Đề thi Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I (năm học 2020 - 2021) của Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: TL
Chuyện mẹ chồng nàng dâu vào đề Văn
Vừa qua, đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I (năm học 2020 - 2021) của Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) khiến nhiều phụ huynh giật mình. Được biết, Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê đã yêu cầu giáo viên viết giải trình vì đã ra đề kiểm tra chứa nội dung 'nhạy cảm'. Phòng GD&ĐT đã kiểm điểm giáo viên này, đồng thời yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc trong khâu ra đề thi.
Cụ thể, đề kiểm tra môn Ngữ văn phần đọc hiểu (3 điểm) có yêu cầu học sinh đọc câu chuyện 'cắn răng mà chịu' và trả lời các câu hỏi. Cụ thể: Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu 'Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu'. Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: 'Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn'.
Sau khi đề Ngữ văn được đưa lên mạng và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã có ý kiến rằng, đề Ngữ văn này có hàm ý dung tục, trí trá, không phù hợp học sinh lớp 9. Chưa kể, đề Ngữ văn trên sẽ hướng học sinh tới câu chuyện lật lọng trong cuộc sống. Không ít phụ huynh cho rằng, dù được phép ra đề 'mở' và có thể giáo viên giải thích thêm về câu chuyện, song với những dạng đề thi chưa phù hợp với lứa tuổi dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc của học sinh cho rằng, những cái sai, cái chưa đúng lại được chấp nhận bởi những câu chuyện ngụ ngôn, dân gian thường mang tính triết lý, suy ngẫm nhiều hơn.
Đọc đề Ngữ văn nói trên, phụ huynh Nguyễn Thị Thu Hương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học lớp 9 cho biết: 'Tôi thấy đề chưa phù hợp, bởi câu chuyện khá lấp lửng và kết thúc mang tính khẳng định sự cam chịu chấp nhận cái sai ở đây là mẹ chồng đã khôn lỏi, lươn lẹo. Do đó, bài học qua câu chuyện này hầu như không nhiều giá trị, bởi lớp 9 chưa hiểu nhiều về chuyện kết hôn, ứng xử gia đình giữa mẹ chồng và nàng dâu, thậm chí chưa thể đưa ra nhận định rằng, ai đúng, ai sai trong câu chuyện này. Đề thi học kỳ nên cần bám sát và phù hợp với lứa tuổi, tính chất kỳ thi'.
'Loạn' đề Văn 'mở' gây tranh cãi
Mặc dù khó có thể đưa ra nhận định, quy kết giáo viên ra đề Ngữ văn nói trên là sai hay vi phạm, song trong thời gian qua, đã có quá nhiều đề Ngữ văn được ra theo hướng 'mở', bắt 'trend' có đưa nhân vật, câu chuyện được cho là chưa phù hợp, gây tranh cãi trên mạng xã hội. Cụ thể, đề thi môn Ngữ văn lớp 12 trong kỳ kiểm tra kết thúc học kỳ I năm 2019 - 2020 do Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng ra đề gây nhiều tranh cãi. Nội dung đề thi yêu cầu học sinh nhận định 'Buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi'. Đề thi yêu cầu học sinh đưa ra ý kiến về việc từ bỏ cũng là một sự lựa chọn. Đề thi này nhận được ý kiến cho rằng, học sinh lớp 12 chưa có những trải nghiệm trong cuộc sống để đưa ra quyết định buông bỏ điều gì đó.
Không chỉ đưa hàng loạt các tên tuổi của showbiz Việt như: Ngọc Trinh, Sơn Tùng-MTP, Bà Tưng… Trong thời gian qua, 'Hậu duệ mặt trời', 'Vợ người ta' cũng được đưa vào đề thi. Tiêu biểu như, đề kiểm tra kết thúc học kỳ I môn Ngữ văn lớp 10 Trường THPT Thủ Đức (TP HCM) được tổ chức vào tháng 12/2019 đã đưa hiện tượng mạng xã hội Khá Bảnh bị bắt, thụ án 10 năm tù vào đề kiểm tra. Nhiều giáo viên cho rằng, sự sáng tạo vượt ra khỏi nhận thức ở lứa tuổi học sinh sẽ dễ dẫn đến 'phản ứng ngược' trong giáo dục, nhất là nhân vật trong đề thi đều có hành động, phát ngôn phản cảm.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên Ngữ văn, ra đề thi theo hướng 'mở' không hề đơn giản, bởi đề thi vừa phải đáp ứng được yếu tố mới, lạ, gây hứng thú với học sinh và bám sát được phạm vi kiến thức mà học sinh đã học. Những đề sáng tạo, đưa thực tế vào bài kiểm tra một cách vô tội vạ sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, học sinh chưa hiểu hết ý đồ của người ra đề, tư duy lệch lạc. Bởi vậy, giáo viên khi ra đề cần phải nghiên cứu kỹ để học sinh không hiểu nhầm ý, hiểu theo khía cạnh khác, dữ liệu, câu từ trong đề thi phải rõ ràng và phải chấp nhận những góc nhìn khác biệt của học sinh.
Từng là giáo viên dạy Ngữ văn và quản lý giáo dục nhiều năm, NGƯT Đặng Đình Đại - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội cho biết: 'Đề thi vào lớp 10, hay thi tốt nghiệp THPT thường ra theo hướng 'mở' nên ở cấp THCS, THPT, học sinh đều được tiếp cận với dạng đề thi được ra theo hướng này. Học sinh khá thích thú với cách ra đề này, bởi nhiều em không học giỏi môn Ngữ văn có thể thoải mái trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình và có thể có điểm. Đề 'mở' có nhiều ưu điểm và được khuyến khích, song việc ra đề phải phù hợp với tính chất kỳ thi, năng lực của học sinh. Đề thi quá khó, vượt quá hiểu biết của học sinh hoặc vấn đề nhạy cảm sẽ gây tranh cãi và mất đi sự hào hứng của học trò'.
Theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020 - 2021 do Bộ GD&ĐT ban hành, nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành. Đối với bài kiểm tra, đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra phải được biên soạn theo mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.