Học sinh học trực tuyến phòng Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.
Giảm áp lực cho học sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) An Giang vừa có công văn về việc tạm nghỉ dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình từ ngày 29/11 đến ngày 5/12/2021 với bậc tiểu học. Theo Sở này, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sức khoẻ, giảm áp lực căng thẳng học trực tuyến kéo dài cho giáo viên và học sinh tiểu học, sau thời gian dạy và học 9 tuần, Sở GDĐT hướng dẫn tạm nghỉ dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình.
An Giang có lẽ là địa phương đầu tiên cho học sinh tạm dừng học trực tuyến để giảm căng thẳng. Sở GDĐT tỉnh cũng lưu ý, trong thời gian tạm nghỉ, giáo viên và học sinh phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Trước đó tại Hà Nội, bắt đầu từ tháng 11, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thông báo áp dụng lịch học mới với 30 phút mỗi tiết (thay vì 45 phút theo thời khóa biểu cũ) và nghỉ 5 phút giữa 2 tiết. Mỗi buổi, học sinh học 4 - 5 tiết. Đây cũng là trường phổ thông đầu tiên tại Hà Nội điều chỉnh tiết học trực tuyến xuống còn 30 phút.
Ông Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên cho biết, thời gian 30 phút đó chủ yếu để giáo viên hướng dẫn, trao đổi, thảo luận. 15 phút của tiết học theo thời khóa biểu cũ dành cho các em tự học ở nhà, để giờ học hiệu quả hơn. Qua 2 tháng học, nhà trường đã phát hiện hiệu quả và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng. Một số bạn trong quá trình học nhiều với máy tính mất đi sự tích cực khi tương tác với các bạn khác hoặc thầy cô. Như vậy, thay vì phải 'ôm' máy tính suốt 4 tiếng liên tục, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên hiện giờ chỉ học từ 7h đến 10h25 buổi sáng. Việc điều chỉnh giảm thời lượng học trực tuyến của học sinh xuống còn 30 phút mỗi tiết học đã giúp giảm áp lực cho cả học sinh và phụ huynh.
Sớm đánh giá hiệu quả học trực tuyến
Phân tích từ các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cần phải có nghiên cứu khoa học về dạy học trực tuyến. Từ đó mới xác định chiến lược thích ứng tổng thể.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cũng tiếp tục nêu ý kiến về việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Cụ thể, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, đoàn Kon Tum) cho rằng, rất nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, không thể trang trải số tiền hơn 3 triệu để mua điện thoại thông minh hoặc khoảng 10 triệu đồng cho một chiếc máy tính để con em học trực tuyến. Bà Phước đề nghị Chính phủ và Bộ GDĐT nên xem xét bổ sung, làm rõ nội dung này trong báo cáo và có những định hướng, giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới. Bộ GDĐT cần khẩn trương đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, sinh viên thời gian qua, xác định những vướng mắc, bất cập và có những giải pháp để giải quyết, phát huy tốt ưu điểm của hình thức giáo dục đào tạo trực tuyến trong thời gian tới.
Trước quan tâm của đại biểu Quốc hội về dạy- học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, dạy học trực tuyến 'không thể đòi hỏi chất lượng như dạy trực tiếp'. Vì vậy, Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi kiểm tra, đánh giá các em.
Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 được Quốc hội thông qua vừa rồi, Quốc hội yêu cầu ngành Giáo dục đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch Covid-19, nhất là hiệu quả của việc học trực tuyến để có chiến lược thích ứng. Cụ thể, đầu năm 2022, ngành Giáo dục cần tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học để sớm có giải pháp bảo đảm chất lượng.