![]()
Thứ trưởng Bô GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã trao đổi với báo chí để làm rõ hơn những quy định mới trong Thông tư này.
Giảm áp lực cho học sinh khi học thêm quá nhiều
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, 'dạy thêm, học thêm' là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ về những điểm mới, nổi bật được quy định trong Thông tư 29?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Hoạt động dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản cũ đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh Tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Quan điểm của Bộ là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: Tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên 'kéo' học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm. Tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...
Hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên
Phóng viên: Những quy định mới về dạy thêm, học thêm nhận được đánh giá tích cực từ xã hội, tuy nhiên, trước thời điểm chính thức thực hiện cũng có những lúng túng. Thứ trưởng chia sẻ gì về trách nhiệm của các bên trong triển khai Thông tư này?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Việc ban hành Thông tư quy định dạy thêm, học thêm là để phù hợp với rất nhiều chính sách, quy định hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cho đến thời điểm này, qua theo dõi dư luận, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội. Như vậy, tổng thể để quản lý một vấn đề 'lớn, khó' như dạy thêm, học thêm đã được thể hiện thông qua các quy định của Thông tư 29. Bây giờ là quá trình thực hiện, trong đó 'hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên' là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
Về phía UBND các tỉnh cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai đúng các quy định; thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định; kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Về phía các Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi được biết hiện nhiều Sở đã ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và đã tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo. Vì vậy, đề nghị các Sở tiếp tục quan tâm và sớm ban hành hướng dẫn, tham mưu phù hợp với địa phương.
Đối với các nhà trường và thầy cô, trách nhiệm của chúng ta là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy, những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.
Những ngày qua, cũng có ý kiến cho rằng, không dạy thêm giảm thu nhập của giáo viên. Chúng ta đều biết rằng, có rất nhiều giáo viên như giáo viên mầm non, giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên nhiều bộ môn… không dạy thêm nhưng vẫn tâm huyết, say sưa với nghề.
Tôi muốn chia sẻ thêm, thời gian qua, khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy, cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới lần này còn là hướng tới 'bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo'.
Thay đổi, đổi mới bao giờ cũng khó khăn, khó tiếp nhận. Nhưng những gì Thông tư 29 đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Do vậy, dù bước đầu khó khăn song tôi mong rằng sẽ có sự đồng lòng, quyết tâm trong triển khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sát sao cùng địa phương, nhà trường, thầy cô trong quá trình thực hiện.
Đối với lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề chúng ta đang bàn tới là dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành Giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó, dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư này cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.
Việc kiểm tra, đánh giá không đánh đố, không ra ngoài chương trình
Phóng viên: Trên thực tế, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật của cả người dạy và người học, nhưng thời gian qua vẫn còn tồn tại những hiện tượng dạy thêm, học thêm tiêu cực. Theo Thứ trưởng, đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Ở đây, tôi đề cập tới một số giải pháp như sau: Về giải pháp hành chính, ban hành Thông tư, các quy định cụ thể.
Về giải pháp chuyên môn, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh. Đồng thời, tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, cụ thể như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...
Bên cạnh đó, cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường, cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói 'không' với dạy thêm không đúng với quy định. Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội.
Ngoài ra, những chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là giải pháp cho vấn đề này. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó, Luật Nhà giáo dự kiến được ban hành thời gian tới sẽ mang lại những chính sách tích cực cho nhà giáo.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.