Đề thi Vật lý học kỳ I năm học 2020 – 2021 của Trường THPT Nguyễn Du được học sinh thích thú khi lồng ghép chủ đề Noel. Ảnh: H.T.P
Đề thi học sinh giỏi… khó nhằn
Sáng 25/12, kỳ thi chọn Học sinh Giỏi Quốc gia năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức đã chính thức diễn ra với 12 môn thi. Trong các môn thi, môn Ngữ văn thu hút 489 thí sinh tham dự. Các thí sinh phải hoàn thành bài thi tự luận gồm 1 câu Nghị luận xã hội và 1 câu Nghị luận văn học trong tổng thời gian 180 phút. Số điểm cho toàn bài thi là 20 điểm. Đây là môn thi tự luận được quan tâm bởi đề thi các năm thường có yếu tố khó và mới lạ. Kết thúc môn thi Ngữ văn, theo chia sẻ của nhiều học sinh và giáo viên, đề Ngữ văn năm nay rất khó và đòi hỏi thí sinh có những liên hệ tới các kiến thức xã hội.
Nhận định về đề thi Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên Giáo viên Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng, đề Văn năm nay hay thì thật là hay, nhưng xem ra vẫn là thử thách với không ít học trò và oái oăm là những thử thách có thể nằm ngoài văn chương. Cụ thể, nhìn tổng thể, đề thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2020 - 2021 có một 'tứ' hay: Câu nghị luận xã hội khẳng định vai trò sâu xa, cội nguồn, gốc rễ của các giá trị (đặc biệt là giá trị văn hóa, tinh thần) thuộc về dân tộc; Câu nghị luận văn học đặt ra vấn đề về giá trị phổ quát lớn lao mang tầm nhân loại của văn chương.
TS Thu Tuyết phân tích, điều tôi hơi gợn trong câu nghị luận xã hội chính là cách diễn đạt khá 'nghệ sĩ' của Xuân Diệu ở cụm từ: '… đứng vào dân tộc' - đây cũng là chi tiết chúng ta nên quan tâm khi chọn ngữ liệu bàn luận. Đối với câu Nghị luận văn học, Vấn đề đặt ra trong đề bài là hay, là muôn đời, nhưng học trò cần xử lý vấn đề như thế nào cho khỏi rơi vào sự nhàm chán muôn đời, triển khai hệ thống ý như thế nào để vượt thoát khỏi khuôn mẫu lý thuyết, đưa bài văn của các em chạm vào được thực tế 'cây đời' của văn chương bây giờ, lúc này, đó sẽ là những khó khăn không hề nhỏ.
Không chỉ riêng đề thi học sinh giỏi, trong thời gian qua đã có nhiều tranh cãi về đề thi ở các kỳ thi khác nhau. NGƯT Đặng Đình Đại – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho rằng: 'Đề thi, kiểm tra theo hướng 'mở' là một tất yếu trong kích thích khả năng tư duy, sáng tạo đối với học trò, thay dần cách dạy và học một cách thụ động như trước đây. Song đề ra cũng phải phù hợp với tính chất của kỳ thi, khả năng của thí sinh. Nếu là thi cuối kỳ, không cần phải khó, nhưng thi chọn học sinh giỏi là yêu cầu năng lực riêng của thí sinh và học sinh không thể nói là nội dung khó và vượt qua sự hiểu biết các sự kiện thời sự của xã hội'.
Đề thi cần sự sáng tạo để giúp học sinh hào hứng
Thời điểm này, các trường phổ thông đang diễn ra kỳ thi học kỳ I, đã có những tranh luận trên mạng xã hội khi có nơi ra đề thi nhàm chán, thậm chí có thông tin bị 'lộ' đề thi… Tuy nhiên, cũng đã có nhiều đề thi sáng tạo, gây sự thích thú đối với thí sinh. Cách đây ít ngày, cộng đồng mạng đã truyền tay nhau đề thi môn Vật lý, học kỳ I của Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM). Cụ thể, đề thi của khối 11 có nội dung: 'Phát biểu định luật Ohm đối với toàn mạch, viết công thức, chú thích, đơn vị từng đại lượng. Vận dụng: Nhân dịp Noel 2020, An muốn trang trí cây thông bằng đèn led, mỗi đèn ghi (2 V- 2 W), mắc các đèn nối tiếp vào mạch điện kín gồm 10 pin suất điện động 1,5 V, điện trở… Hỏi An phải dùng bao nhiêu bóng đèn để đèn sáng bình thường?'.
Đề thi nhận được đồng tình, ủng hộ của nhiều học sinh cũng như phụ huynh trong trường. Trao đổi về định hướng biên soạn và tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, việc giảng dạy lồng ghép kiến thức đời sống đã có từ trước đây như: giao học sinh làm thí nghiệm, trồng cây, giải phẫu học, lắp ráp thiết bị điện, giải thích hiện tượng tự nhiên.. Tuy nhiên, do chương trình SGK hiện hành rất nặng kiến thức mà thời gian có hạn nên giáo viên rất tất bật. Đổi mới phương pháp dạy và học là cần thiết trong bối cảnh chuẩn bị áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thầy Huỳnh Thanh Phú thông tin, đã hai năm qua, TPHCM mạnh dạn đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh lớp 10 làm thay đổi mạnh phương pháp dạy ở bậc THCS. Sở GD&ĐT TPHCM cũng chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy theo các hình thức dạy tích hợp, nghiên cứu khoa học, lồng ghép STEM... Thầy cô cũng phải vận động, nghiên cứu tài liệu để có đề hay. Còn học sinh sẽ không còn chủ quan chỉ chú tâm vào SGK học vẹt, bản thân các em cũng phải thay đổi phương pháp học, đọc tài liệu, nghiên cứu vấn đề, tham gia hoạt động, nghiên cứu khoa học.
'Để đổi mới cách kiểm tra đánh giá học sinh, trước hết phải đổi mới tư duy của giáo viên. Chẳng hạn, nâng cao năng lực chuyên môn, tin học, ngoại ngữ... Quá trình giảng dạy, nhà trường cũng đã cố gắng để đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào phụ trợ. Cụ thể như, trường có những tiết học cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu, xem hình ảnh, video giúp các em hình dung ra các thí nghiệm sinh học, hóa học… điều mà sách vở hay thầy cô không lột tả hết được, hoặc thiếu thiết bị, nguyên liệu làm thí nghiệm. Điều này được không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng rất đồng tình', thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các Sở GD&ĐT, trường THPT trên phạm vi cả nước tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên và học kỳ theo đúng các quy định. Theo đó, việc ra đề, tổ chức kiểm tra phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp học sinh. Đặc biệt, nghiêm cấm ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá sai quy định, vượt quá yêu cầu của chương trình. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị, trường học rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động ra đề, tổ chức kiểm tra, đánh giá trong thời gian vừa qua. Xử lý nghiêm khắc, dứt điểm những sai phạm nếu có.