Người lớn đã đối xử công bằng với trẻ chưa?
Tại hội thảo về phòng chống bạo lực học đường khu vực phía Nam vừa được tổ chức tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Phòng GDĐT quận 2 đặt ra câu hỏi: Khi xảy ra những sự việc đáng buồn như trò đánh thầy, trước khi lên án các em, liệu chúng ta đã đối xử công bằng với các em chưa?
Bà Cúc cho rằng, trong vấn đề bạo lực học đường, điều cần phải làm nhất là người lớn hãy nhìn lại chính mình. Ở đây chính là phụ huynh, giáo viên. Học trò bây giờ, trước khi đến trường thì từ nhỏ các em đã quen với bạo lực ngay trong gia đình. Khi đến lớp, chính giáo viên cũng phải biết điều tiết, biết kiềm chế không sử dụng bạo lực với học trò, để các em cảm nhận, quen với cách ứng xử nhã nhặn, tích cực. Thầy cô nóng nảy, đánh đập, xúc phạm học sinh thì sẽ rất khó giáo dục tính thiện trong các em.
Cùng với đó, bạo lực học đường còn được sự 'hỗ trợ tích cực' của mạng xã hội khi bất cứ cái gì, dù có được kiểm chứng hay không, đều được tung lên mạng xã hội.
Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Phú Trí, đại diện phụ huynh học sinh trường THCS Hồng Bàng (TP.HCM) cho biết, các em chịu ảnh hưởng quá lớn từ mạng xã hội. Một số học sinh sử dụng mạng xã hội thiếu văn hóa, vừa là nguy cơ, vừa là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường. Mâu thuẫn nhỏ từ câu nói qua lại trên mạng cũng có thể dẫn đến những trận đánh nhau.
Ông Trí đề nghị nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh giao lưu với những tấm gương sáng, nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử, cũng như cách sử dụng mạng xã hội thông minh. Nhà trường cần xây dựng quy tắc ứng xử giữa các thành viên để tạo ra môi trường văn hóa, ngăn ngừa bạo lực.
Ảnh minh họa
Đối phó với bạo lực học đường như thế nào?
Ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Pháp chế, Sở GDĐT tỉnh Bình Dương cho rằng, không ai có thể khẳng định trường, tỉnh mình không xảy ra bạo lực học đường. Cơ quan quản lý nên tiếp cận việc phòng chống bạo lực học đường bằng cách khác. Hiện nay, các trường có nhiều phương án phòng chống nhưng vẫn còn cứng nhắc, mang tính chất đối phó.
Theo ông Dũng, các hoạt động cho học sinh trong trường chưa phong phú, không đủ thời lượng, do đó không giúp các em hình thành tính cách hướng thiện. Vì thế, nên giáo dục các em bằng hành động, trải nghiệm thực tế mới có những thế hệ ngày càng tốt hơn, chứ không thể kỳ vọng sẽ kiểm soát 100% vấn đề này. Giáo dục đạo đức cần được triển khai một cách cách nghiêm túc và hiệu quả chứ không phải làm cũng được, không làm cũng được.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, chỉ có tình cảm, tình thương của người lớn, bố mẹ và thầy cô giúp các em có những ứng xử phù hợp. Bà Cúc cho rằng, bạo lực học đường thì trường nào cũng có, rất khó để tránh nhưng phải làm sao để các em có tính thiện trong người, không có những hành vi hành hạ, gây nguy hiểm cho bạn bè.
Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, năm học qua, theo báo cáo của ngành giáo dục cả nước xảy ra vài trăm vụ bạo lực học đường, mỗi tỉnh, thành xảy ra khoảng 2-3 vụ. Tuy nhiên, khi ngành công an vào cuộc, số liệu tổng hợp lại chênh nhau khá lớn - với hơn 2.000 vụ, trong đó hơn 53% số vụ bạo lực xảy ra trong môi trường học đường. Bộ GDĐT đề nghị các trường, các Sở GDĐT chủ động hơn trong việc nắm tình hình, dữ liệu về bạo lực học đường.
Từ năm 2011 đến nay, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, xuất hiện thêm nhiều vụ việc phức tạp.Trước thực tế đó, sắp tới Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn sâu sát hơn công tác thực hiện tại các đơn vị.
Trước mắt, sẽ tiến hành khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, thành, phân chia đối tượng học sinh thành hai nhóm gồm: nhóm có nguy cơ gây ra bạo lực và nhóm bị bạo lực để có giải pháp căn cơ hơn, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo.