Việc mua sách giáo khoa chỉ để dùng một lần rôi bỏ là tốn kém cho xã hội.
Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt
Đưa ra dẫn chứng về cách thức đánh vần tam giác, ô vuông, có nhiều bài văn có quan điểm khác lạ trong chương trình thí điểm thực nghiệm công nghệ giáo dục, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện phân tích: Điều 100 của Luật Giáo dục hiện hành quy định, khi có thay đổi về chủ trương lớn trong chương trình giáo dục, Chính phủ phải trình Quốc hội về sự thay đổi đó.
“Hiện tại Hà Tĩnh 100% đã dùng sách công nghệ giáo dục. Như vậy là đại trà chứ không phải thí điểm nữa” - bà Hải nói, đồng thời chỉ ra thực tế ngày 11/9 từ 17h-19h bà đã đi quanh các cửa hàng sách lớn ở Hà Nội để tìm hiểu và mua sách công nghệ giáo dục nhưng không mua được - “Vấn đề đặt ra là phụ huynh muốn mua cho con học thì mua ở đâu? Hay việc mua bán cũng độc quyền luôn? Vậy việc cung cấp sách có mang tính độc quyền hay không?”.
Theo bà Hải, luật hiện hành quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK trong giảng dạy, thì cũng cần phải bổ sung thêm quyền của người học và phụ huynh học sinh. Vì thực tế có việc phụ huynh đã gửi đơn lên Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Tiền Giang kiến nghị không cho con họ học theo chương trình công nghệ giáo dục. Do đó, mọi thứ cần công khai để xem ý kiến cha mẹ học sinh có muốn cho con họ học theo chương trình đó hay không, vì đó là quyền của người học.
Giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, gần đây có rộ lên câu chuyện tài liệu dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học. Năm trước thì có câu chuyện phát âm liên quan đến đề xuất của nhà giáo Bùi Hiển. Ngay lúc đó, ông đã nói Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt. Những tranh luận vừa qua cũng chỉ là về phương pháp dạy phát âm cho trẻ chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt. “Bàn về giáo dục phải rất thận trọng. Tôi khẳng định lại cải cách tiếng Việt thì Chính phủ chưa có chủ trương, ít nhất là trong giai đoạn một số năm tới đây”- Phó Thủ tướng khẳng định.
Sách giáo khoa dùng 1 lần là tốn kém cho xã hội
Đưa ra dẫn chứng thời xưa SGK phổ thông 10 năm vẫn dùng được, anh dùng xong để lại cho em, còn bây giờ thì trường này học được, trường khác không học được; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, như vậy là tốn kém cho xã hội. Qua đó ông đề nghị xem xét lại quy định cho phép các trường tự lựa chọn SGK vì có thể dẫn đến việc các trường chọn sách không theo chính quy.
“Sách phải theo quy trình chung chứ không thể mỗi nơi mỗi kiểu. Chỉ ở những nơi như miền núi, vùng đồng bào dân tộc, có những loại sách không cần thiết thì có thể lược bỏ bớt. Chúng ta phải tính đến ở góc độ xã hội và theo khả năng của gia đình”- ông Hiển cho hay.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho rằng cần phải hết sức cân nhắc về vấn đề này, nhất là cấp 1, và lớp 1. “Hiện nay cử tri hết sức bức xúc việc SGK chỉ sử dụng được 1 lần. Tính bình quân mỗi năm phụ huynh phải chi 1.000 tỷ đồng để mua SGK với mục đích sử dụng 1 lần do có phần bài tập đi kèm, còn chương trình chung thì vẫn như thế. Trước kia bài tập viết vào vở bài tập, còn bây giờ thì viết vào sách. Cho nên sách cũ sang năm sau là không dùng được” - bà Hải nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, không thể để nhà trường tự chọn SGK. Bởi một môn lại có nhiều sách dễ dẫn đến tình trạng giáo viên gợi ý gia đình phải mua sách này sách kia, không mua sách thì lúc chấm điểm lại gây khó khăn.
Thực nghiệm, thí điểm nhiều làm khổ học sinh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bây giờ khai giảng chỉ đánh trống trong khi học sinh đã học trước đó cả 1 tháng, như vậy là hình thức. “Tôi thấy thương cho các cháu học sinh, bây giờ các cháu học rất khổ sở. Ngày xưa tôi đi học, cách đây 50-60 năm, những bài học vỡ lòng gần như vẫn còn nguyên vẹn. Nghỉ 3 tháng hè là trọn vẹn, chứ bây giờ làm gì có hè, không có tuổi thơ, không có vui chơi”.
Đồng tình với việc cải cách giáo dục phải theo xu thế thời đại, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý cải cách phải có tính ổn định, chứ giờ hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, mà thực nghiệm thì đã có từ lâu. “Bây giờ thực nghiệm, thí điểm nhiều quá làm khổ học sinh. “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” thì hôm nay phải làm gì thì mới có ngày mai chứ”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
>> XEM THÊM: 'Bóc mẽ' những tuyệt chiêu học bài và ghi nhớ sáng tạo có 1-0-2 được giới trẻ truyền nhau