Hành xử bạo lực do đâu?
Trên mạng xã hội đang xôn xao clip ngắn ghi lại cảnh một nam sinh ngồi cuối lớp có thái độ hỗn xược với cô giáo ngay trong lớp học. Theo như clip ghi lại, sau khi có những lời lẽ xúc phạm, nam sinh đã lên tận bục giảng cầm lấy điện thoại trên bàn và quay sang tát thẳng vào mặt cô giáo trước sự chứng kiến của các học sinh trong lớp.
Liên quan đến clip này, cơ quan chức năng xác định clip học sinh tát cô giáo lan truyền trên mạng mấy ngày qua là có thật ở một cơ sở giáo dục thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) vào tháng 5 năm 2020. Sự việc xảy ra trong tiết học toán khi cô giáo thu tai nghe của học sinh, em này đã không bình tĩnh lên đòi và tát cô giáo. Nam sinh đã bị kỉ luật đuổi học 1 năm.
Hình ảnh nam sinh tát cô giáo đang gây bức xúc dư luận
Trong thực tế thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc bạo lực học đường. Như trường hợp của thầy giáo ở Trường THPT Trần Quang Diệu, tỉnh Bình Định bị học sinh dùng cây sắt đánh bầm tím vùng thái dương, ngực và lưng. Không ít vụ việc phụ huynh vào thẳng trường hành hung giáo viên khiến dư luận vô cùng bàng hoàng.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) cho rằng, hiện tượng bạo lực học đường càng ngày càng diễn biến trầm trọng. Bạo lực không chỉ diễn ra giữa học sinh với học sinh, cũng không chỉ giữa học sinh nam với học sinh nam mà giữa học sinh nam với học sinh nữ, nữ với nữ và giữa học sinh với thầy cô, thậm chí là giữa cha mẹ học sinh với thầy cô.
Một thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, một năm có đến 1.800 – 2.000 vụ bạo lực học đường. Con số này là hồi chuông cảnh báo về vấn đề bạo lực học đường và sự xuống cấp đạo đức nói chung.
Người Việt Nam từ xưa vẫn có truyền thống 'Tôn sư trọng đạo'. Thầy cô như là người cha, người mẹ thứ 2 của mình. Bố mẹ là người cho sinh mạng nhưng thầy cô là người cho mình kiến thức của cả tương lai mà có hành xử văng tục, tát cô giáo trong lớp như vậy không chỉ là sự vô lễ mà còn cho thấy sự xuống cấp về tư cách đạo đức trầm trọng của học sinh.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh, sự việc nam sinh tát cô giáo ngay trong lớp cần thiết phải nhìn nhiều mặt, tìm hiểu tận nguồn cơn và hơn hết là xem xét từ nhiều phía. Một nguyên nhân cần nhắc đến là ngày nay học sinh đang được tiếp cận quá nhiều luồng thông tin mà không được chọn lọc. Hàng ngày trẻ chơi game bạo lực, chứng kiến phim bạo lực rồi nhìn thấy người lớn ứng xử bạo lực với nhau... Trẻ thường có tâm lý học, làm theo. Chính những điều này khiến trẻ dễ hành xử, học theo cách làm bạo lực.
Bố mẹ cũng phải có trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý con sử dụng các phương tiện thông tin. Tuy nhiên, không ít cha mẹ chỉ vứt cho con từ nhỏ điện thoại, ipad… mà không kiểm soát được. Trẻ tiếp cận được cái xấu học tập sẽ rất nhanh. Tạo cho trẻ môi trường trong sạch, kiểm tra giám sát là vô cùng cần thiết. Tránh cho học sinh có tiếp cận nhiều luồng thông tin tiêu cực, bạo lực thì sẽ giảm việc trẻ kích động, bạo lực.
Ngôi trường đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là từ gia đình. Nhiều gia đình dùng bạo lực để giáo dục con là 'lợi bất cập hại'. Trẻ ngay lập tức có thể nghe lời, tuân thủ nhưng chúng học theo cách hành xử ấy của cha mẹ. Việc dùng bạo lực với con lặp đi lặp lại khiến trẻ tự ý thức rằng mọi ứng xử trong cuộc sống này đều cần đến bạo lực để giải quyết.
'Sự việc trên xảy ra trong trường học, nhà trường cũng không thể nào vô can. Thiết nghĩ nhà trường cần dành nhiều thời gian hơn cho việc giáo dục đạo đức, nhân cách, thói quen ứng xử cho học sinh quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ quan tâm kiến thức. Hiện nay học sinh có thể tiếp thu kiến thức từ rất nhiều nguồn, có thể là học online' – chuyên gia tâm lý Việt Anh cho hay.
Thầy đánh trò vì sự bất lực, trò đánh thầy bởi sự bất nghĩa
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, những sự việc bạo lực học đường như thầy cô thì hạ nhục học trò, còn học trò cũng 'vùng lên' để rồi thầy trò chửi nhau, thậm chí là đánh nhau cho thấy 'thầy đánh trò vì sự bất lực, trò đánh thầy bởi sự bất nghĩa.
Dù có hay không sự thật về clip nhưng hình ảnh nam học sinh tát giáo viên cũng là điều một lần nữa khiến bố mẹ nhìn nhận lại cách dạy con, nhà trường cũng phải nhìn lại cách điều chỉnh tập trung vào dạy gì cho học sinh.
Chuyên gia Việt Anh cho rằng, Bác Hồ cũng đã dạy một con người có tài mà không có đức cũng là vô dụng. Bởi vậy mà việc ưu tiên dạy đạo đức, nhân cách, làm người là điều cần lưu tâm đến đầu tiên. Không biết ứng xử, giải quyết, đàm phán với nhau thì từ những việc nhỏ có thể đẩy lên thành sự việc lớn. Nếu con người mà biết ứng xử, đối xử với nhau tốt thì việc lớn có thể thành việc nhỏ, việc nhỏ có thể bỏ qua cho nhau. Nhân cách của một đứa trẻ được hình thành từ thủa nhỏ. Trẻ sẽ lớn lên bởi những kỹ năng sống có từ trong gia đình với những hoạt động tự giác, kỷ luật tích cực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh với 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần phát triển. Trong đó có nhấn mạnh đến phải dạy phát triển nhân cách trước. Nhân ái, yêu thương con người là những cái dạy trước chứ không chỉ có kiến thức. Kiến thức sau có thể cho trẻ học kĩ năng học và tự học, từ đó giải quyết được các năng lực. Nhân cách mới là giá trị cốt lõi của con người. Điều này là hồi chuông cảnh tỉnh để các trường thay đổi lại hoạt động.