Dư luận nhiều chiều
Đề thi chọn HSG lớp 10, năm học 2022-2023 của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.
Chiều 17/3, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức Kỳ thi chọn HSG tỉnh lớp 10 năm học 2022 - 2023 với hơn 1.200 thí sinh tham dự.
Đọc đề thi môn Ngữ Văn, dư luận ở Hà Tĩnh đã chia sẻ nhiều ý kiến trái chiều.
Đề thi xung quanh bài thơ “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo, bài thơ đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát “Một dại khờ một tôi”.
Chia cho em một đời tôi/một cay đắng/một niềm vui/một buồn/tôi còn cái xác không hồn/cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/chia cho em một đời say/một cây si/với một cây bồ đề/tôi còn đâu nữa đam mê/trời chang chang nắng tôi về héo khô/chia cho em một đời Thơ/một lênh đênh/một dại khờ/một tôi/chỉ còn cỏ mọc bên trời/một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm...
Phần nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận để trả lời câu hỏi: Phải chăng sống hết mình với tất cả những gì mình có là cách thức để con người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thanh an vui hạnh phúc?
Câu nghị luận văn học, đề thi viết: Thơ hay tựa như người con gái đẹp, ở góc nhìn nào người ta cũng có thể phát hiện ra những vẻ đẹp riêng. Bằng góc nhìn của mình, anh/chị hãy phân tích bài thơ Chia của Nguyễn Trọng Tạo; từ đó bình luận về ý kiến trên.
Ngay khi đọc đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 10, có nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh xung quanh đề thi độc đáo này, nhưng đa phần là tích cực.
Ảnh chụp màn hình Facebook cô Quỳnh Giang.
Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang, giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh): Đâu đó sẽ có người bảo bài thơ Chia quá “lớn” so với học trò. Theo tôi, bài thơ rất “lớn”, nhưng hoàn toàn không lớn với học trò. Vì sao? Vì yêu cầu của đề chỉ là bằng góc nhìn của mình (góc nhìn của chính học trò) để phân tích, hướng đến làm rõ vẻ đẹp riêng của bài thơ.
Thêm nữa, thơ hay không bao giờ có điểm cuối trong giới hạn tiếp nhận, học sinh chỉ cần thể hiện được cách đọc riêng trong giới hạn tiếp nhận của mình là đủ.
Từ đề thi HSG này, cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang cũng định hướng đến cách bồi dưỡng HSG: “Chúng ta hướng tới mục đích của việc dạy một bài thơ không nên chỉ dừng lại ở việc phân tích cái hay, cái đẹp của riêng bài thơ ấy mà quan trọng hơn là trang bị cho học sinh “chìa khóa” để học sinh tự “mở cửa” mọi bài thơ” - cô Giang nói.
Đối với học sinh, suy nghĩ và cảm nhận của các em về đề thi cũng rất tích cực. Em Phan Tấn Bảo, lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, cho biết: Em thấy đây là đề thi hay cho HSG.
Đọc câu nghị luận văn học, ban đầu sẽ cảm thấy đề hơi “già” nhưng vì yêu cầu của đề là “từ góc nhìn nào người ta cũng phát hiện ra vẻ đẹp riêng” nên học sinh chứng minh nhận định đó từ góc nhìn của mình, có thể thoải mái tự do sáng tạo, bộc lộ được cá tính, năng lực cảm thụ văn chương và chiều sâu lý luận của mình.
“Dạng đề này em đã gặp nhưng đây là bài thơ mới nên bộc lộ được cá tính, khả năng viết của em, em viết tự do, bay bổng hơn”, em Phan Tấn Bảo chia sẻ.
Ảnh chụp màn hình Facebook Hồ Minh Thông.
Cô Hồ Minh Thông, chuyên viên Ngữ Văn, Phòng GD&ĐT Thành phố Hà Tĩnh cho biết, sau khi kỳ thi kết thúc, qua theo dõi cho thấy có nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội, có khen, có chê. Tuy nhiên, phần lớn là khen, họ khen về sự đổi mới, sự sáng tạo của đề thi. Chỉ có một số ít cho rằng đề thi hơi khó so với học sinh lớp 10.
Cô Thông cho rằng, đề thi HSG năm nay đã mở ra một hướng đi mới cho đề thi HSG ở Hà Tĩnh.
Theo cô Thông, việc ra đề thi HSG lớp 10 năm học 2022-2023 là một thử thách lớn vì đây là năm đầu tiên dạy và học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Còn chương trình mới, yêu cầu phải lấy ngữ liệu mới hoàn toàn ngoài sách giáo khoa vì vậy thầy cô dạy phương pháp cho trò chứ không phải dạy nội dung cụ thể về tác phẩm.
Còn với chương trình mới, đề thi mới này, học sinh thoải mái sáng tạo trên những ngữ liệu mới mẻ. Về bài thơ Chia, nếu chỉ đọc ngữ liệu, một số người sẽ cho là hơi “nặng đô”, hơi “già”, đòi hỏi người làm bài phải trải nghiệm, va vấp trong cuộc sống.
