Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương hồi đầu tháng 7, đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 – 2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lo ngại rằng, bớt được 'món học phí' nhưng họ vẫn có khả năng vẫn sẽ phải oằn vai 'cõng' thêm nhiều phụ phí khác.
Miễn học phí cho học sinh THCS: Việc nên làm từ lâu
Đó là nhìn nhận của GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trước đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc của Bộ GD&ĐT. Theo GS.TS Đinh Quang Báo, bậc Tiểu học và THCS là cấp học bắt buộc nên cần miễn phí để khuyến khích 100% trẻ toàn quốc được đi học, hưởng giáo dục căn bản.
THCS là bậc giáo dục cơ bản, có thể chưa được gọi là giáo dục bắt buộc nhưng về bản chất và mục tiêu là giáo dục bắt buộc. GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, việc miễn, giảm học phí là điều cần làm ngay, quyết tâm dứt khoát phải làm, 'chứ không phải có thì làm, không có thì thôi'.
Cùng chung góc nhìn, giáo sư Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng miễn học phí cấp THCS là việc đương nhiên, không nên trì hoãn bởi vì từ lâu cấp học THCS đã được quy định là cấp học phổ cập.
'Đã là phổ cập thì không những Nhà nước phải tạo điều kiện cho con em học tập mà còn mang tính bắt buộc cha mẹ và học sinh thực hiện. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Nhà nước ta không thu học phí; khi hết chiến tranh, đất nước còn khó khăn, Nhà nước cũng không thu học phí, vậy thì không có lý do gì, khi đất nước phát triển như bây giờ, việc thu học phí cấp học phổ cập lại duy trì. Theo tôi, việc miễn học phí cho học sinh THCS như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất là chuyện đương nhiên cần làm và việc này chúng ta nên làm từ lâu mới đúng' - Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Đồng tình với điều này, TS. Nguyễn Viết Chức - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng nước ta đang phổ cập tiểu học, THCS và tiến tới là THPT, việc miễn học phí là khâu quan trọng, quyết định đến sự thành công trong phổ cập. Đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS là hoàn toàn phù hợp với quy luật phổ cập giáo dục hiện nay.
'Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh, bởi vì gia đình nào cũng có con cháu đi học. Mọi người đánh giá cao sự kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình phổ cập giáo dục và đặc biệt hơn là trước tình hình cả nước vừa trải qua đại dịch COVID-19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù mức học phí ở bậc học này không nhiều nhưng nếu được triển khai sẽ bớt được gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình'- TS Nguyễn Viết Chức cho biết.
Bỏ thu học phí thì nên giảm luôn phụ phí
Hoan nghênh đề xuất của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia cũng như các bậc phụ huynh đều cho rằng, thực tế hiện nay, học phí so với các khoản khác phải đóng đầu năm học thì không đáng bao nhiêu. Nói như PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, học phí so với các khoản thu khác chẳng đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay. Do đó, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu.
Theo nhiều phụ huynh, bỏ thu học phí thì nên giảm luôn phụ phí, tránh tình trạng bỏ cái này tăng cái kia, bớt được cái này lại phải 'cõng' trên vai hàng loạt loại phụ phí như tiền quỹ lớp, quỹ ban phụ huynh, tiền ủng hộ xây dựng vật chất, tiền vệ sinh trường, tiền ủng hộ cô lao công, tiền sửa quạt, bảo dưỡng điều hòa… Phụ phí mới thực sự là nỗi lo, thậm chí là nỗi sợ của phân đa các phụ huynh, nhất là những phụ huynh có thu nhập thấp.
Từ nỗi lo này, nhiều chuyên gia 'khuyến cáo' rằng để sự 'giảm học phí không đẻ thêm phụ phí' thì điều quan trọng nhất là cần tính toán phần hụt ngân sách của các trường khi việc miễn học phí làm cho nguồn thu bị giảm.
'Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi liệu ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục có tăng? Lấy kinh phí ở đâu ra để giải quyết việc này, hay lại rút từ cái này, đập vào cái kia', TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPTDL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đặt vấn đề.
Theo quy định, các trường được giữ lại một phần các khoản thu từ học phí, tỷ lệ 18% chia cho hoạt động giáo dục vốn đã được xem là khá ít ỏi, giờ đây lại mất đi nguồn thu từ học phí chắc chắc sẽ khiến các trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn ngân sách, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động giáo dục, tới chất lượng dạy và học.
'Nếu đúng quy định thì nói thật là chúng tôi đang thu sai. Vì thu đúng, chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ', cách đây 5 năm, các hiệu trưởng đã từng trần tình với báo chí và đến tận thời điểm này, sự trần tình này có lẽ cũng không khác.
'Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học' - đó là một 'slogan' không hề mới và luôn luôn được 'cất cao' lên mỗi đầu năm học. Tuy nhiên, làm thế nào để biến slogan này thành kết quả thực tế lại là điều mà cả ngành giáo dục vẫn xã hội vẫn đang hết sức bối rối.
Muốn để câu chuyện 'bỏ học phí không cõng thêm phụ phí', hay thậm chí là bỏ hẳn phụ phí thì cần lắm những chính sách đầu tư cho giáo dục phù hợp, những chính sách khuyến khích sự đầu tư của các tổ chức cá nhân vào khu vực giáo dục ngoài công lập. Phải có sự chung tay, thì những nỗi lo canh cánh mỗi khi năm học đến của các bậc phụ huynh mới được giải tỏa phần nào.