Được học tập tại trường THTP chuyên ở Hà Nội là mơ ước của nhiều học sinh. Thực tế, việc thi đỗ vào các trường này không hề đơn giản bởi các em sẽ phải đối diện với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng.
Với các học sinh trường 'top' thì có lẽ ngay từ khi học ở trường đã được các thầy cô và nhà trường tư vấn và định hướng sẵn. Một số trường thì thậm chí lớp 8 đã phân lớp 'chuyên' và được học chuyên sâu có định hướng rõ ràng cho cấp 3. Nên việc các bạn ấy đỗ 3-4-5 trường chuyên, thậm chí 2-3 môn chuyên là dễ hiểu. Nhưng thực tế cho thấy, các học sinh trường 'ngoài top' hàng năm cũng có tỷ lệ đỗ chuyên rất cao.
Vậy làm thế nào để có thể chuẩn bị chắc chắn cho kỳ thi vào 10 và xa hơn? Nên chọn trường ra sao, ôn luyện thế nào nếu có định hướng thi vào chuyên cấp 3 ở Hà Nội?
Lựa chọn mục tiêu (trường) phù hợp
Theo anh Ngô Huy Trung, admin nhóm ''Đồng hành cùng các kỳ thi HSG Tiếng Anh' - đồng thời là có hai con trai đang theo học tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam: Muộn nhất là hết kỳ 1 lớp 9, cần phải xác định rõ trường nào là ưu tiên số 1 của mình để dồn sức hợp lý. Không tính số lượng môn thi khác nhau thì yêu cầu - cách ra đề - dạng bài của từng trường cũng khác nhau (với cả môn chuyên). Những cảm thấy lực học không chắc chắn thì càng cần thiết phải chốt trường nào là ưu tiên số 1.
Anh Trung và con trai thứ hai trong dịp lễ tuyên dương khen thưởng đạt giải Nhì Quốc gia môn Hóa học năm học 2022 - 2023. Con trai lớn anh Trung cũng 2 lần đạt HSG Quốc gia.
Bên cạnh đó, từ năm học 2024-2025 sẽ xoá sổ các lớp cận chuyên, lớp chất lượng cao của một số trường cũng rất tốt - trừ việc học phí hơi cao. Đây là lựa chọn rất tốt với các bạn không chắc chắn môn chuyên.
Anh Trung nhấn mạnh, học giỏi rất tốt, nhưng cần cân bằng giữa học - chơi và sức khỏe cũng rất quan trọng. Nói thế nhưng để chơi giỏi đúng cách cũng không hề đơn giản. Cũng như học, nếu bố mẹ, các con không xác định chơi nghiêm túc, kiểu cứ kệ nó miễn là... chơi thì hiệu quả cũng rất thấp.
Có bạn học đàn 2 năm nhưng đọc bản nhạc ấp úng, cách chơi sai be bét mà sửa lại còn khó hơn tập mới. Có bạn tập võ 2 - 3 năm không thuộc bài quyền nào. Có bạn thì theo trào lưu cái gì cũng tham gia, nhưng sau một thời gian ngoảnh lại nhìn thì chả thạo cái gì. Vì vậy, nếu đã xác định đầu tư đồng hành cùng con thì kể cả chơi cũng phải... đồng hành thì hiệu quả mới tốt được.
Ôn luyện các môn thi
1. Môn tiếng Anh
Theo anh Trung, các bạn nếu học sớm tiếng Anh để giao tiếp, để sử dụng nó như là công cụ trong cuộc sống thì rất tốt, tùy điều kiện từng nhà để phân phối hợp lý. Tuy nhiên nếu 'học tiếng Anh chỉ để đi thi', tức là bỏ quá nhiều thời gian, học 1 đống kiến thức ngữ pháp mà hiếm khi vận dụng nó trong thực tế sẽ khá lãng phí.
Tất nhiên, nếu như định hướng là thi vào Ams thì vẫn phải... vào lò luyện nhưng cũng không cần quá mức. Con anh Trung giữa kỳ 1 năm lớp 9 mới xác định Ams là mục tiêu chính và bắt đầu để ý đến tiếng Anh (trước đó bạn học thêm tiếng Anh tuần 1 buổi). Kết quả bạn được 7.5 điểm - không cao nhưng chấp nhận được so với công sức bỏ ra.
2. Môn Toán
Môn chính mà bất kỳ chuyên gì cũng cần, tuy nhiên mức độ yêu cầu khác nhau, và nếu đã có định hướng rõ thì cần tỉnh táo phân phối hợp lý. Trừ các bạn chắc chắn định hướng chuyên Toán và ... nghiện thi các thể loại Toán học sinh giỏi thì với lớp 6-7 chỉ cần học chắc chắn kiến thức trên lớp, và đọc, làm bài tập trong quyển 'Nâng cao & phát triển Toán 6-7' có lẽ là đủ.
Việc các bạn mới lớp 6-7 mà đi học thêm 4-5 chỗ (trong khi chưa biết có thi chuyên Toán hay không) là quá lãng phí và chưa chắc đã hiệu quả. Đi học thêm (nếu có) cũng chỉ cần 1 buổi/tuần, sau đó về nhà làm và hiểu hết bài tập của thầy cô giao đã là quá tốt.
