Chuẩn bị thí điểm thi trên máy tính
Dự kiến, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố cụ thể phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ, kỳ thi năm 2021 sẽ giữ hình thức thi trên giấy giống như năm 2020. Hướng tới triển khai thí điểm hình thức thi trên máy tính.
Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Đây không phải lần đầu Bộ GD&ĐT đề cập đến phương án tổ chức thi trên máy tính, bởi để tổ chức thi trên máy tính cần có lộ trình đảm bảo tính khả thi. Giai đoạn này, Bộ sẽ thí điểm tổ chức thi trên máy tính để từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.
Đánh giá về phương án thi tốt nghiệp THPT trên máy tính, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, phương án thi THPT sau năm 2020 phải theo kịp được sự phát triển của giáo dục thế giới, ứng dụng được tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, theo đó thi trên máy tính cũng là phương án hiện đại phù hợp.
Hình thức thi trên máy tính hoặc kết hợp thi trắc nghiệm trên máy và thi tự luận trên giấy sẽ góp phần làm giảm tiêu cực trong thi cử. Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị sớm 3 điều kiện quan trọng: Ngân hàng đề thi, máy tính và đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi. Nên triển khai thí điểm ở những vùng thuận lợi trước khi áp dụng đại trà.
Kỳ thi trên máy tính của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015. Ảnh: VNU
Từ kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi theo hình thức trực tuyến trong nhiều năm qua, ông Đặng Quang Hùng - Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, việc tổ chức thi THPT Quốc gia trên máy tính là phương án hoàn toàn thực tế, phù hợp với xu thế ứng dụng sâu rộng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống cũng như giải quyết được nhiều bất cập của cách tổ chức thi truyền thống (giảm các khâu số hóa, in ấn, giảm bớt sự tham gia của yếu tố con người, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí...).
Đặc biệt, khi thi trên máy tính sẽ giúp đánh giá năng lực thí sinh tốt hơn các đề thi trên giấy, ví dụ các bài nghe của môn Ngoại ngữ hay cho thí sinh xem các đoạn phim trong đề thi từ đó lựa chọn đáp án…
Chuẩn hóa ngân hàng đề thi và hệ thống thi
Chia sẻ thêm về lợi ích mà kỳ thi trên máy tính mang lại, ông Đặng Quang Hùng cho hay, khi thi trên máy tính, cơ sở dữ liệu của các kì thi trên máy sẽ được lưu trữ và sử dụng nhiều cho các hoạt động chuyên môn ngoài việc phân tích phổ điểm. Với các đề thi được chuẩn hóa, dữ liệu từ các kì thi trên máy tính có thể được phân tích để tối ưu cho việc dạy và học trong các chu kì học tập tiếp theo đối với cả người học và người dạy một cách hiệu quả nhất. Nếu làm bài thi THPT Quốc gia trên máy tính, đây cũng là một trong những cách giúp nhà trường và học sinh có thể làm quen và hoàn thiện các kỹ năng kiểm tra, thi cử trên công nghệ.
Tuy nhiên theo ông Hùng, điều kiện khó nhất để chuẩn bị cho kỳ thi trên máy đó là việc chuẩn bị, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi sao cho có thể đảm bảo tính công bằng cho từng thí sinh (do thi ở các nơi khác nhau, theo các đợt khác nhau). Việc cần phải có một ngân hàng đủ lớn để giảm thiểu tính lặp cũng như để có thể xây dựng ra các đề thi với tiêu chuẩn kiến thức, độ khó, độ phân biệt, độ nhiễu... là tương đương nhau, đòi hỏi một sự chuẩn bị rất công phu.
Cùng với đó, hệ thống thi phải được thiết kế thực sự thân thiện, có nghiên cứu trải nghiệm người dùng đủ tốt để mọi học sinh đều có thể dễ dàng sử dụng. Khi đó, sẽ giảm sự mất công bằng giữa các thí sinh khi mà họ có trình độ sử dụng máy tính khác nhau. Cần chuẩn bị các điểm thi phù hợp cho thí sinh di chuyển cũng như có thể được tập dượt nhiều lần làm quen với phương thức thi trên máy, tránh những lúng túng và sai sót không đáng có cho thí sinh.
"Sự chuẩn bị và sẵn sàng để thay đổi mới là điều quan trọng nhất. Chúng ta chỉ nên bắt đầu khi có sự sẵn sàng và khi đó yếu tố thành công sẽ cao hơn rất nhiều. Còn khi thất bại, dù là hình thức nào, nếu thất bại cũng đều gây hậu quả và sự lãng phí. Thực tế, có nhiều cách để chúng ta nghiên cứu và triển khai, như việc có thể làm từng bước, quy mô nhỏ trước rồi diện rộng sau. Ban đầu có thể thí điểm trong một số địa bàn hoặc cho phép thí sinh lựa chọn hình thức thi (online hoặc giấy)", ông Đặng Quang Hùng cho hay.
Trước đây, thi trên máy tính cũng đã áp dụng tại kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2015 và 2016. Để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 195 phút. Ngoài yếu tố thoải mái từ các thí sinh, một điểm khác biệt nữa so với kỳ thi "truyền thống", đó là thi trên máy tính sau khi kết thúc bài thi, thí sinh biết điểm luôn, việc công bố điểm cũng diễn ra khá nhanh.