPT quốc gia của từng môn phải đạt bao nhiêu điểm. Điều mà phụ huynh và nhà trường bất ngờ là bộ tự áp dụng điều kiện này vào phần mềm xét tuyển, nên cả trường và thí sinh đều không hiểu sao dư điểm vẫn không trúng tuyển (!?).
Thiếu điểm vẫn đậu, đủ điểm lại rớt
Trường hợp hy hữu trên xảy ra đối với thí sinh Đ.T.T. (hộ khẩu tỉnh Tây Ninh, học THPT tại TPHCM) có điểm thi THPT quốc gia năm nay các môn như sau: Toán 7,6; Ngữ văn 4,75; Vật lý 7,25; Hóa học 7,25; Sinh học 4,25; Khoa học tự nhiên 6,25 và tiếng Anh 7 điểm.
T. đăng ký xét tuyển NV1 vào ngành Biên phòng của Học viện Biên phòng bằng tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) với số điểm 21,85 (không có điểm ưu tiên khu vực và đối tượng). Ngoài ra, thí sinh này còn đăng ký 5 NV khác vào Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) bằng tổ hợp A00 (22,1 điểm) và A01 (21,85 điểm).
Cụ thể: NV2 tổ hợp A01 ngành Luật dân sự, NV3 tổ hợp A01 ngành Luật dân sự chất lượng cao, NV4 tổ hợp A00 Luật dân sự, NV5 tổ hợp A00 Luật dân sự chất lượng cao và NV7 tổ hợp A00 ngành Kinh tế và Quản lý công chất lượng cao.
Ngày 8-8, Học viện Biên phòng công bố điểm trúng tuyển và ngành Biên phòng điểm chuẩn dành cho thí sinh Quân khu 7 khối A01 là 22,65. Vì vậy T. không trúng tuyển vì chỉ đạt 21,85.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật khi công bố điểm chuẩn thì thí sinh này đủ điểm trúng tuyển ở NV3 vào ngành Luật dân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, T. không thấy tên mình trong danh sách thí sinh trúng tuyển của trường này.
Theo Trường ĐH Kinh tế - Luật, trước phản ánh của thí sinh, trường đã kiểm tra hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và thấy T. đã trúng tuyển NV1 vào Học viện Biên phòng. Vì đã trúng tuyển ở NV cao hơn nên thí sinh này không được xét trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Tìm cách đánh rớt thí sinh
Câu chuyện năm 2018 lại tái diễn khi các trường tìm cách đánh rớt thí sinh do không đủ số lượng để mở lớp. Vì quá ít thí sinh trúng tuyển, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TPHCM lấy điểm chuẩn rất cao ngành Công nghệ sau thu hoạch và Công nghệ kỹ thuật xây dựng để thí sinh không trúng tuyển. Theo đó, điểm chuẩn ngành Công nghệ sau thu hoạch là 22 điểm, ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng 20 điểm.
Các ngành khác lấy mức điểm chuẩn là 14. Đại diện nhà trường giải thích, việc lấy điểm chuẩn cao như vậy là vì quá ít thí sinh đăng ký nên nhà trường lấy điểm cao để thí sinh không trúng tuyển và đi đăng ký ở trường khác.
Cụ thể, ngành Công nghệ sau thu hoạch chỉ có 2 thí sinh đăng ký xét tuyển, ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng chỉ có 1 thí sinh xét tuyển. Nếu lấy điểm chuẩn thấp, thí sinh trúng tuyển chỉ có 1 - 2 em, không đủ để mở lớp.
Trường ĐH Đồng Nai có 1.806 thí sinh trúng tuyển vào 14 ngành ĐH, nhưng có 4 ngành (mỗi ngành 40 chỉ tiêu) không thí sinh nào trúng tuyển gồm: Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử, Quản lý đất đai. Trong khi đó, những ngành sư phạm khác có điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT (18 điểm) hoặc nhỉnh hơn chút xíu là 18,5 điểm.
Các ngành ngoài sư phạm điểm chuẩn chỉ từ 15 - 16 điểm. Trao đổi về hiện tượng này, Hội đồng tuyển sinh nhà trường cho rằng, có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển nên trường phải chủ động tăng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh vì nhà trường không thể mở lớp, tổ chức đào tạo.