Nhưng, nếu đọc rõ lệnh đề thì người ra đề chỉ yêu cầu 1 khía cạnh, cái hay của đề là lẩy ra 1 vấn đề từ góc nhìn của học sinh lớp 10. Kể cả câu nghị luận xã hội cũng xuất phát từ góc nhìn của học sinh.
“Đề này tôi đánh giá cao ở việc chọn ngữ liệu hay, vấn đề đặt ra trong đề rất hợp lý, giàu chất văn nhưng đồng thời rất gần gũi. Tư duy ra đề của năm nay là sự mới mẻ, vượt qua mọi khuôn khổ đã lỗi thời. Đề trước đây rất khó phân hóa nhưng với đề này tôi có thể khẳng định sẽ tìm ra được học sinh giỏi thật sự”, cô Hồ Minh Thông nhấn mạnh.
Cũng theo cô Thông, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và từ đề thi này bắt buộc giáo viên phải thay đổi, phải chuyển mình, thay đổi cách dạy, phải khơi gợi cho học sinh khát khao tìm kiếm tri thức đầy sự tự do, đầy sự hứng khởi cho học sinh chứ không được áp đặt như trước đây nữa.
Trả lời câu hỏi của PV, liệu đề thi có làm khó cho người chấm thi? Cô Thông thẳng thắn trả lời: “Không hề. Tôi chưa đọc đáp án nhưng đề này là đề mở, họ sẽ dễ dàng tìm được học sinh giỏi. Đáp án càng khép càng khó khăn cho người chấm. Đáp án càng mở càng dễ dàng cho người chấm”.
Đột phá của một đề thi
Qua tìm hiểu và trao đổi với một số chuyên gia, giáo viên, nhà quản lý giáo dục xung quanh đề thi HSG môn Ngữ Văn lớp 10, năm học 2022-2023 của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, chúng tôi ghi nhận cảm nhận chung của mọi người là sự ấn tượng và hứng thú. Bởi hiện nay, trên cả nước chưa có nhiều đề văn theo lối mở, mới, gắn với hơi thở cuộc sống mà vẫn đảm bảo tính thẩm mĩ như đề văn này.
Đa phần các ý kiến trên mạng xã hội khen đề thi hay.
Có thể rút ra được các vấn đề chính xung quanh dư luận của đề thi đặc biệt này như sau:
Thứ nhất, đây là một đề văn theo hướng mở, mới, độc đáo so với lối ra đề chúng ta thường thấy lâu nay.
Thứ hai, đề thế này sẽ loại bỏ hoàn toàn lối học thuộc, học tủ theo văn mẫu, kích thích được hứng thú và sự sáng tạo của học sinh.
Thứ 3, đề không theo hướng kiểm tra kiến thức hàn lâm mà hoàn toàn theo hướng kiểm tra tổng thể các năng lực của học sinh: Năng lực đọc hiểu, năng lực tạo lập văn bản nghị luận, năng lực vận dụng kiến thức và kỹ năng, năng lực sáng tạo,...
Thứ 4, nói đến văn chương thì phải nghĩ ngay rằng đó là một bộ môn nghệ thuật, đề văn này đảm bảo tính thẩm mĩ cả về nội dung và hình thức. Đối với học sinh giỏi, các em sẽ rất hứng thú với đề văn này.
Thứ 5, độ khó của đề là vấn đề nhiều người quan tâm. Những người theo lối tư duy cũ, học theo lối tầm chương trích cú, rợp khuôn theo văn mẫu sẽ cho rằng đề khó. Tất nhiên, với học sinh giỏi môn Ngữ Văn thì đây là lối đề giúp các em thỏa sức sáng tạo trong phạm vi yêu cầu của đề. Ngoài ra, nếu để ý thật kỹ vào câu lệnh của đề sẽ thấy đề hoàn toàn không vượt sức học trò.
Có người còn ngẫu hứng sáng tác thơ sau khi đọc đề thi.
Năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 trên toàn quốc được học theo sách giáo khoa mới, việc đổi mới đề thi là điều tất yếu phải làm trong bối cảnh này. Đề văn của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho thấy ngành giáo dục tỉnh này đã dám đổi mới và đổi mới một cách độc đáo, đầy tính sáng tạo.
Điểm mới dễ nhận thấy nhất là cấu trúc đề. Đề dù vẫn có hai bài tập nghị luận văn học và nghị luận xã hội, nhưng không theo hướng cũ mà theo hướng tích hợp trong một ngữ liệu.
Điểm mới thứ hai là cách đặt yêu cầu của các bài tập. Các bài tập đều theo hướng mở, kéo văn chương gần lại với đời sống hơn, và điều quan trọng là tạo điều kiện cho học sinh được thể hiện quan điểm, năng lực sáng tạo của mình chứ không áp đặt.
Điểm mới tiếp theo là ngữ liệu đề hoàn toàn không có trong bộ sách giáo khoa nào, đảm bảo tính công bằng cho mọi đối tượng học sinh. Bài thơ được chọn làm ngữ liệu ngắn gọn, không quá khó đọc nếu học sinh đã được trang bị kỹ năng đọc hiểu.
Với sách giáo khoa mới, yêu cầu dạy học mới, việc đổi mới đề thi là điều tất yếu.