Theo một báo cáo, từ đầu năm 2020 đến hiện tại đã có khoảng 8 du học sinh Trung Quốc tại Sydney (Úc) bị 'bắt cóc ảo'. Trong những vụ bắt cóc dạng này, các du học sinh buộc phải giả vờ quay video bị bắt cóc, sau đó gửi về cho bố mẹ ở quê nhà để yêu cầu tiền chuộc.
Số tiền chuộc thường dao động khoảng vài triệu NDT, nhưng cũng có trường hợp lên đến 10 triệu USD (khoảng 232 tỷ VND).
Khi vừa nghe đến những thông tin này, chắc hẳn ai cũng nghĩ đó là màn kịch bắt cóc và lừa tiền phụ huynh. Tuy nhiên, chân tướng sự việc lại còn phức tạp hơn rất nhiều. Đây không phải là một vụ bắt cóc do du học sinh thực hiện mà là một dạng lừa đảo. Các du học sinh hoàn toàn là nạn nhân. Kẻ lừa đảo đã cố gắng thuyết phục các du học sinh tống tiền bố mẹ với lý do hết sức kỳ lạ. Và tất nhiên, đến cuối cùng số tiền sẽ vào túi kẻ gian.
Khởi đầu của các vụ bắt cóc ảo tương tự với các vụ lừa đảo thông thường. Các du học sinh nhận được điện thoại từ một người tự xưng là cảnh sát, nhân viên đại sứ quán hoặc một người chuyển phát.
Một nạn nhân của 'bắt cóc ảo'.
Nếu đối tượng kia tự xưng đang làm việc tại một công ty chuyển phát, chúng sẽ nói bạn có một gói hàng bị nghi ngờ là rửa tiền hay buôn bán ma túy. Sự việc đã được báo đến cơ quan chức năng và bạn cần phải liên lạc với cảnh sát ở quê nhà.
Nếu đối tượng tư xưng đang làm việc cho cơ quan chính phủ (cảnh sát, nhân viên đại sứ quán,...) chúng sẽ nói bạn đã bị người khác tố cáo rửa tiền hoặc buôn bán ma túy.
Chúng sẽ tạo ra một bầu không khí hoảng loạn khiến những du học sinh non nớt cảm thấy cuộc sống tự do sắp kết thúc và sắp ngồi tù vào ngày hôm sau.
Nếu đó là một trò lừa đảo bình thường thì bước tiếp theo chúng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cho chúng. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo trong trường hợp 'bắt cóc ảo' này biết rõ, du học sinh cũng chỉ là những thanh thiếu niên mới lớn và không có nhiều tiền, người thật sự giàu có chính là phụ huynh.
Trước hết, để có thể khởi động vụ án 'bắt cóc ảo', điều quan trọng nhất là phải chặn được liên lạc giữa du học sinh và bố mẹ của họ. Nếu 2 bên có thể trao đổi thông tin một cách thoải mái thì những kẻ lừa đảo không thể triển khai được kế hoạch đen tối. Do đó, chúng sẽ dùng mọi cách để khiến con mồi cắt đứt liên lạc môi trường xung quanh.
Ảnh minh họa.
Trong một trường hợp 'bắt cóc ảo' ở Toronto (Canada) cách đây vài năm, kẻ lừa đảo đã nói: Bạn đã bị Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) truy nã trên toàn thế giới. Những gì bạn có thể làm lúc này là ẩn danh trong vài ngày, cắt đứt mọi liên lạc với người thân và bạn bè, vứt bỏ điện thoại và máy tính, đi thuê một khách sạn khác và chỉ mang theo một ít tiền mặt.
Những kẻ này trước giờ vẫn duy trì liên lạc tần suất cao với nạn nhân nên rất dễ lấy lòng tin của họ. Khi nạn nhân nghe theo lời khuyên và bắt đầu bỏ trốn, biến mất hoàn toàn thì kế hoạch của chúng xem như đã thành công một nửa. Rồi khi người thân, bạn bè không thể liên lạc được với nạn nhân họ sẽ trở nên hoảng hốt. Lúc đó, kẻ lừa đảo sẽ chủ động gọi cho bố mẹ nạn nhân để đòi tiền chuộc.
Trong vụ 'bắt cóc ảo' ở Toronto, chúng đã lừa du học sinh thành công nhưng lại gặp khó khăn ở giai đoạn phụ huynh. Khi bọn lừa đảo vừa lên tiếng về cuộc giao dịch, họ đã nhận ra đối phương là một kẻ lừa đảo và ngay lập tức tắt máy.
Tuy nhiên, trong vụ ở Úc, những kẻ 'bắt cóc ảo' đã sử dụng phương pháp đặc biệt khiến các du học sinh tự tạo ra bằng chứng mình bị bắt cóc. Lúc này, trong suy nghĩ của nạn nhân cả thế giới đều nghĩ mình là tội phạm, chỉ có kẻ lừa đảo là người tin mình trong sạch và sẵn sàng giúp đỡ mình. Thế là nạn nhân không nghi ngờ gì mà cứ làm theo những hướng dẫn của chúng, chúng hướng dẫn nạn nhân quay video hoặc chụp ảnh bị trói và khóc lóc với lý do hỗ trợ xử lý sự việc.
Đã có rất nhiều du học sinh Trung Quốc tự tay kéo gia đình sập bẫy của kẻ lừa đảo khi chính tay chụp ảnh mình bị trói.
Vào những lúc này, phản ứng của 1 người bình thường chắc chắn sẽ báo ngay cho bố mẹ nhưng trong trường hợp 'bắt cóc ảo', chúng sẽ cố thuyết phục nạn nhân rằng không thể nói cho ai cả vì đây là 'bí mật quốc gia' hoặc 'quy định bảo mật'.
Những kẻ lừa đảo thao túng nạn nhân bắt cóc chính mình, chính vì vậy thủ đoạn này còn được gọi là 'bắt cóc ảo'. Với những hình ảnh hoặc video trên, tỷ lệ phi vụ thành công đã tăng lên rất nhiều.
Không ít người cho rằng, vào thời đại này thì còn ai tin vào kịch bản lừa đảo và thuyết phục như thế? Tuy nhiên khi xét đến hoàn cảnh của các du học sinh, họ là những thanh thiếu niên sống xa gia đình, không nơi nương tựa ở đất khách. Chính vì vậy một vài lời an ủi, trấn an cũng có thể lấy được niềm tin của họ.
Từ Đức, Canada rồi đến Úc, tất cả các vụ 'bắt cóc ảo' đều có điểm chung là kẻ lừa đảo nắm rõ thông tin cá nhân của nạn nhân, không chỉ biết số điện thoại, số căn cước, hộ chiếu mà đến thông tin liên lạc của bố mẹ nạn nhân chúng cũng biết rất rõ.
Do đó, nhiều người chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa của những vụ 'bắt cóc ảo' này là từ sự rò rỉ thông tin cá nhân. Các nhóm lừa đảo khi có được thông tin này sẽ ngay lập tức lên kế hoạch để kiểm tra từng người một, xem có thể lừa được ai hay không.
Nguồn: Zhihu, Metro, Australia 51