Đau tai, mỏi mắt vì học trực tuyến
Chị Đỗ Thanh Xuân (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết con gái học lớp 3 của chị đang chịu áp lực lớn khi học trực tuyến. Buổi sáng bé vào học từ 7h45' đến 11h00' mới được nghỉ, trong giờ học được giải lao 5 phút. Ngoài học các môn chính thì bé còn học các môn khác như thể dục, hát, vẽ ngoài giờ. Một tuần bé học online 3 buổi môn tiếng Anh.
Vì học trực tuyến quá nhiều, làm bài tập cũng phải nhìn đề từ màn hình máy tính nên gần đây bé thường xuyên nháy mắt. Ngoài ra, bé cũng than thở bị đau tai sau khi đeo tai nghe lâu.
Hay như bé Nguyễn Thành Khang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng TIC do nhìn vào điện thoại quá nhiều, phải chuyển sang chuyên khoa sức khoẻ tâm thần nhi để theo dõi tư vấn và điều trị.
Mẹ của Khang cho biết bé học lớp 2, hiện nay bé ở nhà học bằng điện thoại vì gia đình chỉ có 1 máy tính xách tay dành cho bố đi làm. Ngoài giờ học trực tuyến, bé cũng hay tranh thủ ôm điện thoại chơi game. Hai tuần nay, gia đình thấy con thường hay nháy mắt, giật giật mắt và có các biểu hiện rất lạ như chun mũi, lắc lắc vai.
Ảnh minh hoạ.
Theo BS Nguyễn Thành Danh, Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thì những năm gần đây Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều những ca rối loạn TIC ở trẻ em, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường.
Bên cạnh những bất thường não di truyền hoặc các chất dẫn truyền thần kinh và một số yếu tố sinh học, việc tiếp xúc với thiết bị điện tử sớm và kéo dài cũng được cho là một trong những yếu tố thuận lợi có thể gây ra hội chứng này.
TIC được chia thành nhiều nhóm: TIC vận động, TIC âm thanh đơn giản, tạm thời; TIC phức tạp, mãn tính cho đến hội chứng thần kinh Tourette.
Biểu hiện trẻ bị TIC thường nháy mắt liên tục, chun mũi, nhún vai, lắc đầu… là các triệu chứng thường gặp trong rối loạn TIC vận động. Hiện nay, quá trình điều trị rối loạn TIC thường kéo dài; xoay quanh các liệu pháp tâm lý - hành vi, kết hợp sử dụng thuốc. Phụ huynh nên chú ý phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời.
Thiết kế việc học online an toàn cho trẻ
BS Nguyễn Thành Danh cho biết, trong hoạt động học trực tuyến, việc tập trung vào màn hình thiết bị điện tử nhiều sẽ khiến mắt của trẻ gặp một số ảnh hưởng nhất định. Khoảng cách giữa thiết bị và trẻ, ánh sáng chưa đủ… có thể gây nên vấn đề về mắt cho trẻ.
Khi nhìn chăm chú, số lần chớp mắt ở trẻ giảm hẳn, chỉ còn 7-8 lần/phút thay vì 15-16 lần/phút gây nên cảm giác khô rát, mỏi mắt. Khi trẻ học cần áp dụng nguyên tắc 20 - 20 - 20 như một cách để giảm nhức mỏi mắt hiệu quả. Quy tắc này được mô tả sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, cần cho mắt nghỉ ngơi 20 giây bằng cách nhìn xa 20 feet (khoảng 6m).
Các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh, có bước sóng nằm sát với tia tử ngoại gây nguy cơ giảm và mất thị lực. Để phòng tránh tác hại của ánh sáng xanh, phụ huynh nên sắp xếp cho trẻ thời gian biểu học tập hợp lý, chỉnh chế độ 'night light' trên màn hình máy tính. Bên cạnh đó, trẻ cần được mang kính có chức năng lọc ánh sáng xanh khi sử dụng thiết bị điện tử.
Khi trẻ học, phụ huynh nên đặt thiết bị điện tử sao cho trung tâm màn hình thấp hơn vị trí của mắt khoảng 10cm; không đặt màn hình thẳng đứng nhằm tránh tình trạng phản chiếu ánh sáng. Khoảng cách giữa thiết bị và học sinh là 40cm đối với điện thoại di động; 60-65cm đối với máy tính để bàn, máy tính xách tay (ngón tay chạm màn hình khi trẻ duỗi thẳng cánh tay). Với tivi, khoảng cách ước lượng lớn hơn 1,5 lần kích thước màn hình. Ví dụ: tivi 50 inches, khoảng cách phù hợp >75 inches, tương đương khoảng 2m.
Ngoài ra, BS Danh khuyến cáo cần hạn chế cho trẻ học bằng điện thoại bởi màn hình điện thoại khá nhỏ, tốt nhất nên sử dụng máy tính để bàn (desktop) hoặc máy tính xách tay (laptop). Có thể sử dụng tivi kết nối với máy tính xách tay để có được một màn hình lớn hơn, tuy nhiên cần lưu ý đến độ cao và khoảng cách của tivi đối với vị trí của trẻ.
Trẻ có các biểu hiện đỏ mắt, cảm giác cay mắt, khô rát, chảy nước mắt, chớp mắt, dụi mắt, đau nhức mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nheo mắt, nhìn mờ khi thay đổi khoảng cách giữa xa và gần, đau đầu, mỏi vai gáy... thì cần cho trẻ đi kiểm tra thị lực để đánh giá thị lực cho trẻ, tránh hiện tượng trẻ cận thị nhưng không được điều trị.