Năng lực thấu cảm của trẻ em vốn nhiều hơn người lớn. Thế nhưng, người lớn lại "quên" đáp ứng cảm xúc mà trẻ bày tỏ bằng những lời khen ngợi để củng cố sự thấu cảm tích cực, để trẻ quan tâm đến người khác.
Sai lầm trong dạy con
TS Bùi Trân Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học ngoài công lập, cho rằng văn hóa phương Đông đánh giá cao phương pháp "thai giáo" - nghĩa là giáo dục đứa trẻ từ trong bào thai, bởi khi đó, đứa trẻ đã cảm nhận được tâm trạng và môi trường sống của người mẹ. Còn theo các nhà khoa học phương Tây, sự nghiệp giáo dục một đứa trẻ bắt đầu cách đó ít nhất 1-2 thế hệ, do trẻ chịu ảnh hưởng từ sự hiểu biết và thái độ sống của ông bà, cha mẹ.
Một học sinh xem lại những bức ảnh khi TP HCM phòng chống dịch Covid-19 .Ảnh: BẢO LÂM
TS Bùi Trân Phượng nhìn nhận: "Nhà trường và giáo viên đóng vai trò hướng dẫn trong mọi sự dạy dỗ, nghĩa là tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho học sinh tự học, chứ không phải chỉ đạo hay cưỡng chế. Thế nhưng, rất nhiều cha mẹ và giáo viên đang đối xử với con em mình như thể chúng là những "tội phạm". Đây là cách hành xử hoàn toàn sai lầm". Theo bà, học tập là năng lực tự nhiên của trẻ và nhiệm vụ của người lớn là xem xét những gì đang cản trở, ức chế năng lực đó.
ThS Nguyễn Vũ Cẩm Ly, giảng viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế - Trường ĐH Văn Lang, nhấn mạnh tư duy thiết kế là giải pháp sáng tạo trong việc giáo dục cảm xúc xã hội của trẻ. Phương pháp này xuất hiện vào thập niên 1940, khi xã hội cần những công cụ để hiểu về con người cùng với nhu cầu của họ trong bối cảnh đó.
Tư duy thiết kế bao hàm việc thấu cảm, xác định, tạo ý tưởng, làm mẫu và thử nghiệm. Đây là bước đầu để trẻ thấu hiểu bản nhân, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Hiện nay, rất nhiều cơ sở giáo dục áp dụng tư duy thiết kế trong chương trình giảng dạy từ sơ cấp đến chuyên nghiệp, với mục đích giúp trẻ hiểu được cách thể hiện bản sắc cá nhân, kết nối cộng đồng và thế giới xung quanh.
Dạy kỹ năng thấu cảm
Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại TP HCM, chị Viên Ngọc Uyển My bày tỏ: "Một đứa trẻ cũng là một con người toàn diện với đầy đủ cảm xúc cần được ghi nhận, tôn trọng. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức rõ tầm quan trọng của kỹ năng giáo dục cảm xúc xã hội dành cho trẻ".
Chị Uyển My dẫn chứng: "Tôi đã rất ấn tượng khi nghe một học sinh lớp 3 khuyên bạn giữ vệ sinh trong lúc ăn uống vì nếu để thức ăn vương vãi, cô giáo sẽ phải nán lại để dọn dẹp. Điều này có nghĩa là em ấy để ý tới những người xung quanh".
TS Bùi Trân Phượng cho biết nền giáo dục của nước Pháp luôn chú trọng vấn đề này. Ở cấp tiểu học, học sinh hoàn toàn không có bảng điểm mà chỉ có bảng nhận xét rất chi tiết của giáo viên về khả năng tiếp nhận kiến thức các môn học, khả năng sử dụng từ vựng để phát biểu những gì mình nghĩ. Ở cấp mẫu giáo còn có thêm một bảng nhận xét về khả năng phát triển bản thân của trẻ, kỹ năng thấu cảm và tôn trọng người khác.
Trong khi đó, ở Việt Nam, rất nhiều giáo viên và lãnh đạo nhà trường còn mang tư tưởng bảo thủ do nhiều ràng buộc xã hội, không thấy lợi ích của sự thay đổi. TS Bùi Trân Phượng thừa nhận dự án "Cùng giáo viên thay đổi" của bà và các cộng sự không thành công sau 3 tháng triển khai. "Ngay từ khi khởi động, tôi đã biết trước điều này. Dù vậy, tôi vẫn bắt tay vào thực hiện vì ở đời, mình không chỉ lên kế hoạch cho những việc chắc chắn thành công, chúng ta còn phải lên kế hoạch cho những việc mình thấy quan trọng và cần thiết".
ThS Nguyễn Vũ Cẩm Ly nhận định tư duy thiết kế bắt nguồn từ sự thấu cảm và giáo viên phải là người sử dụng thành thạo công cụ đó. Tuy nhiên, phụ huynh phải cùng với giáo viên thay đổi để làm sao cân bằng giữa thời gian giáo dục kiến thức chính khóa với kỹ năng cảm xúc. Đó là một quá trình học tập dài lâu, vì vậy chúng ta phải thật sự kiên nhẫn.
Cùng phụ huynh thay đổi
TS Bùi Trân Phượng cho biết hiện nay, nhóm của bà đang vận hành dự án "Cùng phụ huynh thay đổi". "Chúng ta chỉ thay đổi khi nào chúng ta cảm nhận rằng mình dạy con không phải chỉ để trẻ vào trường chuyên hay đại học danh giá mà dạy con lớn lên, làm người tử tế và có một cuộc sống tự lập. Yêu con, thương con chính là dành thời gian bên con và hiểu con" - bà Phượng khẳng định.
Theo bà Phượng, dạy con thành công là khi con trở thành người hạnh phúc và được là chính mình. Để làm được điều đó, chúng ta phải tạo được sự đồng thuận nhất định, trước hết là giữa vợ và chồng trong gia đình - tức là một cộng đồng nhỏ, sau đó phát triển ra cộng đồng lớn và toàn xã hội.