Hàng trăm phụ huynh xếp hàng tại cổng Trường Tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông, Hà Nội) xuyên đêm để đăng kí cho con vào lớp 1. Ảnh: Vân Trang.
Áp lực những đứa trẻ phải giỏi từ vạch xuất phát
Hiện ở nhiều khu vực thành thị, ngoài các trường công lập đúng tuyến, gần nhà đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phân tuyến tuyển sinh thì còn có sự xuất hiện của nhiều trường công lập chất lượng cao, trường dân lập, trường quốc tế… Tùy vào độ hot cũng như học phí của từng trường mà số lượng học sinh đăng ký sẽ khác nhau. Trong đó, với những trường đã xây dựng được thương hiệu lâu năm, có chất lượng đầu ra đảm bảo và học phí phù hợp với điều kiện của một bộ phận gia đình sẽ nhận được sự quan tâm lớn của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, do chỉ tiêu có hạn, nguyện vọng đăng ký thì đông nên tùy từng trường sẽ có phương án tuyển sinh khác nhau để chọn những học sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường.
Chị Lã Thu Thảo (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Con chị năm nay học lớp 2 một trường công lập gần nhà. Năm ngoái, gia đình định hướng cho cháu vào một trường tư thục có tiếng của Hà Nội sau khi tham khảo rất nhiều người quen đã có con học trường đó. Bắt đầu học lớp tiền tiểu học từ ngay sau Tết, khi đó dịch bệnh Covid-19 nên các lớp học này còn tổ chức online, con học, bố mẹ ngồi cùng bên cạnh rất vất vả. Sau đó là đến đoạn xếp hàng để mua được bộ hồ sơ còn hơn may rủi, học trải nghiệm do nhà trường tổ chức vào thứ 7 hàng tuần, học trong 6 tuần, học phí 500 nghìn/buổi. “Kỳ công thế mà con không đỗ, gia đình đã rất buồn. May là sau học trường công, con lại thích nghi tốt, rất vui vẻ đi học và gặp được cô giáo có phương pháp sư phạm tốt và tâm lý” - chị Thảo cho hay.
Năm học 2023-2024, mặc dù ngành giáo dục Thủ đô đã đầu tư xây dựng phát triển hệ thống trường lớp, không để học sinh thiếu chỗ học ở những địa bàn đông dân cư song trên thực tế, những câu chuyện “vỡ trận” trong tuyển sinh lớp 1 đã xảy ra tại trường Tiểu học Vạn Bảo (Hà Đông, Hà Nội) hay nhiều ngôi trường khác của Thủ đô và một số địa phương khác. Nguyên nhân có thể lý giải là do cung không đủ cầu.
Nói về câu chuyện ở trường Tiểu học Vạn Bảo, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông cho biết, dự kiến năm học sau sẽ tham mưu với UBND quận có điều chỉnh về phương thức tuyển sinh vào trường để giảm bớt áp lực, vất vả của phụ huynh. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề là cần tiếp tục xây dựng thêm trường học nhằm đáp ứng nguyện vọng nhu cầu của phụ huynh và học sinh.
Căng thẳng giành suất lớp 1
“Học tiền tiểu học” không phải là cụm từ xa lạ với nhiều phụ huynh có con đã và đang chuẩn bị vào lớp 1. Ngay cả khi gia đình định hướng vào trường công lập thì hầu hết đều đăng ký cho con tham gia các lớp tiền tiểu học nhưng thực chất là tập đọc, tập làm toán, viết chữ mà không phải là các lớp rèn kỹ năng cần thiết để con sẵn sàng chuyển từ ngôi trường mầm non sang trường tiểu học. Hành trang vào lớp 1 của con mà nhiều ông bố bà mẹ hiện nay lựa chọn đó là con biết làm tính cộng trừ trong phạm vi 100, con viết được cả mặt giấy, con đọc rành rọt cả một bài báo…
Còn với các ngôi trường điểm, thậm chí trẻ phải ôn thi để giành suất vào lớp 1 chứ không chỉ là học mỗi làm toán, tập đọc, tập viết. Thậm chí có nhiều phụ huynh lặn lội khắp các diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm của các bố mẹ đi trước, về việc luyện thi ở đâu, với giáo viên nào, bắt đầu từ thời điểm nào là tốt nhất. Phụ huynh không quản nắng mưa để đưa con đến nhà giáo viên để luyện thi hàng tuần. Dù chưa căng thẳng như luyện thi vào lớp 10 hay luyện thi tốt nghiệp THPT nhưng với những đứa trẻ còn đang ở độ tuổi mẫu giáo mới chập chững những bước đầu tiên vào con đường học tập, lịch học tập như vậy có thể dẫn tới quá sức với nhiều học sinh.
Nói về thực trạng này, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thẳng thắn nhìn nhận, việc dạy học sớm nội dung chương trình lớp 1 cho trẻ vẫn diễn ra ở một số địa phương, đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.
“Dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt” – TS Thái Văn Tài nói và cho rằng các bậc phụ huynh có thể yên tâm vì chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thiết kế theo hướng bắt buộc học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học (chương trình 2006 quy định học 1 buổi/ngày). Do vậy, nhà trường và giáo viên tiểu học có nhiều thời gian hơn giúp cho học sinh củng cố kiến thức để đạt yêu cầu khi hoàn thành chương trình lớp 1, giúp học sinh có nền tảng vững chắc khi học lên lớp trên.