Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM.
Giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2021-2022
Thông tin từ Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, nhà trường vừa có quyết định thay đổi, giữ nguyên mức học phí của năm học trước, không tăng như thông báo đầu năm học này. Cụ thể, mức học phí thông báo năm 2021-2022 của trường dao động từ 18 triệu đồng đến cao nhất là 199,7 triệu đồng/năm. Trong khi đó, đầu tháng 8/2022, trường thông tin về học phí của khóa 47 áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026 với mức học phí thấp nhất là 151 triệu đồng/khóa, cao nhất lên đến hơn 765,9 triệu đồng/khóa. Như vậy, so với mức công bố đầu năm, mức thu học phí chính thức giảm mạnh, ngành giảm nhiều nhất trên 24 triệu đồng.
Quyết định này thực hiện theo Nghị quyết 165 của Chính phủ yêu cầu các cơ sở đào tạo công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu của năm học 2021-2022 cùng với tinh thần chia sẻ khó khăn, hỗ trợ sinh viên. Phương án cụ thể được đại diện nhà trường đưa ra là với những sinh viên, học viên đã đóng học phí ở học kỳ 1, học phí chênh lệch sẽ được trường trừ vào học kỳ 2 năm học này và các năm tiếp theo. Với sinh viên, học viên đã đóng hết học phí vào học kỳ cuối, nhà trường sẽ hoàn trả lại cho các em sau khi trường xác định chính xác thông tin số tiền đã đóng.
Ông Trần Vũ - Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, với các khóa tuyển sinh từ năm 2021 trở về trước, học phí sẽ bằng năm học 2021 - 2022. Riêng khóa tuyển sinh năm 2022, là năm đầu tiên trường thực hiện tự chủ nên các em vẫn đóng học phí theo đề án đổi mới cơ chế hoạt động của trường. Căn cứ theo Nghị quyết 165, nhà trường sẽ cấn trừ vào học phí học kỳ 2 đối với sinh viên khóa 2021 trở về trước. Còn khóa 2022 trường mới tạm thu học phí một nửa năm học nên tới đây, sinh viên sẽ đóng thêm dựa vào thực tế điều chỉnh đơn giá mới và phần chênh lệch sẽ trừ vào học phí học kỳ 2.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), trường cũng quyết định điều chỉnh mức học phí đã thông báo đầu năm. Sinh viên đã nộp học phí theo mức thu mới thì sẽ trừ vào khoản học phí học kỳ 2 hoặc có thể liên hệ phòng Kế hoạch - Tài chính để nhận lại. Còn khóa tuyển sinh năm 2022 vẫn giữ mức học phí tự chủ như đã công bố.
Trên thực tế, đầu năm học 2022-2023, nhiều trường ĐH công bố mức học phí tăng 30-70% so với năm ngoái do áp dụng mức trần học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ về quản lý học phí. Học phí nhóm trường kinh tế dao động 16 - 65 triệu đồng/năm. Học phí khối trường Y dao động 13,5-100 triệu đồng/năm. Tại Trường ĐH Y Hà Nội, học phí có ngành tăng 71% so với năm trước, ở mức 24,5 triệu đồng/năm. Còn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần 3 lần.
Cân đối nguồn tài chính
Trước đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 165, yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục ĐH giữ ổn định mức thu học phí năm học này như năm học 2021-2022, nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên, gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.
Nhiều trường đã bắt đầu có thông báo điều chỉnh học phí về mức như năm 2021-2022 khiến người học vui mừng. Phạm Vũ Thảo Uyên - sinh viên năm cuối Trường ĐH Kiến trúc TPHCM cho biết, em cảm thấy may mắn vì sắp tốt nghiệp khi nhìn vào mức tăng học phí của các trường năm học này. Khi đọc được thông tin Chính phủ yêu cầu giữ ổn định học phí, em và gia đình rất mừng vì với việc tăng học phí lên đến gần 100.000 đồng/tín chỉ so với các năm học trước, bố mẹ em rất khó xoay xở.
“Bố mẹ em là công nhân viên chức đều đã về hưu nên để đóng học phí cho em đầu năm học này, cả nhà đã phải xoay xở đủ kiểu. Nhiều bạn trong lớp gia đình khó khăn hơn phải tăng thời gian đi làm thêm để bù vào tiền học phí đã đóng nên ảnh hưởng đến việc học tập trên lớp. Nay nhà trường điều chỉnh học phí, chúng em rất mừng và cũng hẹn nhau cố gắng hoàn thành trong năm nay để ra trường, tuyệt đối không lùi đến năm sau vì cơ hội này chắc không có nhiều” - Uyên nói.
Dẫu vậy, với đa số các trường việc giữ nguyên mức học phí trong thời điểm khó khăn như hiện nay mà vẫn phải đảm bảo để phát triển, đáp ứng nhu cầu của người học là một thách thức. Đặc biệt, là việc tăng lương để đảm bảo đời sống giảng viên, giữ chân và thu hút người giỏi về trường là vấn đề đặt ra với các trường. Nhất là nhìn từ thống kê về thu nhập của giảng viên, cán bộ các trường ĐH đã thực hiện tự chủ cho thấy có sự chênh lệch lớn so với thời điểm chưa tự chủ. Vì vậy, đại diện nhiều trường cho biết sẽ xem xét lại các khoản đầu tư chưa cần thiết và chi tiêu tiết kiệm hơn để đảm bảo tài chính cho nhà trường.