Cô Phạm Thị Tâm - giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng - Trường mầm non Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã khiến nhiều người vô cùng cảm phục khi tình nguyện xin ở lại vùng khó để đồng hành với những học sinh người dân tộc Ba Na suốt 5 năm nay.
Cô giáo Phạm Thị Tâm
Cô Tâm trải lòng với infonet: “Tôi còn nhớ như in năm 2000, tôi từ Thái Bình theo anh trai vào Phú Yên sinh sống. Khi đó, tôi đăng ký thi tuyển sinh vào trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Phú Yên và đạt điểm thủ khoa ngành Văn-Sử.
Tuy nhiên, may mắn chưa mỉm cười, dù tôi đạt điểm đầu vào rất cao nhưng vẫn phải bỏ dở việc học vì lúc ấy theo quy định, sinh viên theo học trường Cao đẳng sư phạm phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương 3 năm trở lên.
Nhận được thông tin ấy cũng buồn và hụt hẫng nhưng tôi không từ bỏ vì làm giáo viên là ước mơ từ ngày tôi còn nhỏ.
Vậy là tôi bắt đầu lại từ đầu, đăng ký thi tuyển vào Cao đẳng sư phạm mầm non Trung ương 2 Nha Trang”, cô Tâm kể.
Cô Tâm trong buổi nhận danh hiệu 400 nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc được Bộ GD-ĐT tuyên dương, đường cô Tâm đến trường
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mầm non Trung ương 2 Nha Trang cô Tâm được phân công công tác ở vùng thuận lợi của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đến năm 2018, để chia sẻ khó khăn với giáo viên ở những vùng khó khăn trong huyện, cô Tâm được tăng cường đến Trường Mầm non Phú Mỡ - ngôi trường thuộc xã vùng cao khó khăn nhất tỉnh Phú Yên.
Học sinh của cô giáo Tâm, 100% là con em đồng bào Ba Na, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ chủ yếu làm nương rẫy vì thế nên cô Tâm càng thương các em hơn, hàng ngày động viên các em đến trường học để có một tương lai tươi sáng.
“Sau khi hết 1 năm được phân công công tác đi luân phiên đi tăng cường tại các trường có điều kiện khó khăn thì tôi trong diện được trở lại trường cũ. Nhưng vì thấy đồng bào người Ba Na khổ quá, những em học sinh thương quá nên tôi xin ở lại gắn bó lâu dài với ngôi trường khó khăn nhất của tỉnh”, cô Tâm kể.
Học sinh lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng
Sinh đôi hai con gái, việc chăm sóc con cô giáo mầm non này cũng không thể làm trọn vẹn vì ở trên điểm trường một tuần hay nửa tháng mới được về nhà.
“Cũng may gia đình thấu hiểu với công việc tôi đang làm nên cũng ủng hộ, vì thế tôi dường như có thêm động lực để gắn bó với học sinh vùng khó.
Đường đến trường rất nguy hiểm, đường núi dốc cao, mùa mưa xe máy phải trang bị thêm bánh xích vào bánh xe thì mới đi được. Mỗi lần đi lại là trượt ngã xe tới vài lượt, mỗi lần leo dốc là nín thở và chỉ khi lên tới trường mới thở phào nhẹ nhõm. Mới có 3 tháng đi lại mà xe bể hết gương, còn hai đầu ngón chân cái bị chà xát, thay tróc vài lớp da nhưng tôi vẫn chưa từng có ý nghĩ vì khó khăn mà bỏ học sinh ở lại”, cô Tâm nói.
Mỗi lần từ nhà đến trường là cô lại tranh thủ mang ít quần áo cũ, xe đạp cũ xin được mạnh thường quân để cho học sinh
Dạy học trên vùng cô Tâm công tác thì vất vả gấp nhiều lần dưới xuôi vì các em ít rành tiếng Việt, ít được quan tâm bởi mẹ cha mải làm nương rẫy. Giáo viên vừa tận tụy dạy dỗ vừa vận động học sinh đến lớp đông đủ.
Những ngày mưa bão cúp điện, giữa núi rừng hoang vu xe hỏng cô Tâm phải cắn răng xách từng can nước về dùng...
Cho đến giờ, điều khiến cô giáo Tâm thấy hạnh phúc và may mắn nhất là được bà con dân bản quý mến, tin tưởng và nghe theo nên một số hủ tục lạc hậu bớt dần, các em học sinh đến trường rất đầy đủ, thậm chí các em còn vui vẻ, hạnh phúc khi được đến trường chứ không cần phải vận động mới đế .
Nói về thu nhập từ nghề giáo, cô Tâm cho biết, với 17 năm trong nghề, mức lương mà cô được hưởng dưới 10 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập này đúng là chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cùng chi phí xăng xe, điện thoại hàng tháng. Để có tích lũy và cải thiện cuộc sống, cô Tâm phải buôn bán thêm những đặc sản của địa phương như mật ong, gạo… Và cô cũng chẳng ngần ngại khi chia sẻ công việc mình làm thêm mỗi ngày để có thu nhập.
“Tôi chẳng ngại ngần khi bán thêm gạo, mật ong để có thêm thu nhập cho cuộc sống vì quanh tôi, tôi biết có nhiều đồng nghiệp cũng phải buôn bán thêm trái cây, có cô phải đi làm MC đám cưới, buôn bò, buôn xe máy… cứ nghề gì chân chính và có thể cải thiện thêm thu nhập thì giáo viên chúng tôi cũng phải làm”, cô Tâm chia sẻ.
Đúng là nếu không vì 2 chữ “yêu nghề”, không vì tình làng nghĩa bản, tình thương yêu dành cho bà con nơi ấy thì mấy ai nguyện gắn bó như cô Tâm.
Ảnh: NVCC