Bên cạnh những thành tích nổi bật của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế hay lần đầu tiên Việt Nam có những trường đại học lọt top 1.000 thế giới…, năm qua cũng ghi dấu những “câu chuyện buồn” của ngành Giáo dục.
Đặc biệt, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã gây chấn động với một loạt vụ gian lận điểm thi xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Những băn khoăn về Kỳ thi đã được đặt ra như còn gian lận nào chưa được đưa ra ánh sáng; làm sao bảo đảm công bằng trong giáo dục, thi cử…; làm thế nào để loại bỏ tiêu cực mà vẫn tạo thuận lợi, giảm áp lực cho học sinh…
Đây là những thách thức đặt ra với ngành giáo dục trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện, trong đó có “đổi mới thi cử”.
Các thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi THPT Nho Quan C, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, ngày 27/6/2018. Ảnh: Hải Yến/TTXVN
Nhiều "lỗ hổng" trong công tác tổ chức thi
Một loạt vụ gian lận xảy ra ở các hội đồng thi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin về một kỳ thi công bằng, nghiêm túc và minh bạch.
Đặc biệt, nếu như ở Hà Giang 330 bài thi của 114 thí sinh được sửa từ 1-8 điểm, khi rà soát đã khôi phục được dữ liệu điểm thi gốc thì tại Hòa Bình, Sơn La, gian lận tinh vi khiến việc khôi phục điểm thi gốc gặp khó khăn.
Số cán bộ giáo dục, nhà giáo đã bị xử lý kỷ luật, bắt giam trong các vụ gian lận này là 11 người, trong đó Hà Giang 2 người; Sơn La 6 người; Hòa Bình 3 người. Số học sinh đã bị xử lý là 151, trong đó Hà Giang 114; Sơn La 29; Lạng Sơn 8.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, những sai phạm trên là do phần mềm chấm thi trắc nghiệm mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi, nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Bên cạnh đó, công tác giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở một số khâu tổ chức thi tại địa phương chưa thật sự sâu sát, hiệu quả chưa cao. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của các địa phương để xảy ra sai phạm chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình.
Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là ở các khâu trọng yếu, như coi thi, chấm thi còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực; việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu tổ chức thi.
Một số cán bộ tham gia tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi chưa thực hiện đúng chức trách của mình. Cá biệt, một số cán bộ thoái hóa biến chất, có ý định gian lận từ trước đã cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định rất cụ thể, chi tiết để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.
Từ việc phát hiện một số dấu hiệu bất thường về điểm thi tại một số địa phương trên cơ sở phân tích dữ liệu kết quả thi và tiếp nhận các thông tin phản ánh trong dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh ở các địa phương có nghi vấn; đồng thời tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số địa phương khác theo quy định của quy chế. Kết quả của quá trình tổ chức thực hiện tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre đã được thông tin rộng rãi cho toàn xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2018 nhằm phát huy ưu điểm của Kỳ thi trong những năm qua và tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật đảm bảo giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi trong những năm tới.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan đến sai phạm trong khâu chấm thi ở một số địa phương. Đây là bài học “đắt giá” để ngành giáo dục cùng các địa phương nhìn nhận lại công tác tổ chức thi cử trong thời gian qua, có hướng xử lý triệt để.
5 thay đổi lớn của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019
Đầu tháng 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương án thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, trong đó có 5 nội dung thay đổi lớn, chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực.
Trước hết, nội dung đề thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 chủ yếu nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Thứ hai, đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi, Hội đồng thi.
Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đồng thời điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Bộ sẽ sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.
Cụ thể là mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và đảm bảo trong suốt quá trình xử lý bài thi. Cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm. Đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học, cao đẳng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp. Dự kiến, điểm xét tốt nghiệp Trung học phổ thông gồm 70% điểm trung bình các bài thi Trung học phổ thông quốc gia dùng để xét tốt nghiệp + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Năm 2018, tỷ lệ này là 50%-50%. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố công khai, rộng rãi thông tin tổng hợp phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi.
Bộ cũng tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tự chủ. Theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.
Thứ năm, Bộ phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi; yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn, phân công cán bộ tham gia tổ chức thi theo đúng quy định của quy chế, đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực và có ý thức trách nhiệm cao tham gia Kỳ thi.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), mọi giải pháp, thiết bị công nghệ cũng không thể vượt qua trách nhiệm, ý thức của con người. Do đó, cùng với giải pháp công nghệ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng thành phần, từng đối tượng tham gia các khâu của quá trình tổ chức thi, được cụ thể hóa trong quy chế thi và văn bản hướng dẫn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương phải chủ động, đề cao trách nhiệm và phải sát cánh cùng với Bộ, cộng đồng trách nhiệm thì mới có thể tổ chức tốt, thành công Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.