Lớp 9, sau khi đã xác định chắc chắn môn chuyên và trường chuyên thì có lẽ mới cần điều chỉnh phù hợp. Nếu xác định các trường chuyên của Sở là mục tiêu chính thì cũng chỉ cần duy trì học như các năm trước. Nếu xác định thi KHTN hay SP là mục tiêu chính thì có thể cần bổ sung (tùy vào năng lực tại thời điểm đó kết hợp xin lời khuyên tư vấn trực tiếp từ thầy cô giáo đang dạy).
Với đề thi vào 10 của Sở GD-ĐT những năm gần đây, các bạn không thi chuyên Toán thì chỉ cần 9 điểm là quá tốt. Mà để đạt được điểm số này thì chỉ cần chắc chắn kiến thức cơ bản ở trường lớp, nếu có học thêm cũng không cần nhiều, mà quan trọng là sự tự rèn luyện để làm chắc ăn chặt không mất điểm đáng tiếc.
3. Môn Văn
Với các bạn thi trường công vào 10 và chuyên của Sở GD Hà Nội thì thời gian công sức bỏ ra để kiếm thêm 01 điểm Văn có lẽ thuận lợi hơn rất nhiều kiếm thêm 0.5 điểm Toán. Tuy nhiên rất nhiều bạn chủ quan và trượt chuyên (dẫn đến trượt cả công lập top) do môn Văn điểm thấp.
Theo anh Nguyễn Kim Phương, một admin của nhóm ''Đồng hành cùng các kỳ thi HSG Tiếng Anh', với môn Văn, học sinh nên đi học thêm từ lớp 8 và nên chọn những thầy cô có kinh nghiệm lâu năm, trường lớn và có tham gia chấm thi nhiều năm. Thầy cô sẽ dạy theo kiểu áp công thức vào Văn để đi thi làm sao đủ ý nhất, tránh viết bay bổng mà lại không đủ ý gây ra mất điểm. Hơn thế văn nhân hệ số 2 nên đỗ trượt vào 10 công lập nhiều khi phụ thuộc chính là ở môn Văn này.
Anh Nguyễn Kim Phương có nhiều kinh nghiệm trong việc đồng hành cùng con học tiếng Anh và chinh phục các giải thưởng, học bổng trong nước và quốc tế.
4. Môn chuyên
Đã xác định là môn chuyên chính, thì chắc chắn là phải học hành nghiêm túc và cẩn thận. Tùy từng môn và từng bạn nhưng càng chuẩn bị sớm càng tốt. Tuy nhiên cũng không cần quá nhiều. Nếu có học từ sớm thì cũng chỉ cần duy trì tuần 01 buổi - lên lớp 9 tăng tốc sau. Bắt đầu vào kỳ 2 lớp 9 thì phải đảm bảo đã học hết chương trình và tập trung vào rèn luyện đề, kỹ năng giải bài... Nói chung nếu đã theo học ở đâu đó thì các thầy cô đều sẽ có những tư vấn và chuẩn bị kỹ lưỡng cho học sinh.
Đừng xem 'thầy - cô' là bảo bối ngay lập tức biến con mình thành siêu nhân
Các thầy cô có tên tuổi đều có đủ trình độ và kinh nghiệm nhưng chẳng có đũa thần nào ngay lập tức biến con mình thành siêu nhân. Chọn thầy giỏi quan trọng, nhưng lớp học có phù hợp với trình độ, sở thích của con không cũng rất quan trọng. Trình độ chênh lệch quá với mặt bằng của lớp thì đều không tốt.
Ngoài ra còn xem xét đến cả yếu tố các bạn học cùng. Có trường hợp lớp đó có 1 bạn dù giỏi nhưng rất nghịch ngợm, và các bạn 'hiền hiền' rất khổ sở và ức chế khi bị bạn ấy trêu chọc. Rõ ràng như vậy cũng không thể học hiệu quả.
Sự tương tác giữa 3 kênh: Thầy - trò - phụ huynh cần được xét đến. Đâu đó có những topic lên án, đổ lỗi cho thầy cô/trường học khi con mình không đạt kết quả như mong muốn. Nhưng lỗi đầu tiên trước hết phải thuộc chính bản thân phụ huynh đã. Mình đã thực hiện đúng vai trò 'đồng hành' cùng con chưa? Đã bao giờ chủ động gặp thầy cô để hỏi ý kiến, trao đổi về tình hình học của con chưa?
Chẳng có thầy cô nào từ chối khi phụ huynh hỏi về tình hình học của con cả, thậm chí họ còn... mong chờ được hỏi. Có phụ huynh mặc dù cũng rất nhiệt tình đưa đón con đi học suốt năm nhưng không biết mặt thầy cô giáo. Như vậy thì lấy đâu ra thông tin trực tiếp khách quan về tình hình học của con ?
Bên cạnh đó, cần xác định mức độ ưu tiên không phù hợp. Ví dụ rõ ràng là định thi chuyên Lý, kiếm được thầy - lớp phù hợp, con rất thích nhưng mẹ vẫn không cho theo học được vì buổi đó trùng với buổi tiếng Anh. Vậy nghĩa là bản thân gia đình chưa thực sự nghiêm túc xem đó là ưu tiên chính, sẽ rất khó đạt kết quả tốt nhất.