Ngày 10/6, Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP Pleiku đã có kết luận kiểm tra tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Việc kiểm tra được thực hiện sau khi bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân, giáo viên môn Âm nhạc trường này bị một số phụ huynh phản ứng vì năm học 2022-2023, trường có 10 học sinh chưa hoàn thành chương trình học môn Âm nhạc.
Theo đó, trong đơn kiến nghị, các phụ huynh cho rằng cô Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân - giáo viên môn Âm nhạc của trường thiếu tích cực trong giảng dạy, kỹ năng truyền đạt, gợi mở kém khiến học sinh không cảm nhận được nội dung bài học. Từ đó không phát triển các kỹ năng để theo kịp yêu cầu.
Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, đánh giá thiếu khách quan nên không tạo được sự đồng thuận, gây ức chế cho học sinh. Do đó, phụ huynh học sinh đề nghị nhà trường, Phòng GD&ĐT xem xét lại việc giảng dạy của giáo viên. Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu UBND TP Pleiku chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác minh, làm rõ nội dung.
Trước đó, có nhiều phụ huynh đến Trường Tiểu học Cù Chính Lan kiến nghị về việc con mình bị rớt môn Âm nhạc (ảnh T.H)
Kết quả kiểm tra xác định, đối với giáo viên Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân, chất lượng giáo dục môn Âm nhạc tại một số lớp không đạt chỉ tiêu đã cam kết đầu năm học 2022-2023. Cụ thể, đầu năm giáo viên đăng ký chỉ tiêu không hoàn thành là 0%, tuy nhiên cuối năm có 3 học sinh chưa hoàn thành môn Âm nhạc.
Bên cạnh đó, giáo viên này không lập sổ ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của học sinh; không có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh hoàn thành học kỳ I (kết quả khảo sát đầu năm học có 16 học sinh chưa hoàn thành, đến cuối học kỳ I, con số nâng lên 28 học sinh). Chưa có sự phối hợp với một số giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng lớp và phụ huynh trong đánh giá học sinh.
Bà Nguyễn Đỗ Bảo Trân chưa thường xuyên kiểm tra, nhận xét vào vở học sinh để hướng dẫn các em khắc phục hạn chế, sai sót; chưa có kế hoạch dạy học, hồ sơ dành riêng cho học sinh khuyết tật học hòa nhập trường.
Bên cạnh đó, giáo viên này còn sai phạm trong việc sử dụng tài khoản SMAS để quản lý học tập học sinh. Theo đó, trong 2 năm (2021-2022 và 2022- 2023), bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân đã tự ý sửa chữa kết quả học tập của 75 học sinh ở các lớp (nâng lên, hạ xuống và sửa nhận xét). Trong đó có một số học sinh được nâng lên, hạ xuống nhiều lần mà không báo cáo, xin phép và chưa có sự đồng ý của hiệu trưởng.
Nhiều phụ huynh tỏ ra rất bức xúc trong buổi đối thoại giữa Phòng Giáo dục, nhà trường, phụ huynh và cô giáo dạy môn Âm nhạc (ảnh T.H)
Theo kế hoạch của nhà trường năm học 2022-2023, các giáo viên bộ môn phải nhập kết quả đánh giá học sinh chậm nhất ngày 13/5. Tuy nhiên, từ ngày 14 đến 26/5, cô Trân đã chỉnh sửa kết quả học tập môn Âm nhạc học kỳ II 80 lượt trên 58 học sinh. Việc điều chỉnh kết quả đánh giá học sinh trên hệ thống SMAS là vi phạm quy định
Đặc biệt, kết luận của Phòng GD&ĐT TP Pleiku còn nêu rõ, khi phụ huynh có phản ứng, không đồng ý với cách đánh giá của cô Trân, nữ giáo viên đã đáp trả (thông qua mạng xã hội) với lời lẽ, ngôn ngữ phản cảm, không đúng chuẩn mực đạo đức nhà giáo.
Trước những khuyết điểm trên, Phòng GD&ĐT TP Pleiku kiến nghị nhà trường căn cứ vào kết luận của đoàn kiểm tra, quy định về xử lý kỷ luật viên chức, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Phòng GD&ĐT TP Pleiku xác định, cô Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân – giáo viên môn Âm nhạc Trường Tiểu học Cù Chính Lan đã tự ý sửa chữa kết quả học tập của 75 học sinh ở các lớp (ảnh T.H)
Phòng cũng kiến nghị ban giám hiệu nhà trường, xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ hệ thông SMAS, bảo đảm sự phân cấp, phân quyền đầy đủ, rõ ràng chặt chẽ theo đúng quy định. Chấm dứt tình trạng giáo viên tự ý điều chỉnh kết quả học tập của học sinh khi chưa có sự cho phép bằng văn bản của ban giám hiệu nhà trường hoặc tự điều chỉnh khi nhà trường đã có báo cáo kết quả về Phòng GD&ĐT.
Đối với bà Nguyễn Đỗ Thị Bảo Trân, kiểm điểm làm rõ những khuyết điểm, sai phạm, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Bộ Giáo dục; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh chưa hoàn thành; xây dựng kế hoạch dành riêng cho học sinh khuyết tật; đánh giá và quản lý kết quả học tập đúng quy định, khách quan, công bằng, tránh tạo áp lực cho học sinh; tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng từ đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh; gương mẫu, thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo.