Nỗi buồn muôn thuở mang tên trượt đại học
Những ngày qua, dư luận xôn xao về trường hợp thí sinh H tại Quảng Nam quyên sinh tại nhà, nguyên nhân ban đầu được cho là do buồn nản chuyện trượt đại học. Trước đó, nữ sinh H đã ấp ủ ước mơ trở thành sinh viên của một trường kinh tế lớn tại TPHCM nên em rất chăm học, luôn là học sinh khá giỏi và đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, H được 24,5 điểm ở tổ hợp các môn khoa học tự nhiên, tưởng như đã đỗ đại học, song lại không. Dù sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ, song sự ra đi của nữ sinh này khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Kỳ tuyển sinh đại học 2020 đang ở giai đoạn 2/3 chặng đường, kết thúc xét tuyển đợt 1, tại nhiều trường đại học 'top đầu' đã chứng kiến điểm chuẩn tăng kỷ lục, nhiều trường và ngành 'hot' có điểm trúng tuyển từ 28-30 điểm, đồng nghĩa với việc ngay cả khi có 3 điểm 9 vẫn trượt. Kết thúc đợt 1, phần lớn các trường 'top đầu' đã đủ chỉ tiêu, số chỉ tiêu còn lại ở các trường dù còn, nhưng cuộc cạnh tranh cũng được dự báo là quyết liệt, các thí sinh cần thận trọng với mong có tấm vé vào đại học. Nếu không sẽ phải ngậm ngùi chia tay giấc mơ vào đại học trong năm nay vì những trường, ngành học hấp dẫn chỉ còn rất ít.
Sau mỗi kỳ thi, nhiều thí sinh áp lực phải thi đạt điểm cao và đỗ đại học. Ảnh minh họa: Q.Anh
Nhiều năm làm công tác giảng dạy, quản lý ở bậc THPT, thầy Nguyễn Quốc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chỉ ra thực trạng hiện nay có một nỗi buồn mang tên trượt đại học, đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các thí sinh trước và sau kỳ thi. Nguyên nhân cũng là bởi sự kỳ vọng và là 'bệnh thành tích' từ các trường học hiện nay, khiến thí sinh bị áp lực rất lớn, nếu trượt sẽ rơi vào trạng thái suy sụp, đã có em nghĩ quẩn làm điều dại dột. Thực trạng này dù đã cảnh báo, song đến nay vẫn là điều trăn trở của rất nhiều người làm giáo dục.
Cũng theo thầy Bình, bệnh thành tích của nhà trường đưa điểm số, tỷ lệ đỗ đại học vào làm tiêu chí thi đua của nhà trường, giáo viên cũng đã gây áp lực đối với học sinh, các em học tập để thi đỗ để nhà trường, giáo viên hài lòng. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ, gia đình học sinh cũng đặt nặng lên đôi vai của học trò nhiệm vụ phải thi điểm cao, đỗ đại học, nhất là các trường danh tiếng.
Khi kết thúc tuyển sinh, nhiều học sinh cũng khoe chuyện đỗ đại học, rồi người thân, hàng xóm cũng hỏi han nhiều, vô tình tạo áp lực thất bại với người thi trượt. Qua đây cũng thấy rằng công tác tư vấn học đường hiện nay ở các trường còn thiếu, chưa hiệu quả ở nhiều nơi dẫn đến học sinh chưa trang bị cách ứng phó khi tình huống xảy ra.
Đại học không phải con đường duy nhất
Câu chuyện sức ép thi cử cũng là trăn trở của ThS Nguyễn Sóng Hiền (Thành viên Liên đoàn các nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Australia). Theo thầy Sóng Hiền, ở nước ta vẫn còn tồn tại một định kiến rằng phải vào đại học để chứng tỏ mình là người có trình độ cao, được xã hội tôn trọng, có cơ hội thăng tiến nhưng thực tế thì không hẳn như vậy.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy, hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp thậm chí giấu bằng đại học để đi học nghề, chạy Grab hay đi xuất khẩu lao động làm công nhân... Đó là một sự lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Nó cũng phản ánh cho nhận thức xã hội coi trọng và đề cao bằng cấp và không coi trọng năng lực, chạy theo những thành tích ảo. Kéo theo những bi kịch không đáng có như việc học sinh bị sốc, tự tử vì không đậu đại học, điểm kém.
Cũng theo ThS Nguyễn Sóng Hiền, ở Australia xã hội không quan niệm rằng học sinh học giỏi sẽ thành công trong cuộc sống sau này. Nhiều ví dụ sống điển hình trên thế giới mà nhắc đến không ai không biết về năng lực học và thành công của họ như: Steve Jobs, Bill Gates… không học hết đại học hoặc bỏ giữa chừng. Nhiều ngôi sao, doanh nhân thành công ở Việt Nam cũng chưa học hết đại học… 45 đời Tổng thống Mỹ chưa có ai là học hàm giáo sư và chỉ có hai người là học vị Tiến sỹ.
'Do đó, đối với các em trượt đại học lần này cần biết rằng, đại học không và chưa bao giờ là có đường duy nhất đi đến thành công của một người. Học tập là một con đường dài không có điểm dừng. Nếu các em không vào đại học các em có thể học cao đẳng hay trung cấp rồi đi làm để trải nghiệm sau đó có thể tiếp tục học lên nếu các em có đam mê và muốn theo đuổi nó', ThS Nguyễn Sóng Hiền đưa ra lời khuyên.
Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh, thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết: 'Với các thí sinh, cần xác định thi trượt đôi khi chỉ là không may, vẫn có thể làm lại hoặc đi theo hướng khác để thành công. Nhà trường, thầy cô dù các em ra trường rồi cũng cần tăng cường kết nối, động viên học sinh, chia sẻ nỗi buồn. Với các bạn học, cũng cần động viên bạn cố gắng quyết tâm, đừng vì niềm vui của mình mà làm tổn thương người khác. Cha mẹ cần động viên con, dù kết quả thế nào cũng là con của bố mẹ, còn nhiều cơ hội để con có thể làm lại. Vẫn có người 50 - 60 mới khởi nghiệp và thành công'.
'Con đường đi đến đích có rất nhiều, ở thời nay có nhiều con đường dẫn đến thành công. Trước hết dựa vào năng lực, sở trường, gia đình…Với những em có kết quả không tốt năm nay, hãy bình tĩnh, lắng lại và tiếp tục. Có con đường chậm lại mà chắc, đi đường vòng, đây không phải là thất bại mà có thể là sự không may, vẫn có thể làm lại. Đừng bao giờ nghĩ rằng đây là một thất bại, vẫn còn có nhiều người còn kém may mắn hơn, vẫn cố gắng, nỗ lực và thành công. Các em đừng nên nghĩ điều gì tiêu cực đối với bản thân mình'.
Ông Nguyễn Quốc Bình
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội)